Ảnh xuân một thời
Một chiều cuối năm ngang qua Hồ Gươm, tôi chợt nhận ra thời gian trôi đi thật nhanh. Mới ngày nào đi quanh hồ còn ngước lên ngắm Tháp Rùa, thế mà giờ đây cao ốc san sát, có thể đứng từ khu sân thượng các tòa nhà ven hồ để nhìn xuống ngắm rõ Hồ Gươm. Quán cà phê tấp nập khách ra vào, trên tay mỗi người là một chiếc điện thoại thông minh (smartphone). Góc nọ là nhóm bạn đang selfie bằng chiếc Iphone đời mới, góc kia là một chàng trai vừa khom người vừa giơ chiếc Ipad và căn góc đẹp để chụp ảnh cho bạn gái đang tạo dáng bên giò phong lan…
Thoáng bồi hồi, tôi nhớ về những ngày Tết ngỡ chưa xa mà đã trở thành xưa. Đó là thời chưa có smartphone, những ngày mà người Hà Nội đều kéo nhau lên bờ hồ hoặc vào hiệu ảnh để chụp ảnh Tết…
Nhà tôi có thông lệ chụp ảnh cả gia đình sau bữa cơm tân niên vào chiều mồng một Tết Nguyên Đán ở hiệu ảnh Phương Đông. Bởi “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” nên đây là dịp cả nhà tề tựu đông đủ nhất. Đây cũng là ngày tinh khôi đầu tiên trong năm, là nền tảng cho tương lai cả năm mới. Chụp ảnh gia đình đón chào xuân mới là một cách đánh dấu những trưởng thành, lưu lại những gương mặt thân thiết của cả nhà và cũng như là tấm gương cho cả năm. Khoảnh khắc hiếm hoi và thiêng liêng tụ hội đông đủ mọi người, sẽ trở nên bất tử, nó gần như một hình thức điểm danh bởi chỉ sau thời điểm này ai nấy sẽ tỏa đi thăm thú, du xuân mỗi người một ngả. Chính vì thế, việc chụp ảnh gia đình trở nên đặc biệt và vô cùng có ý nghĩa với gia đình tôi mỗi dịp đầu năm mới.
Nhớ năm đó, anh cả tôi đóng quân ở biên giới Cao Bằng về phép để ăn Tết và dạm ngõ chị hàng xóm. Còn chị gái tôi lúc ấy đã tới tuần cập kê, “dập dìu tài tử giai nhân” nên cũng xúng xính quần áo rồi qua hiệu ảnh làm mấy “pô” lưu giữ tuổi xanh. Ngày 30 Tết năm đó, tôi mới chỉ là chú nhóc còn ham ăn ham chơi. Lúc tôi đang khoái khẩu thưởng thức chiếc bánh nhỏ ngay sau khi vớt bánh chưng trong nồi ra, anh cả tôi đang ngồi bên bếp dầu huơ huơ đôi đũa trên ngọn lửa liền lập tức tóm lấy tôi. Anh bảo tôi giúp uốn tóc anh cho bồng bềnh như nhà thơ Xuân Diệu để anh còn sang thăm nhà chị hàng xóm và đi chụp ảnh Tết cho sang chảnh. Những năm 1980, tôi còn nhớ mấy hiệu ảnh được nhiều người tìm đến như Nắng Xuân ở phố Hàng Bài, Hợp tác xã Quốc Tế ở Hàng Khay, Phương Đông ở góc cuối Hàng Bông đầu Thợ Nhuộm. Và cũng những năm đó, gia đình nào thực khá giả một chút thì mới có thể đều đặn chụp ảnh Tết mỗi năm.
Sáng mồng một năm ấy, ông tôi mặc ba-đờ-xuy, bố tôi khoác áo vải dù chần bông, mẹ ấm áp trong áo nhung xanh đậm, anh cả diện quần bò, áo Nato, xỏ đôi ghệt đúng tác phong nhà binh. Chị gái tôi thì lượt là quần lụa, áo len thêu hoa hồng. Tôi diện bộ đồ mới nhất, áo poplin màu trứng sáo, quần kaki ống rộng đã là ly sắc như dao lam, đi đôi gò trắng (dép nhựa trắng Tiền Phong). Vừa xúng xính quần áo mới, đẹp, lại đang hân hoan không khí tươi vui cùng đất trời nên sau bữa cơm đầu năm mới, cả nhà tôi kéo nhau ra hiệu ảnh Phương Đông. Hiệu ảnh được trang trí bằng một phông nền là cảnh bình minh, giữa phòng là cành đào và cây quất bonsai lớn. Ở đây có các máy ảnh cao cấp như Praktica hay Leica của Đức thuộc hàng quý hiếm. Bác thợ ảnh là nghệ nhân có kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm, rất tận tâm, bác bảo: “Mỗi lần chụp là một khoảnh khắc, một góc độ khác nhau. Phải tinh tế ngắm vào kính mờ thật kỹ, mở ống kính bắt hình chỉnh đi chỉnh lại cả tiêu cự lẫn hình dáng người chụp sao cho thật chuẩn rồi mới chụp”.
