Nhiếp ảnh

Để nhiếp ảnh bứt khỏi những “lối mòn”

Tô Ngọc Oanh 16:48 02/01/2024

Sự phát triển không ngừng của công nghệ đã mở ra không gian sáng tạo bất tận cho nhiếp ảnh. Tuy nhiên, những “lối mòn” trong cách chụp, cách thể hiện và truyền đạt thông điệp lại chính là những “điểm trừ” khiến nhiếp ảnh chưa chạm tới những tác phẩm đỉnh cao. Phải chăng lối mòn trong nhiếp ảnh là kết quả tất yếu của một thời đại thông tin quá tải? Hay đó chỉ là bước nghỉ ngơi tạm thời của nghệ thuật trong hành trình tìm kiếm cảm hứng mới của các nghệ sĩ? Đó cũng là những băn khoăn, trăn trở được các nghệ sĩ, tác giả, nhà nghiên cứu lý luận phê bình đặt ra tại tọa đàm “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây.

thu-hoach-co-bang-nguyen-huu-binh.jpg
Thu hoạch cỏ bàng. Ảnh: Nguyễn Hữu Bính.

“Lối mòn” - hay sự bế tắc trong sáng tạo?

Mỗi năm có 8 cuộc thi ảnh cấp khu vực do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) bảo trợ. Song song với các cuộc thi ảnh cấp tỉnh, thành, khu vực, còn có cuộc thi ảnh Nghệ thuật quốc tế Việt Nam do VAPA tổ chức vào năm lẻ; các cuộc thi ảnh do Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với VAPA tổ chức… Với nhiều cuộc thi liên tiếp trong năm dẫn đến một số vấn đề tồn tại đáng buồn: ảnh dự thi bị trùng lặp, lặp lại mô-típ cũ; nhiều tác giả ăn cắp ý tưởng, chụp lại theo tác phẩm người khác và lạm dụng kỹ thuật quá đà...

image-2-.png
Ngày hè. Ảnh: Nguyễn Thị Vân.

NSNA Lưu Quang Phổ - Phó trưởng Ban Lý luận phê bình nhiếp ảnh minh chứng: “Trong khoảng 30 năm nay, công chúng đều đã quen với những mô-típ ảnh quen thuộc nhưng được chụp và hậu kỳ ngày càng đẹp như cồn cát Mũi Né, chân dung cụ già, ruộng bậc thang, đồi chè Bảo Lộc, gần đây là đồi chè Long Cốc, núi Thủng Cao Bằng, mây luồn Bắc Sơn, tung chài ở Huế, thả lưới ở Phú Yên… Có tác phẩm đã đoạt huy chương từ cuộc thi Ảnh nghệ thuật toàn quốc từ nhiều năm trước lại gửi dự thi tiếp ở các cuộc thi sau. Tuy nhiên, sau khi tác phẩm được chọn triển lãm ảnh, Ban Tổ chức mới phát hiện ra sự thật và phải hủy kết quả kịp trước khi công bố. Hay gần đây, tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam, tác phẩm chụp các cô gái Chăm đội nón gồng gánh đi đi lại lại tạo bóng đổ dài trên đồi cát Ninh Thuận lại được tiếp tục gửi đến không ít. Thực tế, loại ảnh này đã xuất hiện cách đây mấy chục năm. Hoặc hình ảnh nhóm trẻ vui đùa với những chiếc lốp xe tạo bóng đổ trong nắng chiều trên đồi cát là hình ảnh khá cũ đã từng đoạt giải thưởng trước đây nhưng đầu năm 2023 vẫn còn xuất hiện và còn đoạt giải khá cao.

Ông Phạm Tiến Dũng - Ủy viên Ban Lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam cho biết: Có nhiều tác phẩm chưa hoàn chỉnh và còn nhiều lỗi về mặt kỹ thuật, đường nét, ánh sáng; cách thể hiện tác phẩm còn sơ sài hoặc quá công thức mà chưa đủ sức truyền tải; mô-típ cũ, thiếu sáng tạo trong việc phát hiện đề tài bố cục ảnh bộ còn nghèo, rời rạc, chưa thống nhất với nhau, chưa bám sát hơi thở cuộc sống thực tế… Phong cách dàn dựng vẫn chiếm đa số làm cho tính “khoảnh khắc” trong nhiếp ảnh bị hạn chế hoặc không có. Thêm nữa nhiều tác giả quá lạm dụng flycam. Nhiều ảnh chỉ thấy những đám đông lộn xộn nhất là những ảnh chụp toàn cảnh lễ hội, bến cá… Có cuộc liên hoan ảnh khu vực mà các tác giả gửi đến gần 100 bức ảnh chụp cùng một nơi, na ná giống nhau.

moi-nguoi-oi-choi-cung-con-nhe-luu-thanh-dat.jpg
Mọi người ơi chơi cùng con nhé. Ảnh: Lưu Thành Đạt

Nhắc đến sự lặp lại trong nghệ thuật, NSNA Trần Phong - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (Hội NSNA Việt Nam) khẳng định đó là một hiện tượng bế tắc trong sáng tạo. Đây còn là trường hợp thiếu tự trọng nghệ sĩ. Ông khẳng định, nếu tác phẩm theo lối mòn vẫn được người thẩm định ủng hộ, thậm chí còn được đánh giá cao tại các cuộc thi và các cuộc xét giải thưởng thì không hy vọng gì đến sự phát triển và nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật. “Căn bệnh gọi nôm na là “bắt chước” thực ra không chỉ có ở Việt Nam, mà nó cũng xuất hiện không ít ở các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế. Vẫn có những nhiếp ảnh chụp theo ý tưởng và cách thể hiện của người đi trước rồi tiếp tục đưa vào triển lãm và thậm chí giành giải thưởng ở một số quốc gia”, NSNA Trần Phong nói.

