Văn hóa - Xã hội

Khai mạc chương trình Happy Tết 2024

Thu Trang 25/01/2024 06:54

Tối ngày 24/1, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức khai mạc chương trình Happy Tết 2024 với chủ đề "Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống".

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Ánh Dương – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, cho biết: “Cứ mỗi dịp xuân về, bao trái tim người con đất Việt lại xao xuyến, thổn thức, mong chờ được đón Tết Nguyên Đán ấm áp, yêu thương, sum vầy bên gia đình, bạn bè và người thân. Đây cũng là dịp để mỗi người Việt chúng ta hướng về cội nguồn; bạn bè và du khách quốc tế được trải nghiệm, cảm nhận, thẩm thấu những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt đậm đà bản sắc”.

Xuyên suốt chương trình là sự kết hợp độc đáo của những truyền thống Tết cung đình xưa với văn hóa Tết ngày nay tạo nên không gian lan tỏa, linh thiêng và sống động. Với quy mô 3.000-3.500m2, được thiết kế, trang trí hoành tráng, công phu và đầy sáng tạo, Happy Tết 2024 sẽ giới thiệu ngày Tết truyền thống, điểm đến du lịch, giá trị văn hóa, di sản... các vùng miền trên cả nước.

3768bf71cc0e66503f1f.jpg
Toàn cảnh chương trình Happy Tết 2024 với chủ đề "Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống".

Chương trình bao gồm các không gian: chuyến tàu quê hương, không gian nhà Hà Nội xưa, không gian Tết miền Trung, không gian Tết miền Nam, không gian Tết sắc màu dân tộc, không gian quảng bá ẩm thực được sắp đặt dàn dựng cùng các tiểu cảnh giới thiệu điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Mê Linh, Tây Hồ... Đặc biệt là các gian hàng mô phỏng nhà Phố Phái tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương tấp nập.

Điểm nhấn cho chuỗi trải nghiệm không khí Tết là hình ảnh nhà ga với chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt, đưa những người con xa quê về quê ăn Tết. Xuất phát từ ga Hà Nội, "chuyến tàu quê hương" sẽ đưa người dân và du khách chiêm ngưỡng những vườn hoa xuân rực rỡ hương sắc bên cây cầu Long Biên cổ kính.

4d616f671c18b646ef09.jpg
Happy Tết 2024 có sự kết hợp của những nét đẹp truyền thống Tết cung đình xưa với văn hóa Tết ngày nay.

Tiếp đến không gian nhà Hà Nội xưa được phục dựng từ ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Tại đây, người dân cũng như du khách sẽ được tìm hiểu một gia đình người Hà Nội xưa chuẩn bị mâm cơm cúng Tết cùng người thân quây quần gói bánh chưng trong hương thơm của nước mùi già nồng vị, ấm lòng.

Không gian Tết miền Trung được diễn tả tại ngôi nhà vườn An Hiên Huế với thiết kế hồ sen trước nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà vườn xưa cùng các tiểu cảnh thể hiện đặc trưng của tết miền Trung.

Không gian Tết miền Nam tái hiện hình ảnh ngày Tết sôi động, nhộn nhịp trên chợ nổi, mang đậm dấu ấn miệt vườn, sông nước của người dân Nam Bộ.

Không gian Tết sắc màu dân tộc kể về câu chuyện sinh hoạt của đồng bào dân tộc ngày tết với những nghi lễ, phong tục, ẩm thực tạo nên một bức tranh Tết đa sắc màu.

de397ef2168dbcd3e59c.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu thăm quan gian hàng thủ công mỹ nghệ tại sự kiện Happy Tết 2024, Ảnh: Hoài Nam

Không gian quảng bá ẩm thực Tết Hà Nội và các vùng miền chính là linh hồn của sự kiện, bởi ẩm thực không chỉ phản ánh văn hóa bản địa của mỗi vùng, miền mà còn chứa đựng hồn cốt văn hóa của dân tộc, quan niệm nhân sinh và những giá trị bền vững, đặc trưng riêng có của Hà Nội cũng như cả nước.

Đồng hành cùng ban tổ chức Happy Tết 2024, nhãn hàng CHIN-SU mang tới không gian trải nghiệm đa dạng, thú vị trong thời gian gần Tết ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, các hoạt động check-in nhận quà, trò chơi tương tác, biểu diễn món ăn, các tiết mục ca nhạc đặc sắc đến từ nhóm nhạc Da Lab, ca sĩ Bùi Công Nam, giao lưu với người nổi tiếng... diễn ra xuyên suốt từ ngày 24-28/1.

Các hoạt động chính của Happy Tết 2024 hứa hẹn thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm. Lễ khai mạc diễn ra vào 18h30 ngày 24/1 với màn trình diễn công nghệ 3D Mapping, ánh sáng nghệ thuật mang âm hưởng văn hóa sử thi; các show diễn trang phục Tết cổ truyền.

Tọa đàm với chủ đề "ngày xuân kể chuyện Tết xưa" là những câu chuyện về xem Tết, ăn Tết, chơi Tết; những trải nghiệm, cảm nhận về Tết xưa và nay được chia sẻ từ các nhà nghiên cứu văn hóa, các kiều bào và du khách.

Bên cạnh đó, chương trình còn có các hoạt động bên lề như: triển lãm ảnh, tư liệu về Tết xưa; chương trình biểu diễn nghệ thuật: ca trù, đờn ca tài tử, đêm nhạc trẻ "Tết đong đầy". Các hoạt động trải nghiệm văn hóa, phong tục ngày Tết truyền thống như trình diễn mâm cỗ ngày Tết, gói bánh chưng, xin chữ, viết câu đối… cùng nhiều trò chơi dân gian truyền thống hấp dẫn./.

Thu Trang