Quà mừng tuổi trong thời đại tri thức
Mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Người xưa mừng tuổi người thân bằng một món tiền tượng trưng, với mong muốn mang đến tài lộc và những điều tốt đẹp cho năm mới. Những năm gần đây, đồng hành với những hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, nhiều người đã chọn sách làm quà mừng tuổi, quà Tết…
Mừng tuổi đầu năm và những dịch chuyển thời đại…
Theo “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính (1875 - 1921), sau cỗ cúng gia tiên vào sáng mồng một Tết Nguyên Đán, “con cháu ra mừng tuổi ông bà, cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi”. Như vậy, chuyện mừng tuổi đầu năm bằng một món tiền tượng trưng ở ta đã được duy trì từ lâu. Cho đến sau thời kỳ đổi mới, kinh tế đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao, phong tục này trở nên phổ biến hơn. Cùng những giao thoa văn hóa Á Đông, tiền mừng tuổi được cho vào phong bao có hình trang trí mang không khí xuân về với những mong cầu, mừng đón năm mới, còn gọi là lì xì. Mừng tuổi đầu năm cũng là một trong những lý do để trẻ con thêm ngóng chờ Tết, còn người lớn thêm động lực phấn đấu trong suốt một năm làm lụng.
Kỷ nguyên mới của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự chuyển đổi xã hội sang hình thái mới, đó là thời đại của xã hội thông tin và tri thức. Và sách là một nguồn cung cấp tri thức khổng lồ, giúp mọi người mở rộng tư duy, chạm đến những thế giới mới, vững mạnh và bắt kịp với thời đại.
Kể từ khi Ngày Sách Việt Nam ra đời (2014) cho tới nay, những nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc đến từ các đơn vị, cá nhân khắp mọi miền đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức tầm quan trọng của sách cũng như việc đọc. Bên cạnh các hoạt động xây dựng thư viện, tổ chức hội sách, tạo các nhóm cộng đồng chia sẻ việc đọc và tri thức, trong khoảng 10 năm qua, nhiều người đã chọn sách làm quà tặng người thân hay tặng trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật... Đáng kể, phong trào mừng tuổi sách đầu năm đang hình thành nhận thức mới trong cộng đồng. Người đi đầu quyết liệt và kiên trì, gợi cảm hứng lan tỏa các hoạt động khuyến đọc, trong đó có mừng tuổi sách phải kể đến “nhà sách hóa nông thôn” Nguyễn Quang Thạch. Là người khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam, từ năm 2015, Nguyễn Quang Thạch đã chọn sách làm quà mừng tuổi trong đêm giao thừa cũng như dịp năm mới cho các em học sinh tại các trường học ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế và nhiều nơi trên cả nước.
Lan tỏa nét văn hóa mới
Được gợi cảm hứng từ những hoạt động khuyến đọc của Nguyễn Quang Thạch, đã có nhiều người nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội tham gia nhân rộng thói quen lì xì sách như: diễn giả Nguyễn Quốc Vương, dịch giả Nguyễn Bích Lan (Hà Nội), thầy giáo Trung Phương Nguyễn (Nghệ An), chị Trương Lê Na (TP. Hồ Chí Minh)...
Chị Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập Nxb Phụ nữ Việt Nam nhớ lại, lần đầu tiên chị lì xì sách là ở quê ngoại. “Năm đó, tôi nhờ người nhà và cùng trao đổi với lãnh đạo thôn, xã Cẩm Xá (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) cho thông báo trên loa của thôn. Trẻ em nào ra đình làng đúng ngày giờ như đã hẹn sẽ được mừng tuổi sách. Tôi khá bất ngờ vì số lượng trẻ và người lớn tới xếp hàng nhận sách đông hơn tôi nghĩ. Và từ đó, trẻ làng tôi nói riêng hay các kết nối xung quanh tôi nói chung đều mong ngóng tôi lì xì sách vào dịp Tết”, chị Khúc Thị Hoa Phượng kể. Cũng theo Giám đốc - Tổng Biên tập Nxb Phụ nữ Việt Nam, bên cạnh các hoạt động khuyến đọc, nhà xuất bản vẫn tổ chức các chương trình mừng tuổi sách đầu năm để tri ân các độc giả thân thiết, góp phần tạo và lan tỏa thói quen lì xì sách đến cộng đồng.
Là người tích cực trong các hoạt động khuyến đọc suốt nhiều năm qua, dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ, đã từ lâu chị thường chọn sách làm quà để mừng tuổi đầu năm hay trong các dịp đặc biệt. Với chị, “sách chính là kho kiến thức, là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho tinh thần giúp con người ta phát triển nhân cách. Trong nhiều trường hợp, sách còn là nguồn sức mạnh tiềm ẩn giúp chúng ta thay đổi hoàn cảnh”. Còn chị Phương Lan (phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) thì cho rằng: “Ở thời đại này, có tri thức sẽ có tài lộc và nhiều hơn thế”. Bởi thế chị thường lì xì sách đầu năm với mong cầu một năm mới nhiều tri thức, và hạnh phúc, tài lộc hay thịnh vượng sẽ tự theo về.
Việc tiếp nhận và hưởng ứng thói quen lì xì sách như một nét văn hóa mới của người Việt dịp đầu năm. Song không ít người còn băn khoăn khi muốn thay đổi nếp quen mừng tuổi đầu năm từ phong bao tiền sang lì xì sách. Bởi không phải đứa trẻ nào cũng thích sách và chưa hẳn người lớn nào cũng nhận thức được giá trị của sách.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương, cũng là diễn giả đã tham gia nhiều hoạt động khuyến đọc trên khắp cả nước chia sẻ: “Bản chất của trẻ là rất ham tìm hiểu, tò mò với cái mới lạ. Sách chứa bên trong nhiều điều mới lạ mà trẻ em luôn muốn khám phá. Trong thực tế, tôi rất ít gặp trẻ từ chối không nhận sách. Ngược lại, có rất nhiều trẻ mong muốn nhận được nhiều hơn một cuốn và nhiều hơn một lần. Vấn đề thích hay không thích sách tôi nghĩ có khi lại nằm ở phía người lớn như cha mẹ. Nếu cha mẹ bày tỏ thái độ tích cực với sách, trẻ em sẽ tiếp nhận tích cực”.
Để tạo một thói quen tốt nhất là nên bắt đầu khi trẻ còn nhỏ. Muốn xây dựng cho trẻ em thói quen đọc sách, cần giáo dục các em thái độ trân trọng tri thức trong sách và tinh thần ham học. Song song là sự làm gương của các bậc cha mẹ, người lớn - chính họ cũng nên nhìn nhận giá trị của sách/ giá trị tri thức là vô cùng quan trọng và cần thiết. Khi mỗi gia đình có một tủ sách, cha mẹ có thói quen đọc sách và xem việc đọc như chuyện ăn cơm uống nước mỗi ngày thì trẻ sẽ noi theo. Tặng quà bằng sách hay lì xì sách đầu năm không nên chỉ dừng lại ở phong trào, mà rất cần được nhân rộng, lan tỏa và tạo nên thói quen tất yếu trong đời sống./.