Truyện Kiều ở Đức: Kỳ cuối Đại thi hào Nguyễn Du trong cảm nhận của dịch giả Franz Faber

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:23, 11/11/2020

Là người từng có mặt trong các cuộc tọa đàm về Truyện Kiều, tôi không thể nào quên sự trân trọng của mọi người đối với Franz Faber khi ông xuất hiện trước các cử tọa: Mái tóc bạc phơ, gương mặt hồng hào, đôi mắt sáng ánh lên mối thiện cảm, nhà báo, nhà thơ, dịch giả lão thành say sưa nói về Kiều, về những năm tháng ở Việt Nam. Dưới đây là ghi chép qua một lần trò chuyện của Faber với đồng bào mình về Nguyễn Du mà ông vô cùng kính trọng:

“Khi hành khách từ Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chọn con đường đẹp đẽ như tranh đi về phương Nam, sau mấy tiếng đồng hồ sẽ dừng chân trước những bức tường của Vinh, thành phố trung tâm tỉnh Nghệ An. Cách thành phố cổ xưa này không xa, bên bờ biển, là làng Tiên Điền. Với những rừng chuối và dừa, Tiên Điền cũng không có gì khác biệt với các miền quê quanh đó. Tuy nhiên, cái tên của làng quê đó đã trở nên quen thuộc, vượt xa biên giới của đất nước. Trong một của những ngôi nhà thấp bé tại đây, đã ra đời nhà đại diện vĩ đại nhất của nền văn học cổ điển Việt Nam: Nguyễn Du, thi hào đã sáng tác trường ca dân tộc vĩ đại “Thúy Kiều” (Nàng Kiều).

Quả là ít có những danh nhân trên trái đất này có thể so sánh với ông: Sáng tác thi ca đã trở thành một bộ phận gắn bó với toàn dân tộc, trở thành sản phẩm sinh động của những người đàn ông và đàn bà mà cách đây mấy thập kỷ về cơ bản còn thuộc trong số những người mù chữ. Ngay trong thời kỳ đen tối của chế độ thực dân, hầu như không một túp lều nào giữa đồng bằng sông Mê Kông và những ngọn núi cao Tây Bắc lại không thuộc đôi vần của Truyện Kiều. Với nhịp điệu đầy tính nhạc, dường như công việc vất vả, nặng nề của người nông dân trong khi cày ruộng trồng lúa được giảm nhẹ đi nhiều. Những vần thơ được ngâm lên ở đó, trẻ cũng như già, sau cái nóng nực của một ngày lao động, khi ngồi bên nhau cầm bát nước chè xanh và chiếc điếu cày.

Trong thời kỳ gian khổ nhất của nhân dân Việt Nam - giữa cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp - nỗi cực nhục và buồn khổ, và cả niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn đã được phản ánh trong những vần thơ của tác phẩm này. Những ngày tháng trong cuộc chiến đấu của toàn dân tộc, không chỉ nhìn vào vũ khí, mà còn nhìn ở những đêm lửa trại bập bùng của mặt trận mênh mông, lắng nghe những lời thơ của Nguyễn Du qua tác phẩm này và họ lại trở nên phấn chấn biết nhường nào. Những vần thơ của nhà thơ cổ điển vĩ đại này tràn đầy tính dân tộc chính là nhờ ở tinh thần của chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc thấm đượm trong đó. Mặc dù Nguyễn Du thuộc về một giai đoạn lịch sử đã lùi khá xa, nội dung tác phẩm ông vẫn sống động tinh thần chiến đấu, mà cho đến hôm nay nó vẫn mở đường cho những lý tưởng cao đẹp của nhân loại.

Thời đại mà Nguyễn Du sống (1765-1820) là một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Việt Nam. Trước đó, chưa bao giờ chế độ thực dân vấp phải cơn khủng hoảng như ở giai đoạn này. Vậy là Nguyễn Du trở thành nhân chứng của sự suy vong của triều Trịnh, triều Nguyễn và triều Lê, mà cũng là chiến thắng của cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất Đông Dương, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Ông đã nhìn thấy quân đội của nhân dân chiến thắng bọn xâm lược Xiêm ở phương Nam và bọn bành trướng Mãn Châu ở phương Bắc. Và ông đã nhìn thấy sự phản bội, lòng ghen ghét, nỗi tị hiềm, sự chia cắt, tội ác - và lại nhìn thấy sự vô nhân đạo của những triều đình xa lạ với nhân dân.

Nguyễn Du - đã không phải như phần lớn các thi sĩ thời đại ông được “nhìn thấy ánh sáng của trái đất” trong túp lều của một nông dân - Ông là con một vị quan lại mà gia đình ông đã phục vụ khá lâu: triều đại nhà Lê. Nơi mà ông xuất thân đã hít thở tư tưởng của thế giới Khổng Tử. Nếu như nhà thơ đã đạt được vòng hào quang của sự bất tử chính là vì, mặc dù xuất thân và được giáo dục như vậy - đã tìm con đường đến với nhân dân. Trong sinh hoạt thường ngày với họ - những người sống dưới gánh nặng tinh thần - Nguyễn Du nhận ra sự trống rỗng của cái gọi là trật tự vĩnh cửu mà các triều đình cũng tính đến. Và trái tim ông rộng mở cho những người nông dân không có đất cày, dưới đòn roi của chế độ quan lại chưa hề một lần có thể gặt một vài cụm lúa là của riêng họ. Ông viết cho những người lính phải bỏ mình cho bọn tham lam lợi nhuận của triều đình, cho những người bán hàng rong mà đôi vai hằn những vết sẹo của đòn tre nặng trĩu, cho những người phụ nữ bất hạnh mà nỗi khổ buộc họ phải bán rẻ thân mình.

