Chuyển động Hà Nội

6 nhóm giải pháp phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Đình Thế 17:22 17/01/2024

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra ngày 17/1 tại Hà Nội, ông Đặng Huy Đông - Thạc sĩ Kinh tế, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng, để phát triển hệ thống đường sắt đô thị hai thành phố cần có một số cơ chế chính sách thực sự đột phá, vượt trội.

abbc3e74f5eb5eb507fa.jpg
Ông Đặng Huy Đông - Thạc sĩ Kinh tế, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Đặng Huy Đông cho rằng mục tiêu “Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035”; theo quy hoạch phê duyệt là khoảng 200km mỗi thành phố.

Tại Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ rất khả thi nếu có tư duy mới thực sự đột phá; cùng một khung khổ pháp lý mới, “may đo” riêng cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, vượt trội so với các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư, tài chính, xây dựng, giao thông, doanh nghiệp, tiêu chuẩn, quy chuẩn… tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống Metro/TOD.

“Mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị 400km vào năm 2035 cần có những cơ chế, chính sách đột phá thuộc các lĩnh vực quy hoạch, bồi thường và thu hồi đất, nguồn lực tài chính, trình tự, thủ tục, đầu tư, xây dựng, khung tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị, mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân nhân lực”, ông Đặng Huy Đông nói.

Ông Đặng Huy Đông đã nêu ra 14 cơ chế thuộc 6 nhóm giải pháp và 1 cơ chế vượt trội nhằm phát triển đường sắt đô thị cho hai thành phố lớn nhất cả nước. Cụ thể như phân cấp, ủy quyền cho thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn về đô thị riêng cho mỗi thành phố, cũng như trình tự thủ tục riêng về điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị gắn liền với phát triển chỉnh trang đô thị lân cận các nhà ga (TOD) nhằm đảm bảo đáp ứng các mục tiêu về phát triển đô thị xác định tại các Nghị quyết của Trung ương và của mỗi thành phố.

Quốc hội cho phép hai thành phố được xác định dự án đường sắt đô thị gắn liền khu vực TOD lân cận các nhà ga là một dự án đầu tư công để kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị và đấu giá đất tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống Metro.

Mỗi thành phố được tổ chức đấu giá quyền thực hiện dự án phát triển đô thị TOD sau khi hỗ trợ GPMB thu hồi. Cho phép hai thành phố được giữ lại tiền thu từ đất để đầu tư trực tiếp cho dự án phát triển hệ thống METRO thông qua đấu giá quyền phát triển dự án khu đô thị TOD.

Cho phép thành phố được phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn hợp pháp khác vượt khung trần nợ công áp dụng cho thành phố theo từng năm và trong cả giai đoạn đến năm 2035 đảm bảo đủ nguồn vốn cần thiết cho dự án phát triển hệ thống Metro 200km.

Dành 1 tỷ đô la (vốn mồi), trong đó 50% ngân sách Thành phố và 50% sử dụng ngân sách hỗ trợ của Trung ương, để thực hiện dự án thí điểm (cho 1 tuyến có chiều dài khoảng 10km) theo mô hình “sandbox”, áp dụng các cơ chế đặc thù nêu tại nghị quyết này để rút kinh nghiệm hoàn chỉnh cơ chế và luật hóa các cơ chế này để áp dụng cho toàn bộ dư án 200km.

Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 1 dự án đô thị đường sắt gắn liền với TOD cho toàn bộ kế hoạch xây dựng đô thị đường sắt; phân cấp ủy quyền cho hai thành phố phê duyệt và triển khai dự án theo cơ chế áp dụng chung.

Nếu có sự khác biệt về cơ chế, thẩm quyền, cho phép hai thành phố được áp dụng quản lý dự án theo mô hình đối tác thực hiện dự án - PDP vốn đã phổ biến trên thế giới về quản lý dự án đầu tư, xây dựng...

Cho phép thực hiện cơ chế quản lý các nhà thầu theo hợp đồng FIDIC đầy đủ (không dừng lại ở mức khuyến khích) để giảm rủi ro pháp lý cho các Cơ quan quản lý Nhà nước và Chủ đầu tư và đẩy nhanh tiến độ dự án.

aaa.jpg
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Cho phép hai thành phố cùng lựa chọn và ban hành khung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung áp dụng cho các dự án đường sắt đô thị của hai thành phố dựa trên các tiêu chuẩn quy chuẩn về đường sắt đô thị phổ biến nhất trên thế giới trong trường hợp có sự khác biệt so với các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước hoặc chưa có tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam.

Quốc hội giao thẩm quyền cho hai Thành phố xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với từng hợp phần của dự án phù hợp với năng lực của nhà thầu/doanh nghiệp trong nước tăng dần theo thời gian tại từng thời điểm.

Cho phép Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn mô hình và quyết định thành lập Tổng Công ty quản lý đầu tư, xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống metro/TOD có chức năng kinh doanh đa ngành để tự chủ tài chính đảm bảo đủ ngân sách để đầu tư, vận hành khai thác và duy tu bảo dưỡng hệ thống Metro.

Cho phép Tổng công ty Metro/TOD của mỗi thành phố được nhận một phần hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo kỹ sư, công nhân lành nghề thuộc các ngành nghề trong đề án nhân sự cho quá trình xây lắp, vận hành và bảo dưỡng hệ thống Metro.

Nếu có những cơ chế đặc thù nêu trên, việc hoàn thiện đường sắt đô thị đối với hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt được chỉ sau 10 năm, ông Đặng Huy Đông cho rằng./.

Đình Thế