Văn hóa – Di sản

Đề nghị công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho Làng cổ Phước Tích

Việt Thương 15/01/2024 11:06

Nhằm bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc ở nơi đây, vừa qua, Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã gửi tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ nâng hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ Phước Tích.

z5072676410567_8391897d9620e5cca2713d8fc8709823.jpg
Làng cổ Phước tích đến nay vẫn giữ được hàng loạt hệ giá trị văn hóa như thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng (đình, chùa, nhà thờ họ, đền, miếu, am), cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan xóm làng. Ảnh: Minh Huệ

Ngày 12/1, tin từ Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Bộ VHTT&DL đề nghị lập hồ sơ nâng hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ Phước Tích.

Theo quy trình, sau khi nhận được tờ trình xin ý kiến thỏa thuận chủ trương, Bộ VHTT&DL sẽ tiến hành họp Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Nếu hội đồng thống nhất đồng ý cho Huế lập hồ sơ di tích thì Bộ sẽ có văn bản phản hồi để tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành các bước tiếp theo.

Làng cổ Phước Tích được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009. Ngôi làng cổ này được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, giáp với tỉnh Quảng Trị, cách TP. Huế 40 km về phía Bắc, được thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông.

Thời điểm được công nhận di tích quốc gia, làng được đánh giá vào hàng vẹn nguyên, quý giá không chỉ ở miền Trung mà còn của cả nước với hàng chục ngôi nhà rường - vườn truyền thống có giá trị đặc biệt về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ.

Cùng với đó, làng cổ này vẫn giữ được hàng loạt hệ giá trị văn hóa như thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng (đình, chùa, nhà thờ họ, đền, miếu, am), cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan xóm làng. Đây là một trong những điểm đến thu hút du khách trong nước lẫn quốc tế khi đến Thừa Thiên-Huế với những hoạt động văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm làng nghề… nhộp nhịp./.

Việt Thương