Sân khấu

Sân khấu và khán giả trẻ

Ths. Cao Thị Phương Dung 07:05 12/01/2024

Trong nghệ thuật sân khấu, sân khấu và khán giả là mối quan hệ biện chứng và cộng sinh không thể tách rời. Sân khấu diễn ra là để phục vụ khán giả; còn khán giả xuất hiện là để cho sân khấu tồn tại và thực hiện nhiệm vụ, vai trò của nó. Nhiều năm trở lại đây, khi mà khán giả trẻ đang ngày một thưa vắng thì Dự án Sân khấu học đường khởi động đã ít nhiều mang đến những tín hiệu tích cực, hứa hẹn cho sự phát triển của sân khấu Việt nói chung, sân khấu Hà Nội nói riêng.

Nỗi lo thưa vắng khán giả

Theo quá trình vận động của thời gian và lịch sử dân tộc, sự tiếp nhận của công chúng với nghệ thuật sân khấu cũng có những thay đổi lớn. Nhất là khi ngày càng có nhiều loại hình giải trí mới xuất hiện, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã làm thay đổi tư duy thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày nay. Trong khi đó, nhiều loại hình sân khấu nước ta còn chưa bắt kịp với xu thế thời đại dẫn tới tình trạng thưa vắng khách.

san-khau-va-khan-gia-tre-1.jpg
Học sinh trường THCS Ngoại ngữ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trải nghiệm “Tìm hiểu tác phẩm văn học thông qua nghệ thuật tuồng” tại rạp Hồng Hà, Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Ở mảng sân khấu công lập, ngoài những tác phẩm chủ yếu phục vụ các kỳ hội diễn liên hoan hoặc làm nhiệm vụ chính trị thì các buổi biểu diễn bán vé, thu tiền còn ít ỏi và hạn chế.

Sân khấu ngoài công lập – sân khấu tư nhân được phát triển khá nhanh với nhiều mô hình khác nhau như: sân khấu nhỏ, sân khấu ước lệ, sân khấu hài, tiểu phẩm ngắn, trích đoạn tiêu biểu, vở diễn dài được đầu tư công phu,… Tuy nhiên, chất lượng của những tác phẩm này vẫn còn là điều đáng bàn và số lượng bán vé cũng không được khả quan.

Một số cơ sở đào tạo về nghệ thuật sân khấu như Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Đại học Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội,... nhiều năm trở lại đây rất khó tuyển sinh các loại hình sân khấu truyền thống. Số lượng thí sinh thi vào ngành Diễn viên Chèo, Cải lương, Diễn viên rối và Nhạc công kịch hát dân tộc ít đi trông thấy. Tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhiều năm trở lại đây không tuyển được ngành Biên kịch sân khấu, Lý luận phê bình sân khấu; 3 năm nay không tuyển được ngành Diễn viên Cải lương, số lượng thi vào ngành Diễn viên Rối và Nhạc công kịch hát dân tộc chưa đến 20 hồ sơ… Ngay cả ngành hot nhất hiện nay như Diễn viên Kịch, Điện ảnh - Truyền hình cũng giảm số lượng thi vào theo từng năm.

san-khau-va-khan-gia-tre-3.jpg.png.jpg
Hoạt động sân khấu hóa bằng nghệ thuật Chèo để tìm hiểu tác phẩm Quan âm Thị Kính cho học sinh. Ảnh: TTXVN

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sân khấu vắng khán giả như: sự cạnh tranh với các loại hình giải trí khác, sân khấu thiếu vắng những tiết mục mới với những vấn đề mà khán giả ngày nay đang quan tâm; cơ sở vật chất và kỹ thuật cho sân khấu còn cũ kĩ, chưa cập nhật hệ thống kĩ thuật hiện đại; đội ngũ sáng tác thiếu; đội ngũ biểu diễn bị phân tán bởi “cơm áo gạo tiền”; chính sách cho các nghệ sĩ còn nhiều bất cập… Và quan trọng nhất là chúng ta chưa quảng bá nghệ thuật sân khấu tới khán giả trẻ. Ngay cả loại hình sân khấu kịch nói – loại hình sân khấu mũi nhọn trong việc phản ánh cuộc sống đương đại cũng rơi vào tình trạng chung đó.

Nhiều nhà hát đã truyền thông bằng cách đầu tư về trang web, fanpage trên facebook hay lấy phiếu ý kiến phản hồi sau mỗi buổi diễn như Nhà hát kịch Việt Nam hoặc nhóm Lucteam. Tuy nhiên, sự quảng bá này chưa chú trọng nhiều đến khán giả trẻ. Vấn đề đặt ra là phải làm sao cho người trẻ hiểu và yêu thích nghệ thuật sân khấu thì họ mới đến rạp hát được.

Những tín hiệu tích cực từ Dự án Sân khấu học đường

Trước thực tế sân khấu thiếu vắng khán giả, nhất là khán giả trẻ, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Vụ Công tác Chính trị (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) đã chủ trì, phối hợp ngành văn hóa và giáo dục tại các địa phương tổ chức thực hiện Dự án Sân khấu học đường.

