Những tỷ phú nông dân thời 4.0
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:06, 09/11/2020
Từ khát vọng làm giàu...
Một ngày cuối tháng 10, trong tiết trời se lạnh cuối thu, chúng tôi về tham quan mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Hữu Cường ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất). Nhìn ra vườn hoa, ông Cường thủng thẳng kể: “Khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi không nghĩ mình lại gắn bó với nông nghiệp vì thấy cha, mẹ mình làm nghề nông rất vất vả. Song, có lẽ do “chữ duyên” nên sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định làm việc tại các công ty trồng hoa của nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm. Khi vốn kiến thức vững chắc hơn, năm 2010, tôi về quê để mở trang trại trồng hoa ngay trên cánh đồng của quê hương Đại Đồng với quy mô khoảng 2ha".
Thời điểm đầu trồng thử nghiệm hoa ly, thời tiết miền Bắc khắc nghiệt, thất thường nên hoa ly không cho hiệu quả như mong muốn. Rồi, có năm thời tiết quá lạnh, 24 vạn cây hoa ly không nở đúng dịp Tết mà phải thu hoạch sau Tết, nên giá bị sụt giảm sâu... Không nản lòng, ông Cường vào thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) học hỏi kinh nghiệm trồng hoa cúc giống Nhật và nhận ra, để hoa nở đẹp và hạn chế rủi ro bởi thời tiết nhất thiết phải ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, với số vốn ban đầu cộng số tiền vay của bạn bè, người thân, ông đã đầu tư nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động, xây dựng nhà màng, nhà bảo quản sau thu hoạch để trồng các loại hoa...
Là một trong những người hỗ trợ ông Cường về công nghệ và vốn vay từ Quỹ Khuyến nông, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất Nguyễn Bùi Hải bày tỏ sự khâm phục: "Mặc dù biết đầu tư trong nông nghiệp công nghệ cao khá mạo hiểm, đặc biệt là nghề trồng hoa, nhưng ông Cường vẫn kiên trì thực hiện với tất cả đam mê, nhiệt huyết...".
Rời xã Đại Đồng, chúng tôi tới xã Liên Hà của huyện Đông Anh. Ở Liên Hà, hỏi về ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng, người dân vùng này đều biết và bày tỏ sự khâm phục về khát vọng, nghị lực của một nông dân làm giàu ngay tại quê hương.
Như lời kể của ông Ngọc thì như bao người trong thôn, ông từng làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng không như mong muốn. Năm 2000, khi nghề chăn nuôi ở huyện bắt đầu phát triển, ông bàn với vợ đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà giống. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, tưởng chừng thất bại vì nhận ra yêu cầu sản xuất con giống phức tạp hơn so với suy nghĩ ban đầu. Đơn cử như, không chỉ phải chú ý chất lượng đàn gà giống mà còn phải kiểm soát được các yếu tố khác, như: Quy trình ấp nở, phòng, chống dịch bệnh… Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, ông đã có thu nhập ổn định từ trại nuôi gà.
Tuy nhiên, nếu chỉ hài lòng với thành quả ban đầu thì không thể giàu lên được. Nghĩ vậy, nên năm 2015, khi Hà Nội có chủ trương phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, với sự giúp đỡ của các ngành chức năng, ông Ngọc mạnh dạn dùng số vốn tích lũy cùng số tiền vay ngân hàng, bạn bè... đầu tư 40 tỷ đồng chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng công nghệ cao trong các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn, nước uống trong chuồng nuôi... Không phụ lòng người, đến nay, trang trại đã có quy mô 20.000 con gà giống nguồn, 60 máy ấp trứng, sản lượng đạt 10.000 con giống xuất bán/ngày…
... đến những thành công lớn
Hiểu rõ nghề trồng hoa rất cần sự kiên trì và nhẫn nại mới có thành quả, vì thế, sau hơn 10 năm “bén duyên” với công việc, mô hình trồng hoa công nghệ cao đã mang lại thu nhập khá cho gia đình ông Nguyễn Hữu Cường (khoảng hơn 1 tỷ đồng/ha/năm). Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho rằng, mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao thành công của ông Cường sẽ là cơ sở để nhân rộng ra toàn huyện, biến vùng đất trồng lúa kém hiệu quả thành những trang trại tiền tỷ…
Trở lại câu chuyện về ông Hoàng Mạnh Ngọc, ông cho biết, thành quả có được hiện nay là sự cộng hưởng của niềm vui, nước mắt, trăn trở và quyết tâm... “Nhờ chất lượng tốt nên gà giống xuất bán tăng mạnh. Mỗi tháng, trang trại bán ra thị trường khoảng 30 vạn con gà giống. Tôi cho rằng, nông dân không nên ỷ lại, trông chờ chính sách của Nhà nước mà phải suy nghĩ, học hỏi, dựa vào đất đai, hoàn cảnh gia đình và cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường để chọn cách làm phù hợp", ông Ngọc bộc bạch.
Trân trọng thành quả của nông dân Hoàng Mạnh Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng nhận xét, trang trại sản xuất gà giống công nghệ cao của ông Hoàng Mạnh Ngọc là điển hình về những người nông dân có tầm nhìn xa, dám mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để có doanh thu gần 100 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của ông Ngọc còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương…
Giống các ông Nguyễn Hữu Cường, Hoàng Mạnh Ngọc, nhiều nông dân Thủ đô với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách, khó khăn nay đã gặt hái được nhiều thành công và trở thành những tỷ phú nông dân. Đó còn là bà Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì), bà Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng)... Trang trại chăn nuôi của bà Phùng Thị Thơ được đầu tư hiện đại, khép kín nên hạn chế dịch bệnh, doanh thu trung bình mỗi năm lên tới 20 tỷ đồng. Còn trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ của bà Đặng Thị Cuối cho doanh thu 5-6 tỷ đồng/năm...
Đem câu chuyện về những nông dân tỷ phú nhờ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ông cho rằng: "Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các tỷ phú nông dân là những đóng góp quan trọng, mang lại những bài học quý giá trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường".
Những tấm gương tỷ phú nông dân thành công nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ cao cần nhân rộng nhằm lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên, khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng ngay trên đồng đất quê hương.