Ngành Lưu trữ: Vượt ra khỏi ranh giới của những trang giấy cũ
Trong quá khứ, lưu trữ từng được xem như một lĩnh vực “thầm lặng”, chưa thực hiện hết sứ mệnh của mình trong việc phổ biến tài liệu đến công chúng. Tuy nhiên, ngày nay, với khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường, xây dựng niềm tự hào về nguồn gốc thông qua các di sản tư liệu, ngành lưu trữ đã và đang trải qua những thay đổi tích cực, với việc tài liệu được truyền bá rộng rãi hơn. Đó cũng là “thời khắc chuyển mình” được các chuyên gia trong các lĩnh vực lưu trữ, giáo dục, quản lý di sản, truyền thông chia sẻ tại tọa đàm “Di sản với giới trẻ” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức vào ngày 27/12 vừa qua.
Tuần hoàn “thầm lặng”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong Thông đạt số 1C/VP về công tác công văn, giấy tờ ngày 3/1/1946: "Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia". Thông đạt là một trong những văn bản đầu tiên của Nhà nước ta về công tác lưu trữ, đặt nền móng quan trọng cho ngành Lưu trữ Việt Nam, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân với việc giữ gìn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia. Có thể nói nghề lưu trữ là một nhiệm vụ thầm lặng nhưng hết sức quan trọng bởi nó chứa một khối lượng tài liệu to lớn mang giá trị, tài sản của quốc gia.
Thầm lặng hơn là những cán bộ lưu trữ. Nào ai biết được có một kho lưu trữ với biết bao tài liệu quý hiếm được dân lưu trữ gọi là “lưu trữ lịch sử” tỉ mỉ phân loại, sắp xếp, chỉnh lý để giữ lại những gì là tinh hoa - nhân chứng lịch sử cho sự hình thành và phát triển của cả một ngành?
Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, trước kia, công việc hằng ngày của một cán bộ lưu trữ được hiểu là việc thu thập, bảo quản và tổ chức tài liệu, dành hàng giờ trong môi trường ít được biết đến, cần mẫn làm việc bên những tư liệu khô khan từ bản đồ cổ, văn bản lịch sử, đến các hồ sơ cá nhân và ghi chép quan trọng. Họ là những người “thủ kho”, với trọng trách bảo tồn tư liệu quý, “mặc chiếc áo khoác xám, sớm đi tối về”.
Việc được tiếp cận và tìm hiểu về các tư liệu đối với công chúng còn nhiều “rụt rè” khi nhân viên lưu trữ vẫn chưa thực sự chủ động, tích cực phát huy các giá trị của di sản tư liệu, đem di sản đến gần hơn với công chúng. Sự chần chừ và thiếu sáng tạo trong cách thức truyền bá và giáo dục công chúng về giá trị của những tài liệu này còn làm hạn chế sự hiểu biết và quan tâm của mọi người. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tiếp cận của công chúng đối với tài liệu lưu trữ mà còn làm giảm giá trị sử dụng và tác động tích cực mà những tài liệu này có thể mang lại.
Bên cạnh đó, một bộ phận công chúng cũng chưa thực sự nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc bảo tồn và hiểu biết về di sản tư liệu. Họ coi những tài liệu này như một phần của quá khứ xa xôi, không liên quan trực tiếp đến cuộc sống hiện tại hoặc không thấy được giá trị thực sự mà chúng mang lại. Điều này tạo nên một khoảng cách giữa di sản văn hóa, lịch sử và nhận thức của công chúng, làm cho việc truyền bá và giáo dục trở nên khó khăn hơn.
Vượt ra khỏi ranh giới của những trang giấy cũ
Lưu trữ không chỉ là một quá trình kỹ thuật, mà còn là một nỗ lực mang tính nhân văn sâu sắc. Trong bối cảnh hiện đại, tài liệu lưu trữ đã vượt ra khỏi ranh giới của những trang giấy cũ để trở thành một phần không thể tách rời của di sản văn hóa. Giai đoạn hiện tại đang đánh dấu sự chuyển mình lớn lao trong cách hiểu và tôn trọng di sản văn hóa, đặc biệt là tài liệu lưu trữ. Tài liệu lưu trữ trong đó có di sản tư liệu bắt đầu được xã hội nói chung, giới trẻ nói riêng ngày càng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với việc tìm hiểu những tài liệu này. Sự quan tâm mạnh mẽ này đã trở thành nguồn cảm hứng và khích lệ quan trọng cho những người mang trách nhiệm bảo tồn và nâng cao giá trị của di sản tài liệu.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, ngành lưu trữ đã chứng kiến những bước phát triển đáng kể, thay đổi từ một lĩnh vực hoạt động “thầm lặng” dần chủ động và tích cực trong việc tôn vinh và phổ biến giá trị của di sản tư liệu, mang chúng đến gần hơn với đại chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục đã năng động triển khai nhiều sự kiện nhằm giới thiệu những kho tàng tư liệu giá trị này đến với công chúng rộng lớn. Hiện tại là giai đoạn quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình trong tư duy và phương pháp tiếp cận di sản, đặc biệt là di sản tư liệu.
Bà Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng cho biết, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã và luôn sẵn sàng chào đón công chúng đến tham quan, nghiên cứu và khám phá kho tàng tư liệu quý giá mà Trung tâm lưu giữ. Bà Hương nhấn mạnh, Trung tâm không chỉ là nơi lưu trữ tài liệu mà còn là cầu nối văn hóa, mở cánh cửa tri thức cho mọi người, từ học sinh, sinh viên đến các nhà nghiên cứu, giáo viên và cả những người yêu thích lịch sử. Đồng thời, Trung tâm cũng đang tích cực triển khai các chương trình giáo dục, tọa đàm và triển lãm nhằm làm phong phú thêm trải nghiệm của khách tham quan, giúp họ hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc thông qua các tài liệu lưu trữ.
“Giới trẻ sẽ là đối tượng mà Trung tâm hướng tới nhiều hơn trong các hoạt động sắp triển khai. Và để làm cho tài liệu lưu trữ trở nên sống động và gần gũi hơn trong cuộc sống, Trung tâm không ngừng nỗ lực lan tỏa giá trị của những tài liệu lưu trữ đến với công chúng, bằng cách truyền cảm hứng và tạo động lực thông qua các hoạt động văn hóa sáng tạo và thú vị nhằm kể những câu chuyện xung quanh các tài liệu lưu trữ một cách hấp dẫn, đầy đủ và chính xác với góc nhìn mới và bắt kịp xu hướng hiện đại”, bà Trần Thị Mai Hương chia sẻ.
Việc làm cho tư liệu trở nên gần gũi và dễ hiểu với công chúng còn là một quá trình dài. Nhưng bước “chuyển mình” của lưu trữ trong giai đoạn hiện nay đã mở ra những hướng đi mới và tiềm năng rộng lớn. Các cơ quan lưu trữ không chỉ đang tập trung vào việc bảo quản và quản lý tài liệu, mà còn chú trọng đến việc làm cho chúng trở nên sống động và có ý nghĩa hơn đối với công chúng thông qua các chương trình giáo dục, triển lãm, và các sự kiện tương tác... Bên cạnh đó, các sáng kiến trong việc số hóa tài liệu và tạo ra các nền tảng trực tuyến cũng đang mở rộng quy mô tiếp cận của ngành lưu trữ, cho phép công chúng từ khắp nơi truy cập vào những kho tàng tri thức này một cách dễ dàng. Điều này không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa trong một thế giới ngày càng số hóa, mà còn giúp lan tỏa tri thức và sự hiểu biết về lịch sử và văn hóa đến một lượng lớn người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ./.