Trong gần mười năm qua, dự án đã tiến hành giảng dạy về chèo, tuồng, bài chòi, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên, cải lương và dân ca Nam Bộ ở 90 trường phổ thông trung học tại 29 tỉnh, thành ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam (mỗi khu vực khoảng 30 trường). Hàng ngàn học sinh được tiếp cận, học, thực hành biểu diễn các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống. Kết quả của dự án này bước đầu thu được những tín hiệu tích cực như: góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam; giúp các em cảm thụ và trân trọng các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống; tạo điều kiện cho các em được giao lưu học hỏi, thể hiện tài năng nghệ thuật của mình và là dịp để phát hiện, tìm kiếm tài năng cho nghệ thuật cho địa phương nói riêng và ngành sân khấu nói chung. Đồng thời, dự án đã góp phần khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ, đào tạo một lớp diễn viên nghệ thuật truyền thống nghiệp dư, phát hiện các nhân tài để đào tạo thành diễn viên chuyên nghiệp kế cận. Qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào nghệ thuật sân khấu truyền thống, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án Sân khấu học đường đã gặp một số bất cập khiến cho việc triển khai và nhân rộng mô hình này gặp nhiều khó khăn.

Đối với loại hình sân khấu kịch nói, dự án mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, quảng bá nghệ thuật sân khấu thông qua một số tiết mục biểu diễn miễn phí hoặc hoạt động giao lưu, tổ chức CLB nghệ thuật tại nhiều trường học như các hoạt động của Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), Sân khấu kịch Idecaf (thành phố Hồ Chí Minh) với những vở diễn, trích đoạn được lựa chọn để phù hợp với lứa tuổi học sinh nhằm ca ngợi tấm gương anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, chứ chưa xây dựng kế hoạch, chương trình học cụ thể cho các em học sinh.

Đối với sân khấu kịch hát (tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, kịch dân ca…) - loại hình cần có sự phối hợp của cả hát, múa và diễn nên cần nhiều thời gian luyện tập mới có thể thành thục được. Khi thực hiện dự án này, các loại hình sân khấu này chỉ được các trường THCS ở các địa phương thực hiện trong những giờ học ngoại khóa (20 – 25 buổi học) hoặc lấy giờ của môn khác để bù vào. Do đó, chất lượng của các tiết mục trình diễn không được cao. Phần âm nhạc cũng là một điều cần bàn tới, các loại hình ca kịch dân tộc khi tập luyện và biểu diễn đều cần tới nhạc công phụ họa. Mà không phải đơn vị nghệ thuật nào cũng có đủ số lượng nhạc công để tham gia thực hiện dự án.

Về mặt thời gian, giống như nhiều dự án khác, Dự án Sân khấu học đường cũng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch hát luôn cần sự rèn luyện dài lâu và liên tục. Nếu ngắt quãng hoặc dừng lại, những cố gắng trong việc truyền dạy các loại hình sân khấu này với các em học sinh sẽ bị mai một và mất đi. Điều này là rất lãng phí.

Để nghệ thuật sân khấu đến với khán giả trẻ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc kế thừa và phát huy các giá trị nghệ thuật sân khấu góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là rất cần thiết. Để nghệ thuật sân khấu đến được với tầng lớp khán giả trẻ, rất cần có cơ chế khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá tác phẩm sân khấu; chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư cơ sở vật chất, sao cho các rạp hát, nhà hát được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, tạo sự hứng thú trong thưởng thức và hưởng thụ của người xem; nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng; xây dựng kênh truyền hình chuyên về nghệ thuật biểu diễn để quảng bá giới thiệu bản sắc nghệ thuật, chân dung nghệ sĩ, tác phẩm mới sáng tác; kết hợp phát triển du lịch với quảng bá các loại hình sân khấu. Đồng thời, nên mở thêm các chuyên ngành đào tạo về quản lý nghệ thuật biểu diễn; tổ chức biểu diễn; marketing nghệ thuật trong các trường nghệ thuật để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghệ thuật.

san-khau-va-khan-gia-tre-2.jpg.png
Các bạn trẻ hào hứng đón nhận nghệ thuật sân khấu truyền thống. Nguồn: Cafebiz

Đối với Dự án Sân khấu học đường, cần có ưu tiên đầu tư kinh phí để phát triển dài hạn, liên tục và thường xuyên. Khi nguồn kinh phí của Nhà nước còn hạn hẹp, các cơ quan, đơn vị có thể kêu gọi sự đầu tư từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân hoặc từ sự đóng góp của chính người dân địa phương nơi thực hiện dự án . Về địa điểm thực hiện, bước đầu dự án sẽ được diễn ra tại các tỉnh, huyện, thành phố tiêu biểu có phong trào về biểu diễn sân khấu sôi động như Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Định, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; sau đó sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành khác một cách đồng bộ. Đồng thời cũng cần lưu ý tới vấn đề: tùy theo từng địa phương và từng trường có thể lựa chọn loại hình sân khấu phù hợp để triển khai sao cho hiệu quả. Thời gian thực hiện dự án cần liên tục và lâu dài. Bên cạnh đó, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Sân khấu học đường thành môn học chính thức trong trường học để học sinh vừa tìm hiểu về loại hình nghệ thuật sân khấu vừa được thực hành biểu diễn.

Dù thế giới có phát triển đến đâu thì nghệ thuật sân khấu vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Khán giả trẻ vẫn đang chờ sự chuyển mình của nghệ thuật sân khấu. Hy vọng trong tương lai không xa, loại hình nghệ thuật này tìm được con đường ngắn nhất đến với khán giả trẻ./.

Ths. Cao Thị Phương Dung