Nguyễn Du lấy một tác phẩm văn học cổ xưa làm đối tượng cho tác phẩm thi ca của mình, vốn hầu như không ai trong nước biết đến. Đương nhiên, “Nàng Kiều” khác xa một bản dịch đơn thuần ra tiếng Việt. Thiên tài của nhà thơ là với nhân vật Kiều đã sáng tạo một hình tượng nghệ thuật với ý nghĩa nhân đạo sâu xa, mang những đặc điểm đạo đức tốt đẹp tương ứng của nhân dân mình, và không thể đem ra mà so sánh với vị “tiền bối” ở phương Bắc của nó.

Câu chuyện nàng Kiều là câu chuyện của một mối tình.

Ai đã có dịp tìm hiểu châu Á cổ xưa và những truyền thống hàng nghìn năm của nó, sẽ biết rằng, riêng một tác phẩm thi ca mà cảm xúc nhân đạo nhất này trong mọi cảm xúc được đặt vào trung tâm là cả một chương trình chiến đấu: Chống những âm mưu thấp hèn nhất, sự thống trị và quyền lực tàn bạo, chống sự nô lệ hóa người phụ nữ và sự hà hiếp các gia đình và chống lại toàn bộ sự phá hoại thuần phong mỹ tục của thời đại ấy. Thế nhưng, Truyện Kiều cũng chính là câu chuyện của lòng dũng cảm, lòng thủy chung, của niềm tin, niềm hy vọng và cuộc đấu tranh không mệt mỏi của một thế giới tốt đẹp hơn. Đấy không chỉ là tấn kịch của một con người, phải ngờ vực trước sự tấn công tàn bạo của một số phận đắng cay - vẫn luôn luôn tìm ra con đường mới mẻ tới tầm cao của sự trong trẻo và hạnh phúc. Đấy cũng là tấn kịch của một giai cấp, hàng thế kỷ thiếu hẳn sức mạnh để tìm lối thoát khỏi chế độ phong kiến.

Trong bản trường ca của mình, Nguyễn Du vạch trần một thời đại chỉ biết một thứ luật - luật rừng và một cái quyền - quyền lực. Nhà thi hào không nhìn thấy giải pháp, mà cũng không thể nhìn thấy được. Một mặt, nhà thơ cảm thấy niềm tin vào đạo Phật chỉ là một thứ hy vọng giả dối để vượt qua vòng luẩn quẩn ma quỉ. Nhưng, một mặt khác, thời đại mà ông sống còn chưa đủ độ chín để giải phóng hình ảnh một thế giới siêu hình. Phải đợi đến khi học thuyết cách mạng của Marx và Engels mở ra cho thế giới thấy vai trò của giai cấp công nhân với tư cách người sáng tạo xã hội xã hội chủ nghĩa được đưa vào những túp lều tre ở bờ biển Nam Hải.

Thiên tài của Việt Nam ở thế kỷ 19 đã không thể mở cánh cửa cho những con người đau khổ, nhưng cũng không vì thế mà thế hệ sau may mắn hơn lại tỏ lòng kính trọng ông ít hơn. Trái lại: có phải Truyện Kiều ngày nay lại không chỉ rõ hơn để họ thấy rằng nhân dân đã phải sống trong một hoàn cảnh nào ? Con đường đau khổ của người thiếu phụ và gia đình nàng lại không phải là sự kích thích để họ không thể ngồi yên, cho đến ngày ngọn cờ của tự do phất phới bay trên những xóm làng?

Truyện Kiều được bảo tồn như một trong những đài tưởng niệm đáng khâm phục nhất của nghệ thuật thi ca Việt Nam không phải chỉ do đề tài tiến bộ của nó. Hơn ai hết, Nguyễn Du đã kết hợp sự sáng tạo của văn học dân gian Việt Nam với nền văn hóa cổ điển Trung Hoa. Những bức tranh văn học của ông không nhìn thấy có sự tương tự trong thi ca Việt Nam - Sự tươi vui của một cuộc du xuân, những nỗi khủng khiếp của một đêm đầy tang tóc, những cảm xúc của cô thiếu nữ trinh bạch, lòng ham muốn thấp hèn của bọn chủ lầu xanh - không một bức tranh nào mà ngòi bút của thi sĩ không phác họa một cách tài hoa như vậy. Câu chuyện nàng Kiều là một bằng chứng đáng noi theo cho việc ngôn ngữ nhân dân có thể đạt tới sự diễn đạt nghệ thuật hoàn mỹ”.

Trần Đương