Thế giới điện ảnh

Cần quan tâm đến tâm lý khán giả khi tiếp nhận tác phẩm điện ảnh

Ths. Hoàng Dạ Vũ 07:47 25/01/2024

Quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật luôn đi liền với quá trình thưởng thức và tiếp nhận của người xem. Đặc biệt là đối với điện ảnh – bộ môn nghệ thuật ngay từ khi ra đời đã không thể thiếu khán giả.

Có thể nói sự thành bại của một bộ phim phụ thuộc rất nhiều vào khán giả, nhất là trong thời kỳ kinh tế thị trường, khi điện ảnh cũng được xem như một sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Suốt một thời kỳ dài trước đây, điện ảnh phục vụ cho nhiệm vụ chính trị - chống kẻ thù xâm lược và xây dựng tái thiết đất nước, do đó phim của ta mang nặng tính tuyên truyền, định hướng người xem. Nhưng đến thời mở cửa và toàn cầu hóa hiện nay, điện ảnh cần hướng tới việc phục vụ nhu cầu giải trí và thưởng thức của khán giả - những người bỏ tiền ra mua vé xem phim và có nhiều lựa chọn khi ra rạp. Chúng ta không cố chạy theo thị hiếu khán giả một cách dễ dãi, nhưng việc làm thỏa mãn thị hiếu chính đáng, nắm bắt nhu cầu, tâm lý khán giả khi tiếp nhận tác phẩm điện ảnh là điều mà các nhà làm phim cần quan tâm, chú trọng hiện nay.

Có một thực tế là điện ảnh Việt Nam hiện nay vẫn chưa hoàn toàn quan tâm đúng mức đến vấn đề tâm lý khán giả khi thưởng thức, tiếp nhận tác phẩm. Điều này thể hiện qua một số thái cực: hoặc quá đề cao vai trò của người sáng tác mà không để ý đến cảm nhận của khán giả; hoặc chiều theo thị hiếu số đông một cách đơn giản, hời hợt.

poster-phim-bo-gia.jpg
Poster phim "Bố già".

Học giả điện ảnh một số quốc gia từng tiến hành nghiên cứu sâu về thực chứng tâm lý học điện ảnh - chủ yếu về tâm lý học cảm xúc và tâm lý học phân tích, nhằm phân tích sâu hơn tác phẩm điện ảnh, tìm hiểu tác động của nó đến công chúng cùng thị hiếu người xem từng thời kỳ. Qua tâm lý học phân tích, người ta có thể tìm hiểu quy luật và quy trình, trong đó phim đã bằng cách nào tác động đến người xem. Vì vậy, có người nói điện ảnh là một “trò chơi tâm lý”.

Một số đạo diễn, đặc biệt ở dòng phim nghệ thuật – thử nghiệm (hay còn gọi là phim tác giả) quá chú trọng, đề cao cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ nên tập trung vào những thủ pháp mang tính tìm tòi, lạ hóa, khác thường. Nhưng chính điều đó đã tạo nên nhiều bộ phim gây khó hiểu, khó tiếp nhận, thậm chí đánh đố khán giả. Rồi khi phim ít người xem họ lại kêu là “phim tôi kén khán giả” hay “khán giả không hiểu phim”… Việc chú trọng, đề cao tính nghệ thuật và phong cách tác giả là rất cần thiết. Tuy nhiên, xem nhẹ sự tiếp nhận của người xem, đánh giá thấp khả năng cảm thụ và hiểu phim của khán giả lại vô hình trung tạo khoảng cách giữa tác phẩm điện ảnh và công chúng. Phim nghệ thuật vẫn có thể chinh phục người xem, điều này đã được chứng minh qua thành công của nhiều phim vừa giành giải thưởng lớn vừa đạt doanh thu cao trên thế giới như “Titanic, “Ký sinh trùng”, “Quyết tâm chia tay”… Nhưng ở Việt Nam, các phim thành công như vậy còn rất hiếm hoi, phim nghệ thuật thường ít người xem và không tạo được doanh thu tốt.

Một thái cực khác là các phim chạy theo thị hiếu khán giả một cách dễ dãi, tạo ra những sản phẩm với chất lượng nghệ thuật thấp, lôi kéo người xem bằng đủ loại chiêu trò PR, kể cả dùng cách “truyền thông bẩn”. Một vài năm trước thị trường điện ảnh Việt Nam tràn ngập xu hướng làm phim hài nhảm, phim dung tục lạm dụng yếu tố sex và bạo lực để câu khách. Không phủ nhận có một bộ phận khán giả tò mò, bị thu hút bởi những yếu tố hấp dẫn nhất thời đó. Nhưng sau một thời gian, người xem bắt đầu chán ngán và quay lưng với những bộ phim nhảm nhí, câu khách rẻ tiền. Khán giả yêu nghệ thuật thứ bảy chân chính sẽ nhận ra được giá trị thực sự của tác phẩm điện ảnh.