Những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh nếu dõi theo và lưu trữ những tập sách ảnh sau mỗi cuộc thi dễ dàng nhận thấy đó những “lối mòn” này. Nếu có sự khác, thì đó là nhờ những tiến bộ của kỹ thuật hậu kỳ/ công cụ chụp ảnh hoặc sự dày công hơn của tác giả. Trong khi điều tối thiểu cần có của nghệ thuật chính là bước đột phá, tính sáng tạo, độc đáo, khác lạ trong tác phẩm. Nếu tình trạng lặp lại, bắt chước kéo dài, nghệ thuật nhiếp ảnh sẽ đi về đâu?

Đổi mới để bứt khỏi những “lối mòn”?

Vì sao nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tuy đã có thành tựu rất đáng ghi nhận, biểu dương nhưng cho đến nay vẫn còn ít tác phẩm xứng tầm với sự phát triển của đất nước, ít văn nghệ sĩ lớn, có tầm cỡ như những giai đoạn trước kia? Đó là băn khoăn lớn của bất cứ ai quan tâm, theo dõi lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật nước ta. Thực tế này gợi mở về nhu cầu cấp thiết trong việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị của tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật.

Theo NSNA Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam: Một trong những giải pháp trọng tâm là khuyến khích nghệ sĩ nhiếp ảnh dấn thân vào những chủ đề mới lạ và thách thức. Sự đổi mới này không chỉ đến từ việc khám phá các địa điểm chụp ảnh mới mẻ mà còn từ việc tiếp cận những góc nhìn, cách thức biểu đạt và kỹ thuật sáng tạo không giới hạn. Ngoài ra, việc chú trọng đến việc kể chuyện qua từng bức ảnh, tạo ra các tác phẩm có nội dung sâu sắc và ý nghĩa, cũng là một phần quan trọng trong quá trình nâng tầm nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Trong nghệ thuật nói chung và nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng, bên cạnh nhiều yếu tố khác thì con người là chủ đề bất tận. Nhưng để có những tác phẩm đạt chất lượng cao, người sáng tác cần khai thác một cách sâu sắc hơn, đào sâu hơn trong từng chủ đề để bật lên hơi thở cuộc sống. Khi cuộc sống con người là trung tâm sáng tạo, với tay nghề của các nhiếp ảnh gia, hiện thực và nghệ thuật sẽ cùng tôn nhau để tác phẩm bừng sáng.

“Đổi mới chính mình trong sáng tạo nghệ thuật là đòi hỏi cấp thiết của những người cầm máy sáng tác ảnh. Đổi mới trong quan điểm nghệ thuật và cả đổi mới trong tư duy về góc nhìn trong từng cú bấm máy, tránh lối mòn của người đi trước… sẽ là tiền đề để sáng tạo nên những tác phẩm ảnh nghệ thuật có chất lượng cao, có giá trị đi cùng năm tháng”, NSNA Nguyễn Đức Toàn chia sẻ.

Bên cạnh quá trình tự học của nhiếp ảnh gia, việc hỗ trợ đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhiếp ảnh là vô cùng quan trọng. Cần có thêm những chương trình đào tạo bài bản, kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật, để nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng sáng tạo của các nhiếp ảnh gia. Đồng thời, việc tổ chức các hội thảo, workshop và tọa đàm giữa các nghệ sĩ trong và ngoài nước sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều giải pháp cũng đã được “người trong cuộc” gợi mở. Theo đó, không riêng gì nhiếp ảnh mà trong nghệ thuật nói chung, tiêu chí thắng giải ở các cuộc thi nên có sự “độc - lạ”. Ảnh “độc - lạ”, không chỉ xét ở hình thức bề ngoài, mà còn xét đến ở nội dung sâu sắc và cách thức thể hiện độc đáo. Đó không chỉ là sự khác biệt về bố cục, ánh sáng, hoặc màu sắc, mà còn là cách kể chuyện, truyền tải một thông điệp, hoặc thể hiện một quan điểm nghệ thuật riêng biệt.

Nhà báo, NSNA Trần Việt Văn cho rằng, các cuộc thi nên là nơi khích lệ sự đổi mới, tôn vinh những tác giả dám phá vỡ các khuôn khổ cũ kỹ và thể hiện cái nhìn mới mẻ, dù đôi khi còn khiếm khuyết. Đây chính là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy nghệ thuật nhiếp ảnh phát triển và đổi mới, giúp nhiếp ảnh không chỉ dừng lại ở việc tái hiện thực tế mà còn thể hiện được tầm nhìn và triết lý nghệ thuật sâu sắc hơn. Điều này khuyến khích các nhiếp ảnh gia không ngừng sáng tạo, thách thức bản thân, và tránh xa lối mòn, góp phần làm phong phú thêm kho tàng nhiếp ảnh và nghệ thuật nói chung./.

Tô Ngọc Oanh