Tác giả - tác phẩm

Những con chữ mang nắng ấm theo về

Lý Uyên 07:18 31/12/2023

Tính từ tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn “Con trai con gái” (Nxb Kim Đồng, 2007), đến nay Hồ Huy Sơn có hơn 10 tác phẩm đã xuất bản ở các thể loại truyện ngắn, thơ và tản văn. Cuốn sách mới nhất của anh là tập tản văn “Xin chào ngày nắng đẹp” (Nxb Trẻ, 2023), như nét mực điểm tô thêm một Hồ Huy Sơn giản dị mà ấm áp, đầy yêu thương và trắc ẩn giữa đời…

Những chiêm nghiệm từ cuộc sống thường ngày

“Xin chào ngày nắng đẹp” gồm 36 tản văn xinh xắn, thơm tho nắng giòn mà cũng lắng đọng nhiều suy ngẫm. Từng trang viết của Hồ Huy Sơn nhắc nhở người đọc rằng, cuộc sống của chúng ta được hoàn thiện từ những mảnh ghép khác nhau. Mỗi mảnh ghép là một sắc màu thú vị, một góc chiếu và phản sáng lạ lùng sẽ khiến ta không ngừng ngạc nhiên.

nhung-con-chu-mang-nang-am-theo-ved.jpg

Tôi đồ rằng Hồ Huy Sơn bắt đầu trang viết từ những chiêm nghiệm và thôi thúc cá nhân, chứ anh chưa hẳn đã tính toán hay mong đợi một gửi gắm gì dành cho người đọc. Câu chuyện “Từ khu vườn trên ban công” là một minh chứng. Bắt đầu từ một niềm hạnh phúc, niềm hân hoan dâng lên trong lòng tác giả khi anh bất chợt nhìn thấy những chiếc lá mồng tơi xanh mướt dưới ánh nắng trong một sáng thức giấc. “Hẳn có người sẽ hỏi: Mấy chậu rau thì có gì ghê gớm đâu?”. Rõ ràng là vậy, nhưng hãy đọc theo đến cuối trang viết, để thấy không chỉ tác giả đang tự nghiệm ra những điều quý giá cho riêng mình, mà chính người đọc cũng sẽ thấy được điều tâm đắc.

Ấy là hành trình nuôi giấc mơ có một “khu vườn để có thể trồng rau” giữa nhộn nhịp phố thị. Tuy chuyển trọ bao lần, “tôi” vẫn kiên trì tìm và trồng rau trong những thùng xốp. Sau nhiều lần trồng rau thất bại, có ai mà không một lần nghĩ rằng mình là “sát thủ” của rau? Nhưng Hồ Huy Sơn còn tự ngẫm nghiệm rằng, “có phải vì trong đầu sớm vội lóe lên những ý nghĩ đầy thực dụng, mà những cây rau vừa ngoi lên mặt đất đâu chừng dăm ngày, là sau đó héo rũ rồi chết? Có phải mình đã mưu cầu ở những mầm xanh quá nhiều, trước khi chăm bẵm cho nó lớn lên, trở thành những cây rau nõn nà?”

Đến đây, hẳn là những chiêm nghiệm của Hồ Huy Sơn không chỉ dừng lại ở việc trồng rau nữa rồi! Chiêm nghiệm ấy như lời nhắc nhở về sự chân thành vô tư trước vạn vật, là câu trả lời cho những thất vọng bởi đã quá kỳ vọng.

Những trang viết nhắc rằng, ngày trôi qua, dù công việc và bộn bề vẫn cố cuốn ta, nhưng đừng quên còn có mảnh ban công đợi ta ươm đặt một mầm cây, đừng bỏ lỡ những kết nối tình cờ đánh thức ta yêu thương và trân trọng cuộc sống nhiều hơn. Đó là “từ khu vườn trên ban công”, từ “dăm ba câu chuyện về sách”, từ “lời hồi đáp từ thiên nhiên”, những khoảnh khắc diệu kỳ trong một “ngày nắng đẹp”, trải nghiệm từ “một chuyến tàu đi qua” hay “những mảnh ký ức con con” hoặc một lúc nào đó ngập tràn “tháng Ba nhớ về loài hoa thắp lửa”...

Sự tử tế thổi nắng vào con chữ

Sự ấm áp ở từng câu chuyện của Hồ Huy Sơn được bật ra từ sự tinh tế, tử tế hay sự hồn nhiên của tâm hồn tác giả, như chính anh ở đời sống thường ngày vậy. Những câu chuyện nhỏ mỗi ngày, những tương tác với người thân, người quen hay người lạ, nhưng đều được tác giả nhớ đến và kể lại một cách trân trọng.

