Múa

Một biên đạo múa tài hoa, một người thầy đáng kính

Phương Lan 16:06 09/01/2024

Cố NSND Trịnh Xuân Định (1936 – 2018) quê ở Thọ Diên, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông bén duyên với nghề múa từ năm 18 tuổi với tư cách là một diễn viên múa trong đoàn dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày tháng trèo đèo, lội suối, lưng mang trên vai hơn 30kg lương thực tiếp tế cho chiến trường, Xuân Định được Ban chỉ huy Tiểu đoàn chú ý đến và cử ông vào đội văn nghệ của đoàn. Ông đã đến với múa như một mối duyên và đã hết mình với múa như một cái nghiệp mà ông cần phải trả.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông có mặt tại Hà Nội và được nhận vào Đoàn Văn công Thủ đô, sau đó ông chuyển về Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương. Người thầy đầu tiên của ông là NSƯT Hoàng Châu (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Múa Việt Nam; Phó Cục trưởng Cục Âm nhạc và Múa - Bộ Văn hóa thông tin).

Sinh thời, NSND Trịnh Xuân Định từng tâm sự, nghề múa ở thời nào cũng nghiệt ngã bởi sự sàng lọc khắt khe của thời gian. Múa gắn liền với tuổi trẻ, diễn viên trên sân khấu dường như chỉ vụt sáng như sao băng. Thấu hiểu được điều đó, ông và các nghệ sĩ đồng nghiệp cùng thời như: NSND Phùng Nhạn, PGS.TS.NSND Lâm Tô Lộc, NSND Đặng Hùng, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Lê Khình, NGND Hồng Quỳ, NSND Y Brơm, NSND Trần Minh, NSND Nguyễn Thị Hiển, NSUT Ngân Quý… đã luôn đặt tinh thần lao động vì nghệ thuật lên hàng đầu. Họ đã làm việc hăng say và cống hiến thanh xuân, tuổi trẻ cho nghệ thuật múa để có những tác phẩm để đời, ghi dấu ấn khó phai trong lòng công chúng. Ở vai trò là một diễn viên múa, NSND Trịnh Xuân Định đã sớm khẳng định mình trong nhiều vở múa như: "Vui sản xuất", "Vũ kịch Chim Gâu", "Quạt Tây Bắc", "Nón đồng bằng",...

Sau khi tạo được “tiếng vang” với vai trò là diễn viên múa, ông được đánh giá cao và cử đi học biên đạo múa tại Học viện Sân khấu quốc gia Lunatracxki (Liên Xô). Theo NSND Trịnh Xuân Định, biên đạo trước hết là người sáng tác ngôn ngữ hình thể, viết kịch bản, dàn dựng, đạo diễn tác phẩm múa, đồng thời là người có trách nhiệm khơi gợi, khai thác lao động sáng tạo nghệ thuật của cả tập thể nghệ sĩ, hướng tới hiệu quả nghệ thuật cao nhất, đa dạng về phương thức nhưng thống nhất về nội dung tư tưởng cùng phong cách nghệ thuật. Biên đạo không tốt sẽ dẫn đến vở diễn vẫn kém chất lượng dù kịch bản văn học hay các yếu tố phụ trợ có tốt đến đâu đi nữa.

Các tác phẩm do NSND Trịnh Xuân Định biên đạo được đông đảo đồng nghiệp, giới chuyên môn và khán giả yêu mến, có thể kể đến như: kịch múa "Chị Sứ" (dựa theo tiểu thuyết “Hòn đất” của Anh Đức, âm nhạc Hoàng Vân, biểu diễn Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); "Cây đèn biển" (âm nhạc Đàm Linh, Đoàn Ca múa Hải Phòng); "Mùa hoa ban Điện Biên" (âm nhạc Phó Đức Phương, Đoàn Ca múa Lai Châu); "Sơn Tinh, Thủy Tinh" (âm nhạc Nguyễn Văn Thương, Đoàn Ca múa Hà Sơn Bình); "Đường vào vũ trụ" (âm nhạc Lê Tịnh, Đoàn Nghệ thuật phòng không không quân); "Múa đào Kỷ Dậu" (âm nhạc Đào Việt Hưng, Đoàn Ca múa Nghĩa Bình); "Lửa hang treo" (âm nhạc Đàm Linh, Đoàn Ca múa Thanh Hóa);…

trinh-xuan-dinh.jpg
Một cảnh trong tác phẩm múa do NSND Trịnh Xuân Định dàn dựng.

