Đức Thánh Bà (Bà Lạy)
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:14, 07/11/2020
(Thành hoàng làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội)
Đình làng Hạ Thái. Ảnh: Hồng Hạnh
Làng Hạ Thái trước kia thuộc tổng Ninh Xá, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Sau này Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, thuộc Thành phố Hà Nội.
Hạ Thái là một làng Việt cổ, nghề chính là làm ruộng. Cũng từ xưa, Hạ Thái còn có nghề phụ là nghề làm sơn mài nổi tiếng trong vùng.
Đình làng Hạ Thái tôn thờ Đức Thánh Bà (còn gọi là Bà Lạy), người đã hiến thân cho hổ dữ, giải tai họa hiến sinh hằng năm cho làng, đem lại cuộc sống bình an cho nhân dân.
Đình làng còn phối thờ ngài Bùi Sỹ Lượng và phu nhân. Ngài làm quan thời Lê, đã có dịp qua trang Cự Tràng (nay là Hạ Thái) và bỏ tiền mua đất để xây dựng miếu đền ở đây. Khi ngài mất được dân mấy làng vùng này tôn thờ làm Thành hoàng làng.
Về sự tích Đức Thánh Bà, theo bản thần tích còn lưu ở đình thì công tích của ngài như sau: Ngày xưa vùng đất Hạ Thái qua Duyên Trường, Văn Hội ra đến Cống Dũi, Quán Gánh bên đường số 1, sang quá Nhị Khê, Phụng Công… đây đó vẫn còn những mảng rừng rậm hoang vu.
Bấy giờ, dân Hạ Thái đã tụ cư thành trang ấp đông vui. Dân tình đang làm ăn sinh sống bình yên, đột nhiên tại khu rừng Cống Song cách phía sau làng không xa, xuất hiện một con hổ dữ. Mình nó to dài như con bò mộng. Lông nó loang lổ vằn vện vàng đen. Đêm đêm nó sục sạo vào trang ấp bắt trâu bắt lợn tha như mèo tha chuột. Ngày ngày nó lăn ra ngủ, tiếng gáy vang như sấm, bọt sùi ra bên mép trắng như đống tuyết.
Dân làng sợ sệt kháo nhau đó là con hổ thành tinh biết nói tiếng người. Từ đó ai ai cũng sinh sợ gọi nó bằng ông Hổ.
Ăn chán thịt gia súc, một ngày kia ông Hổ đòi ăn thịt người. Nhưng không phải người thường mà phải là một cô gái dậy thì xinh đẹp. Mới đầu dân làng cùng hò nhau chống lại, nhưng đều thất bại.
Cuối cùng cực chẳng đã họ phải thuần phục hổ dữ. Hằng năm thành lệ, cứ vào ngày mười tháng Một, phải tuyển chọn dâng cống ông Hổ một người con gái. Từ đó trở đi ông Hổ mới để cho dân làng yên ổn làm ăn.
Nhưng yên ổn thực sự chỉ dành cho một số người giàu sang phú quý có quyền thế. Còn số đông dân làng vẫn nơm nớp lo sợ, nhất là những nhà có con gái sắp đến tuổi trưởng thành. Cái lệ hiến người năm nay chưa kịp tan ác mộng thì năm tới lại sắp đến kỳ. Nhìn cảnh bố mẹ lìa con, đôi lứa lìa bạn, làng xóm lìa nhau thật là trời sầu đất thảm.
Bấy giờ, cũng ở cửa rừng Cống Song từ lâu đã có một bà cụ dựng lều bán nước. Bà sống một mình, không nhớ tên nhớ tuổi, tính tình nhân hậu chất phác. Nói là bán nước nhưng chẳng lấy tiền của ai cả. Lại nữa, bát nước vối của bà cứ như thuốc tiên, ai được uống thì tan hết mệt mỏi, thậm chí chẳng may bị đau bụng, uống vào cũng khỏi liền. Mọi người đều kính nể bà, thầm cảm ơn trời đất đã dun dủi đưa bà từ đâu đến với quê mình. Phải thấy cảnh mỗi năm dân làng đành cam chịu thí mạng một người con gái vô tội cho hổ dữ, bà nặng lòng suy nghĩ.