Đó là khi một ly cà phê đen thay vì cà phê sữa đá mà người phục vụ mang ra do nghe nhầm món được gọi. Vì sự tử tế của mình, không muốn người bán phải mất công thêm nên “tôi” dù không uống được cà phê đen nên đã chỉ xin thêm một ít sữa hoặc đường. Nhưng chủ quán cũng là một người tử tế, khi hiểu ra đã thay món cho khách một cách dứt khoát, đến lúc tính tiền cũng chỉ tính cho một món. Người tử tế gặp nhau, nhưng trong nhiều trường hợp, mấy ai để ý để nhận ra đối phương đang tử tế với mình và ghi nhớ điều đó?

nhung-con-chu-mang-nang-am-theo-ve-1.jpg

Hay là câu chuyện về một lần “tôi” đi mua báo ở sạp ven đường. Tới khi trả tiền, “tôi” lại không thấy chủ sạp báo ở đâu. Sau một hồi phân vân, “tôi” đã băng qua đường để gửi nhờ cô bán thuốc đối diện vì nghĩ rằng dù sao họ cũng là chỗ quen biết. “Tôi” đã rất bất ngờ khi cô bán thuốc bảo quay lại sạp báo và để tiền dưới hòn đá là được, vì “trước giờ mọi người toàn làm vậy!”. Người đọc hẳn đều bất ngờ và thấy tình người nơi đây thật ấm áp. Giữa những chật vật cuộc sống ấy, người ta vẫn dành cho nhau từng kẽ hở để nắng đủ len vào rọi sáng những khoảng tối.

Có những tia nắng của người dưng làm ấm áp người đọc như chủ quán cà phê, từ những mảnh đất đã qua mà “lòng lại chẳng yêu thương” hay như những người qua đường vẫn quen mua báo ở sạp báo nọ. Nhưng cũng có những ấm áp đến từ những góc trời quen thuộc trong “những mảnh ký ức con con” hay “trong gian bếp của mẹ”, từ gia đình thân yêu trong “về nhà với mẹ”, “di sản của mẹ”...

“Nếu hỏi: Bạn có yêu cơm mẹ nấu không? Tôi cam đoan một điều, tất cả những đứa con đều có chung câu trả lời “Có”. Dù mẹ không khéo bếp núc nhưng với tôi, những món ăn do mẹ nấu ngon không gì sánh được…”. Cách gợi chuyện của Hồ Huy Sơn chậm rãi, nhẹ nhàng như đang thủ thỉ vào tai người đọc. Và liệu có ai cầm lòng được khi những ký ức gia đình ùa về từ những gợi mở ấy của tác giả? Chẳng phải, những ấm áp của gia đình luôn mang đến cho mỗi đứa con thêm sức mạnh giữa giông bão cuộc đời đó sao? Và có những điều vẫn băn khoăn về cha mẹ, mà phải đến mãi khi đủ trưởng thành, con cái mới tự mình hiểu được để yêu thương cha mẹ nhiều hơn.

“Xin chào ngày nắng đẹp” mang đến những câu chuyện rất đời thường và vô cùng giản dị nhưng ngập tràn ấm áp. Phải thật tinh tế quan sát, phải thật nhiều lòng trắc ẩn và yêu thương với cuộc đời mới có thể nhận ra và ghi nhớ những chuyện tưởng như “tiểu tiết” nhưng mang đầy sự tích cực về tình người. Hồ Huy Sơn cứ bình dị mà kể những câu chuyện mà anh đã gặp, đã trải qua và tích lũy, ghi nhớ từ những buồn vui trong nhiều năm của cuộc đời. Hẳn là chính anh cũng không ngờ những tử tế, bình dị ấy mang đến cho người đọc nhiều ngày nắng đẹp trong lòng./.

Hồ Huy Sơn sinh năm 1985 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An; hiện là phóng viên báo Sài Gòn giải phóng. Anh đã xuất bản nhiều đầu sách khác gồm cả thơ và văn xuôi, dành cho người lớn và thiếu nhi như: “Ngày lạ” (2009), “Cơm nhà cơm người” (2012), “Rồi lẻ loi như gió” (2016), “Những đóa hoa lạ nhà”, “Hát cho lời quả sai” (2017), “Một cảnh không có trên phim” (2018), “Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố” (2021), “Những ngọn đèn thơm” (2022)... Anh đã giành được nhiều giải thưởng văn, thơ do các báo, tạp chí và Hội VHNT Nghệ An trao tặng.

Lý Uyên