Du lịch bốn phương

Phát triển du lịch văn hóa - di sản với thương hiệu di sản Cố đô Huế

Hà Oai 16:22 31/12/2023

Năm 2024 ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế phát triển các loại hình du lịch đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp và du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo với thương hiệu di sản Cố đô Huế.

1.jpg
Khách du lịch đến tham quan Đại nội Huế.

Trong năm 2023, với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sự bùng nổ của lượng du khách quốc tế trở lại thị trường Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng, ngành Du lịch cùng các ngành liên quan và các địa phương đã chủ động tham mưu các giải pháp, chính sách hỗ trợ, triển khai nhiều hoạt động trong quản lý, phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch. Tổ chức thành công nhiều hoạt động sự kiện trong Festival Huế 2023 được dư luận đánh giá cao, thu hút được sự quan tâm của du khách và cộng đồng.

Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 3,2 triệu lượt (tăng 56% so với năm 2022) và trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế (tăng 361% so với năm 2022), doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỷ đồng và đạt mục tiêu năm 2023 đề ra. Thị trường nhiều khách đến Cố đô Huế là Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc.

Du lịch Thừa Thiên - Huế cũng đón nhận một loạt giải thưởng, danh hiệu từ một số tổ chức, tạp chí, kênh thông tin du lịch quốc tế góp phần truyền thông, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch Thừa Thiên - Huế trong khu vực và toàn cầu, thu hút các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống và tiềm năng.

Trong năm 2024 và những năm tới, nhằm có sự phát triển xứng tầm trong việc Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có kế hoạch phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như văn hóa – di sản, sinh thái và nghỉ dưỡng, biển - đầm phá, vui chơi giải trí và thể thao, chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh, tâm linh, ẩm thực gắn với hoạt động nông nghiệp và sản phẩm OCOP - hội nghị hội thảo. Trong đó du lịch văn hóa – di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế, định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng riêng, độc đáo.

Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số xanh và bền vững, tăng cường quảng bá truyền thông các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài. Năm 2024, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70% và tổng thu từ du lịch khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ và nâng cao chất lượng điểm đến, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng, tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp phát triển thương hiệu và đẩy mạnh hợp tác liên kết mở rộng thị trường, dẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh

Theo Sở du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được xem là đích đến an toàn và Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch.

Hà Oai