Đối với ông, múa là một bộ môn đòi hỏi kỹ thuật rất cao, nhưng trình độ kỹ thuật không phải là mục đích cuối cùng. Diễn viên không chỉ phải biểu diễn thuần thục và chính xác các động tác, điêu luyện các kỹ xảo, mà còn phải có một khả năng diễn xuất biểu cảm để truyền đạt đến người xem cái đẹp, cái hay của múa. Điều này đòi hỏi ở các biên đạo múa, diễn viên múa một tinh thần học tập suốt đời suốt đời để thu nạp những cái hay, cái mới phục vụ đông đảo khán giả yêu nghệ thuật. Trong hội thảo biên đạo múa trẻ toàn quốc năm 2003, NSND Trịnh Xuân Định chia sẻ: “Nghệ thuật múa Việt Nam mấy chục năm qua còn non về kỹ thuật và chưa hay về nghệ thuật. Không gì buồn hơn khi người xem phải thưởng thức hàng loạt tác phẩm na ná nhau như những đứa trẻ sinh đôi, sinh ba”.

Tư duy khoa học và thái độ học hỏi không ngừng ấy khiến NSND Xuân Định được bạn bè, đồng nghiệp và học trò rất kính nể. Những cuốn giáo trình do ông biên soạn chẳng những hàm chứa hàm lượng tư duy khoa học cao mà còn có giá trị thực tiễn rất lớn.

Những năm cuối đời, ở tuổi 80 dù phải ra vào bệnh viện cấp cứu thường xuyên, nhưng ông vẫn miệt mài viết sách trên giường bệnh. Cuốn sách "Sổ tay biên đạo" như một món quà quý, một sự chắt chiu bao kinh nghiệm, bao năm tháng lăn lộn làm nghề để dành tặng lại cho các thế hệ hậu bối. Cuốn sách được xuất bản năm 2015 và được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trao giải A, đồng thời cũng nhận giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016.

Có thể nói những giải thưởng, bằng khen, giấy khen, Huân chương Lao động hạng Nhì và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001) mà Đảng, Nhà nước dành cho NSND Trịnh Xuân Định là sự tôn vinh những thành tựu của một “cánh chim đầu đàn” trong ngành múa, đồng thời là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến không ngừng nghỉ của ông đối với ngành múa Việt Nam nói riêng và ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà nói chung.

Trải qua thời gian dài công tác Trưởng khoa Sáng tác và lý luận Trường Múa Việt Nam; Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa Thông tin; Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, NSND Trịnh Xuân Định là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ biên đạo múa Việt Nam.

Trong lời kết cuốn sách "Sổ tay biên đạo", cố NSND Trịnh Xuân Định viết ra những câu từ như “rút ruột nhả tơ” thế này: “Từ mùa xuân ấy (1954), đến nay đã hơn 60 năm tôi theo đuổi, gắn bó với cái nghiệp múa. Có những lúc phải cố sức, gồng mình để vượt qua những khó khăn, gian nan, cay đắng, nhưng cũng có không ít những ngày tháng tràn ngập hạnh phúc, vinh quang. Phải chăng vì các cụ ta từ xưa đã truyền lại lời răn dạy nhất nghệ tinh, nhất thân vinh nên tôi cứ lẽo đẽo đeo bám với cái nghề khua tay, múa chân và tâm nguyện sẽ cùng với múa đến ngày cuối đời...”

Còn cô học trò Bích Diệp (học sinh khóa VII Trường Múa) cũng dành cho NSND Trịnh Xuân Định những vần thơ đầy trân trọng:

“Nét Xuân trời đã Định

Người tài hoa truân chuyên

Cả cuộc đời nghiệp Múa

Sáng nhân cách Thầy Hiền”

Phương Lan