“Tình sử Thăng Long” - nhạc kịch Tết 2024 đến với khán giả
20 giờ mùng 6 và mùng 7 Tết Giáp Thìn (15 – 16/2), vở nhạc kịch đề tài lịch sử “Tình sử Thăng Long” sẽ ra mắt khán giả tại Nhà hát Bến Thành (Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Trailer giới thiệu nhạc kịch “Tình sử Thăng Long”.
“Tình sử Thăng Long” là dự án nghệ thuật đặc biệt, thể hiện sự kết hợp hiếm hoi và đầy bất ngờ giữa hai nhà sản xuất lớn trong ngành sân khấu Việt Nam nói chung và phía Nam nói riêng, đó là Sân khấu kịch Hồng Vân và Công ty giải trí Kim Tử Long do NSND Hồng Vân và NSƯT Kim Tử Long làm “bầu sô”.
Tác phẩm sân khấu do nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải đảm nhận vai trò đạo diễn, cũng là sự “tiếp lửa” của những tên tuổi gạo cội để thế hệ trẻ tiếp nối kể lại những câu chuyện lịch sử bằng phong cách của chính những người trẻ, đầy sáng tạo nhưng cũng không kém phần hùng tráng.
“Tình sử Thăng Long phóng tác từ tác phẩm “Công chúa Ngọc Hân” của cố soạn giả Lưu Quang Vũ. Vở nhạc kịch Tình sử Thăng Long vẽ nên câu chuyện tình đầy chất thơ của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nàng công chúa tài hoa Ngọc Hân, giữa những mưu toan đen tối, những rối ren thời cuộc và những trận chiến tranh đoạt quyền bính, thay triều đổi đại”, NSND Hồng Vân, chia sẻ.
Được biết, “Tình sử Thăng Long” có sự tham gia của hơn 70 diễn viên, trong đó có sự kết hợp của dàn diễn viên gạo cội kịch nói lẫn cải lương, như: NSND Hồng Vân (vai mẹ công chúa Ngọc Hân), NSƯT Kim Tử Long (vai anh hùng - vua Nguyễn Huệ), NSƯT Trinh Trinh (vai Đô đốc Bùi Thị Xuân), nghệ sĩ Hoàng Sơn (vai Nguyễn Nhạc), Bình Tinh (vai Mai, thị nữ của công chúa Ngọc Hân)… Đặc biệt, vai công chúa Ngọc Hân thuộc về diễn viên trẻ Hoàng Yến sau đợt tuyển chọn kỹ càng cho vở nhạc kịch.
Chia sẻ thêm về “Tình sử Thăng Long”, NSND Hồng Vân và NSƯT Kim Tử Long cho biết, toàn bộ trang phục cổ của vở nhạc kịch này được đầu tư thiết kế bởi các nhà tạo mẫu.
“Từ “phiên bản sinh viên” của Tình sử Thăng Long là vở Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân, chúng tôi đã hợp tác với thương hiệu Việt phục Hoa Niên với những người trẻ đam mê tìm hiểu và mong muốn đưa cổ phục Việt trở lại trong đời sống. Lần đồng hành này yêu cầu lại càng cao hơn. Toàn bộ phục trang của “Tình sử Thăng Long” đều được may mới, vừa bám sát lịch sử, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ sân khấu” - NSND Hồng Vân cho biết.
Ngoài phần trang phục, các đơn vị dàn dựng “Tình sử Thăng Long” phải đặt hàng các nhạc sĩ viết riêng phần nhạc. Với những gương mặt nghệ sĩ gạo cội và diễn viên trẻ tài năng, cùng sự đầu tư, chăm chút từ phần âm nhạc đến trang phục và nội dung, “Tình sử Thăng Long” được rất nhiều khán giả đón đợi, hứa hẹn đây sẽ là tác phẩm sân khấu “bom tấn” của mùa kịch Tết 2024 tại Việt Nam./.