Tốc độ máy chụp thời đó khá chậm nên mỗi nhà dễ mất tới cả nửa tiếng. Vì khách đông và rất nhiều trẻ em nên phải ghi tên xếp hàng chờ đến lượt, chị gái tôi hay lai vãng nên đã hẹn trước với chủ hiệu. Trước khi bấm máy, mọi người chộn rộn, chăm chút lại ngoại hình, chị tôi hết gương lược tóc tai lại đến phấn son kẻ mắt tạo dáng. Vì hiệu ảnh có tới cả hai chục bộ comple nên bác “phó nháy” khuyên bố tôi mặc vào cho đẹp. Bác phải rất vất vả sắp xếp, chỉnh đốn hàng ngũ theo hình tháp đứng ngồi nghiêm cẩn theo nguyên tắc “kính lão đắc thọ”, từ ông nội tới bố mẹ và mấy anh em sao cho ai ai cũng đủ mặt, thoải mái tự tin để chụp hình cho thật tự nhiên. Bác “phó nháy” lắp cuộn phim 36 kiểu vào máy ảnh Praktica và bắt đầu tác nghiệp. Bức ảnh tổng thể sẽ được rửa cho mỗi người một ảnh. Anh cả và chị gái tôi còn muốn chụp riêng để tặng người thương. Hồi đó, giá tiền một cuộn phim bằng cả tháng lương của bố tôi. Dù đã hết sức kiềm chế nhưng bố tôi cũng không thể ngăn cản hai anh chị được. Phải mất cả tuần mới lấy được ảnh, tiếc thay khi chụp do phim lắp chồng lên nhau nên bị mất dăm kiểu, nhưng hầu hết ảnh đều rất đẹp. Chị gái tôi cao hứng còn thuê hiệu ảnh tô màu, dẫu giá đắt gấp rưỡi so với ảnh đen trắng nhưng quả thật nhìn những bức ảnh được thêm màu này thật ấn tượng.
Bức ảnh chung của gia đình tôi được phóng to lồng vào khung treo trang trọng giữa nhà. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, việc đầu tiên bố mẹ tôi sẽ chỉ vào ảnh giới thiệu: Cháu nó thế này, cháu nó thế kia thật xiết bao vinh dự, tự hào. Còn quý khách tha hồ mà ngắm nghía, tha hồ mà trầm trồ. Ảnh cả nhà cỡ nhỏ cũng được ép vào sổ tay của mỗi thành viên, hình ảnh những người thân yêu nhất ấy như một hành trang đồng hành với mỗi người. Đôi khi chỉ mở ra xem đỡ nhớ, cũng có khi để khoe khoang bạn bè vì bức ảnh như một bằng chứng hào sảng về người thân của mình… Anh cả tôi lên đơn vị thể nào chả có chuyện khoác lác với đồng đội: “Con em gái tao xinh chưa! Các cậu có muốn tớ dấm cho”.
Thời gian như bóng câu ngang cửa, mới đấy mà nay đã mấy chục năm trôi qua. Người trên ảnh đó mà nay đâu rồi… Thời đại 4.0 khiến người ta dễ dàng tự chụp ảnh và chụp cho nhau bằng smartphone, lưu trữ cũng dễ dàng hơn. Tới tiệm chụp ảnh kỷ niệm gia đình hay bóng dáng những người “thợ nháy” lang thang chụp ảnh Tết ngoài phố đang dần trở nên thưa thớt và đi vào dĩ vãng. Sự phổ biến và dễ dàng ấy phù hợp với nhịp sống nhộn nhịp này, nhưng sao có điều gì khiến lòng tôi rưng rưng. Những người thân yêu trong bức ảnh gia đình tôi năm xưa cũng không được đông đủ để gặp nhau mỗi năm nữa, hiệu ảnh Phương Đông ở góc phố năm xưa cũng không còn… Tiết xuân đang tới, mà sao lòng đầy bâng khuâng hoài niệm nhớ thương…