Đầu năm du xuân đến 3 ngôi chùa nổi tiếng ở Quảng Ninh
Quảng Ninh được coi là nơi linh khí của đất trời tụ hội, cái nôi của Phật giáo Việt Nam, gắn liền với lịch sử tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông... Chính vì vậy, ngày càng nhiều du khách lựa chọn Quảng Ninh làm điểm đến du xuân và đi lễ cầu an đầu năm.
Chùa am Ngoạ Vân: Vẻ đẹp giao thoa của lịch sử lâu đời và thiên nhiên nguyên sơ
Điểm dừng chân đầu tiên từ cổng chào tỉnh Quảng Ninh, du khách sẽ đặt chân đến quần thể di tích chùa – am Ngoạ Vân thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Truyền thuyết kể lại rằng, Phật hoàng đã nhập niết bàn tại am Ngọc Vân trên một tảng đá lớn trong dáng nằm sư tử. Một phần xá lị của ngài vẫn đang được lưu giữ tại Phật hoàng Tháp trên đỉnh núi Bảo Đài.
Cụm di tích là một quần thể chùa tháp lớn được bố trí thành 3 lớp trên núi Bảo Đài. Lớp cao nhất là: bàn cờ tiên, am Ngoạ Vân, chùa Ngoạ Vân thượng, am Sơn Thần và khu am tháp Phật hoàng. Lớp thứ 2 là chùa Ngoạ Vân trung, nằm cách chùa thượng 200m về phía Tây Nam. Lớp thứ 3 là những di tích còn lại phía dưới chân núi bao gồm 04 cụm và 15 điểm di tích khác nhau như: Thông Đàn, Đô Kiệu, Đá Chồng, Ba Bậc, Tàn Lọng, Cửa Phủ,…
Không chỉ lưu giữ những dấu tích thiêng liêng lịch sử, khu di tích Ngọa Vân còn là một nơi có khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ và tuyệt đẹp. Chẳng thế mà khi dừng chân tại nơi đây, Phật hoàng Trần Nhân đã tức cảnh sinh tình sáng tác bài thơ Nôm “Đăng Bảo Đài Sơn” tả lại khung cảnh yên bình, tĩnh mịch này:
“Địa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận.
Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thuỷ lưu thuỷ,
Bách niên tâm ngữ tâm.
Ỷ lan hoành ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm”.
Đến am Ngọa Vân theo con đường cổ là đi dọc suối phủ Am Trà, lên dốc Đô Kiệu, qua khu Thông Đàn rồi lên đến chùa. Ngày nay, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng cáp treo để chiêm ngưỡng được trọn vẹn vẻ đẹp của núi rừng từ trên cao cũng như thuận tiện hơn trong việc đi lại thăm quan Chùa - Am Ngọa Vân cùng các di tích khác trên đỉnh núi Bảo Đài.
Chùa Cảnh Huống - dấu ấn văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc bộ
Tiếp tục di chuyển vào trung tâm thị xã Đông Triều, Chùa Cảnh Huống (tên chùa nghĩa là “Cảnh đẹp”) tọa lạc tại thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, Đông Triều, Quảng Ninh.
Tương truyền rằng, xưa kia vùng đất này là rừng cây rậm rạp với những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Trên núi xuất hiện một tảng đá to có mặt phẳng đẹp. Xung quanh tảng đá, người dân thấy có rất nhiều điều huyền bí: buổi sáng hoặc xế chiều thường có những tiếng xì xào vọng ra từ phiến đá; mây ngũ sắc bao quanh những ngọn núi trùng điệp; có người có lần còn thấy hai ông ăn mặc quần áo trắng tâu tóc bạc phơ như thần tiên đánh cờ tại phiến đá. Vì vậy, dân trong vùng lập bàn thờ ở đó.
Chùa Cảnh Huống có địa thế tuyệt đẹp: lưng tựa vào núi Vân Sơn (còn gọi là núi Thung), phía trước nhìn ra ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Bạc và sông Bạch Đằng lịch sử. Xung quanh chùa có núi Canh, núi Đống Thóc, núi Con Mèo, núi Con Chuột, mỗi cái tên gắn với tâm thức của người dân làm nông nghiệp ước vọng cho sự cày cấy bội thu.
Đến vãn cảnh chùa, du khách không chỉ được chìm đắm trong không gian tĩnh lặng, yên bình của nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh địa phương mà còn được trải nghiệm văn hoá lễ hội truyền thống của người dân Yên Đức. Hàng năm, từ ngày rằm tháng Giêng tới 18 tháng Giêng tại đây có lễ hội truyền thống Đồn Sơn. Lễ hội này có đặc thù của cư dân vùng nông nghiệp Bắc bộ. Trong đám rước của lễ hội có nghi thức rước lợn ông Bồ là một trong những nghi thức cổ truyền của người Việt dùng để tế thần linh cùng nhiều trò chơi dân gian, hát quan họ, múa rối nước,…
Chùa Trình - cửa ngõ tâm linh và lịch sử của Phật giáo Thiền Trúc Lâm Yên Tử
Trên trục đường chính quốc lộ 18, Chùa Trình (hay chùa Bí Thượng) nằm tại khu Bí Thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, là cửa ngõ vào khu di tích Yên Tử.
Theo ghi chép lịch sử, vua Trần Nhân Tông khi dừng chân tại nơi đây đã cho lập một ngôi đình tạm làm nơi nghỉ chân cho các Phật tử và thiện nam tín nữ từ khắp nơi đến đây nghỉ ngơi trước khi bắt đầu cuộc hành hương vào Yên Tử.
Vào thời Pháp thuộc, ngôi chùa bị đốt cháy. Sau đó chùa được một Phật tử họ Bùi đã phát tâm công đức xây dựng lại trên nền móng hoang phế và 3 tháp gạch được xây dựng từ thời Trần.
Năm 2006, căn cứ vào những giá trị lịch sử, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã quyết định cho trùng tu và xây dựng lại chùa làm trụ sở chính của tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ninh, nơi diễn ra các khóa lễ cúng Phật, lớp “An cư kết hạ” và các lớp tu mùa hè, giảng pháp cho Phật tử.
Mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm chùa Trình bắt đầu khai hội đầu xuân. Đây là hoạt động mở đầu cho lễ hội Yên Tử, nhằm tế cáo đất trời, kính lễ Phật tổ, cáo yết sơn thần xin phép và cầu nguyện cho một mùa lễ hội bình an.
Sau khi tham gia khoá lễ cầu an, du khách có thể dừng chân thư giãn, chụp ảnh với các tiểu cảnh tinh xảo, được trang trí tỉ mẩn, phù hợp với không khí mùa xuân để lưu giữ kỷ niệm một mùa xuân an lành.
Hành hương đến những địa điểm tâm linh thiêng liêng, thắp một nén nhang chiêm bái Phật hoàng rồi bước ra sân tiền đường, cả một vùng thiên nhiên hùng vĩ và không khí an lành bao bọc lấy ta. Đó là lúc con người như được trở về với tất cả những gì đẹp đẽ, nguyên sơ nhất trong tâm hồn. Cũng là món quà đầu xuân mà “miền đất Phật” Quảng Ninh ban tặng cho mỗi người khi có dịp thưởng ngoạn nơi này./.