Trước thực trạng chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, đúng hướng cho khâu đầu ra – khán giả của điện ảnh, người viết bài này xin được đề xuất một số giải pháp như sau:

Trước hết, cần tăng cường nhận thức, hiểu biết về tâm lý khán giả cho thế hệ làm phim trẻ, nhất là từ khi còn học trên giảng đường. Môn học Tâm lý học nghệ thuật còn chung chung, chưa nhiều tính ứng dụng vào thực tế. Nhiệm vụ quan trọng của tâm lý học điện ảnh là tìm hiểu cơ chế cảm xúc của người xem trong quá trình thưởng thức tác phẩm điện ảnh. Tự người xem đã sáng tạo ra một quy luật tiếp nhận riêng, trong đó tính liên tục cùng ý nghĩa sâu xa của tác phẩm được nhận thức thông qua cơ chế tâm lý của bản thân người xem. Các nhà làm phim tương lai cần hiểu được cơ chế tiếp nhận và cảm xúc của người xem, từ đó biết cách gây được sự chú ý và tập trung ở khán giả bằng những thủ pháp đặc trưng của điện ảnh.

Tiếp đó, trước khi bắt tay vào làm phim, các nhà làm phim nên khảo sát đối tượng khán giả mà bộ phim định hướng tới, ví dụ như trẻ em từ 8 đến 15 tuổi hay thanh niên từ 20 đến 30 tuổi… để hiểu hơn về sở thích, thói quen, quan niệm của họ, từ đó tạo ra những tác phẩm điện ảnh phù hợp với thị hiếu của đối tượng khán giả đó, góp phần tăng tỉ lệ đạt doanh thu cao cho bộ phim. Cách làm này đã được các nhà điện ảnh Mỹ và châu Âu thực hiện từ rất lâu (từ thập niên 50 – 60 khi điện ảnh đứng trước sự cạnh tranh lớn của truyền hình và buộc phải tìm cách thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ). Nhưng ở Việt Nam, vẫn chưa có một đơn vị hay hãng phim nào tiến hành khảo sát nhu cầu của người xem một cách hệ thống, thường xuyên như một khâu thiết yếu của quy trình sản xuất phim.

Thứ ba, cần chú trọng hơn nữa khâu phát hành, quảng bá phim bởi đó là yếu tố rất quan trọng thu hút sự quan tâm của khán giả và đưa họ đến rạp xem phim. Đã có không ít trường hợp những bộ phim có chất lượng tốt nhưng lại chết yểu vì không có người xem sau vài ngày ra rạp chỉ vì khâu quảng bá, phát hành sơ sài hoặc gần như không có. Bên cạnh đó, nhiều bộ phim đã thành công trong việc kéo khán giả đến rạp do làm tốt công tác truyền thông, quảng bá và phát hành với chiến dịch PR bài bản ngay từ khi phim còn trong giai đoạn sản xuất. Việc tạo ra những trend, viral lan truyền mạnh trên mạng xã hội hay đơn giản là hiệu ứng truyền miệng đã thu hút một lượng khán giả không nhỏ và tạo doanh thu hàng trăm tỉ cho nhiều phim như “Mắt biếc”, “Em chưa 18”, “Bố già”… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tới một kiểu PR quảng bá quá đà, tung nhiều chiêu trò và cả tạo scandal để gây tò mò hòng lôi kéo người xem bằng mọi cách. Cách làm này gây phản cảm, phản tác dụng, khiến khán giả mất niềm tin vào điện ảnh Việt. Do đó, rất cần những chiến dịch quảng bá, phát hành phim chuyên nghiệp, bài bản, đúng hướng và tôn trọng người xem để vừa đạt hiệu quả kinh doanh, vừa làm hài lòng khán giả.

poster-phim-em-chua-18.jpg

Qua một số vấn đề nêu ra ở trên, có thể nói việc quan tâm đến tâm lý khán giả khi thưởng thức và tiếp nhận tác phẩm điện ảnh là điều rất cần thiết với giới làm phim hiện nay. Điện ảnh sẽ không thể tồn tại và phát triển nếu thiếu khán giả. Và để có khán giả, các nhà làm phim cần hiểu tâm lý và nhu cầu của họ chứ không chỉ tập trung thỏa mãn cái Tôi của mình hay chăm chăm chạy theo lợi nhuận./.

Ths. Hoàng Dạ Vũ