Đã nhiều năm ngồi bên ngã ba đường này, bà nghe đủ chuyện gần xa, mà ở xứ Đông xứ Đoài đều có cả. Người ta đồn rằng những nơi ấy có ông quan này, ông quan nọ, có tên tuổi chức tước hẳn hoi, đã tình nguyện xin vua cho về làng tập hợp tráng đinh bày mưu, tính kế và đã trừ khử được thú dữ. Còn ở đây sao không ai nhìn ngó tới, để mặc dân lành cho hổ dữ hành hạ? Bà nghĩ lung lắm, người gầy sọp đi.
Thế rồi, ngày mùng mười tháng Một nữa lại đến.
Hôm ấy, theo lệ cũ, người con gái xấu số được dẫn lên chôn chân trên gò đất cao giữa đồng. Dân làng vây xung quanh, mặt mũi ủ rũ, im lặng. Cha mẹ và người thân thì gào khóc thảm thiết.
Đúng giờ Ngọ, mặt đất bỗng rung chuyển trong tiếng thét vang động, hổ dữ xuất hiện như từ trên trời lao xuống.
Như những lần trước, để thăm dò phản ứng của dân làng, hổ dữ thường gầm lên ba tiếng rồi mới vồ mồi. Nó nghĩ, sau ba tiếng gầm, nếu có ai muốn thay mạng cho người con gái kia, nó sẽ xóa bỏ lệ cũ và lập tức đi khỏi đây. Nó đinh ninh rằng, lần này cũng vậy thôi, trong đám dân lành kia sẽ chẳng có kẻ nào dám ho he nửa tiếng.
Nào ngờ, khi nó chưa kịp gầm tiếng thứ ba thì đám đông bỗng nhốn nháo hẳn lên. Mọi người chết lặng ngạc nhiên khi thấy bà hàng nước đang xăm xăm bước thẳng lên gò.
Mặc dù đã có định từ trước, song hổ lang vẫn bất ngờ. Nó run lên giận dữ, nhanh như chớp, vồ lấy bà cụ rồi biến mất.
Khi đám đông trấn tĩnh thì mọi sự đã kết thúc tự bao giờ. Người ta vội cắt cử nhau bổ đi các ngả tìm thu gom di hài của bà cụ. Lần theo vết máu thì biết hổ dữ đã tha bà từ Hạ Thái qua chùa Úi đầu thôn Văn Hội sang Thượng Đình rồi Trung Thôn, Nhị Khê đến Phụng Công thì mất dấu vết. Những nơi ấy xưa kia đều dựng miếu thờ bà.
Riêng Hạ Thái, để ghi ơn trời biển của bà, dân làng đã dựng ngôi đình ngay trên khu đất Gò Cây Muỗm - nơi lưu giữ những giọt máu đầu tiên của bà và tôn bà làm Thành hoàng làng.
Đình thờ bà được bố cục theo kiểu chữ Công (I), trong hậu cung, ba gian đều xây bệ cao, gian giữa đặt ngai vị Đức Thánh Bà, hai gian bên đặt ngai vị Ngài Bùi Sỹ Lượng và phu nhân.
Hiện di tích còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong có niên đại từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, 2 tấm bia đá đời Lê cũng nhiều bức hoành phi câu đối.
Hằng năm cứ đến ngày mùng mười tháng Một là ngày bà hóa, dân làng lại mở hội lớn để tưởng nhớ công ơn.
Sinh thời, Thành hoàng làng Hạ Thái vốn không có tên húy. Từ lòng ngưỡng mộ trên, dân làng đã gọi bà là Bà Lạy.
Đình làng Hạ Thái đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa theo quyết định số 268/QĐ-UB ngày 3/10/1988.