Mỹ thuật

Họa sĩ Cát Tường và trang phục áo dài Lemur

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế 26/12/2023 11:03

Một trong những cuộc vận động y phục nữ giới là sự ra đời trang phục áo dài. Vượt qua mọi định kiến sắc tộc, giai cấp, đảng phái, sức sống kỳ lạ của chiếc áo dài đã góp phần kiến tạo nên một nhận diện chung, tạo dựng hình ảnh quốc gia dân tộc Việt Nam.

Quan điểm Nho gia y phục xứng kỳ đức coi quần áo, mũ mão như một phần của phẩm hạnh đạo đức. Nhà bác học Phan Huy Chú từng khẳng định: “Đạo nước không gì lớn bằng Lễ, Lễ là để làm rõ tôn ti. Quy chế áo mũ, nghi vệ là để phân biệt trên dưới" (Loại chí Lễ nghi chí). Ông cũng nhắc lại ý này trong sách Lễ ký: “Cố quý tiện hữu đẳng, y phục hữu biệt, triều đình hữu vị” (người sang hèn có bậc, y phục có phân biệt, có chỗ triều đình có ngôi thứ).

cat-tuong.jpg
Họa sĩ Cát Tường

Sãi vương Nguyễn Phúc Khoát rồi đến Hoàng đế Đại Nam Minh Mạng đã cố gắng kiến tạo vững chắc “cộng đồng tưởng tượng” (chữ của Benedict Anderson) bằng trang phục với kiểu áo giao lĩnh cổ tròn tay chẽn, mặc bên ngoài chiếc quần.

Sau Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, Lemur Cát Tường là nhân vật thứ hai tạo nên cuộc cách mạng về y phục cho nữ giới Việt Nam. Nhà Nguyễn tiếp nối y phục Đàng Trong, nhưng phụ nữ Bắc Kỳ quen mặc váy, không đồng tình với lối áp đặt của vua Minh Mệnh. Áo ngũ thân chủ yếu vẫn dành cho nam giới. Nguyễn Cát Tường đã dấn thân vào công cuộc thay đổi áo ngũ thân.

Họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912-1946) bút danh Lemur Cát Tường, học khóa IV (1928-1933) ngành Hội họa, Trường Mỹ thuật Đông Dương. Thời điểm ấy, Nguyễn Cát Tường nhận thức được nhược điểm của Việt phục là chưa thích ứng với thời tiết khí hậu, không phù hợp với đặc điểm hình thể của nữ giới. So với đàn ông, trang phục của nữ giới khá đơn điệu; màu sắc nghèo nàn chủ yếu là áo thâm áo đen; về kiểu dáng ngoài loại áo giao lĩnh còn có áo tứ thân.

Là một trọng những trí thức tân học, Nguyễn Cát Tường nhìn trang phục như những vật liệu kiến tạo cộng đồng tưởng tượng quốc gia dân tộc. Ông viết: “Các bạn là phụ-nữ Việt-Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ-nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật-bản chẳng hạn… mà cả nước Lồ-lố nữa, (nếu nó cũng là một nước)” (“Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” - Phong hóa, số 86, ra ngày 23/2/1934).

Những bức ảnh màu đầu tiên của nhiếp ảnh gia người Pháp Léon Busy cho thấy rõ từng chuyển biến về màu sắc trên trang phục của phụ nữ. Nhưng màu sắc thôi là chưa đủ, Cát Tường làm một cuộc cách mạng triệt để từ gót chân lên tới đỉnh đầu, từ trong ra ngoài cho thời trang nữ giới. Điểm đột phá quan trọng trong trang phục áo dài Lemur Cát Tường là quần cài cúc và áo ngực. Không chỉ bỏ cạp quần truyền thống thường dùng dây vải rút rất thô, họa sĩ Cát Tường còn sử dụng hàng cúc bấm khiến vòng ba phụ nữ được phô ra, đồng thời chiết eo áo để tôn lên đường cong hoàn mỹ vốn chỉ có ở nữ giới.

cat-tuong-2.jpg
Một mẫu thiết kế áo dài của Lemur Cát Tường năm 1934.

Nhìn rộng hơn, làn sóng cách tân trang phục phụ nữ đã có từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Phong trào cải cách y phục nữ giới do họa sĩ Nguyễn Cát Tường khởi xướng dưới sự bảo trợ truyền thông của nhóm Tự Lực văn đoàn đã tạo nên những ảnh hưởng xã hội vô cùng to lớn. Tự Lực văn đoàn đứng sau lưng Cát Tường Lemur, hỗ trợ truyền thông và đồng hành sáng tạo với thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương.

cat-tuong-1.jpg
Một kiểu áo mặc mùa nực - mẫu thiết kế của họa sĩ Nguyễn Cát Tường đăng trên bìa báo Phong hóa (số 106, năm 1934).

Hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài tân thời ngập tràn trong các sáng tác của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường - những họa sĩ chính của Tự Lực văn đoàn. Áo dài tân thời cũng ảnh hưởng tới nhiều nghệ sĩ đương thời, xuất hiện trong nhiều sáng tác của các nghệ sĩ như: Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Hoàng Lập Ngôn, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Tạ Tỵ… Ngay trên trang bìa Báo Phong hóa số 88 (ra ngày 9/3/1934) đã đăng bức tranh vẽ những thiếu nữ thanh tân mặc y phục áo dài tân thời. Đáng chú ý là bức tranh “Đám rước đình làng” của họa sĩ Nguyễn Văn Bái ghi lại một khoảnh khắc lịch sử giao thời của trang phục nữ Việt Nam đầu thế kỷ. So với các nhân vật nữ trong bộ tranh khắc của Henri Oger (tác giả cuốn “Kỹ thuật của người An Nam”), hầu hết các nữ nhân vật được khắc họa trong trang phục áo tứ thân, áo ngũ thân, áo mã tiên chứ chưa hề xuất hiện kiểu áo dài tân thời.

Có thể nói, hình ảnh người phụ nữ Việt đầu thế kỷ XX mặc áo dài truyền thống và áo dài cách tân đã chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam đầu thế kỷ. Rất nhiều bức tranh thời Mỹ thuật Đông Dương trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho ta cảm nhận rõ điều này.

Nói đến những nghệ sĩ nổi tiếng thời Mỹ thuật Đông Dương, người ta vẫn thường ca tụng Trí – Lân – Vân – Cẩn hay Nghiêm – Liên – Sáng – Phái. Hầu hết các danh họa của hai bộ tứ này và nhiều họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương đã được lấy tên để đặt tên đường phố. Năm 2014, trong lần nói chuyện về sự nghiệp của thân phụ mình, ông Nguyễn Trọng Hiếu nhắc đi nhắc lại rằng, Lemur Cát Tường không chỉ thiết kế áo dài, ông làm nên một cuộc cách mạng thời trang cho phái đẹp Việt Nam.

Hà Nội có lẽ cần một vườn hoa mang tên Lemur Cát Tường để ghi nhớ công lao cải cách trang phục nữ giới của ông. Hiện nay cạnh vườn hoa Cửa Nam, góc giao nhau giữa phố Cửa Nam, Hàng Bông có một không gian nhỏ có bốt điện, có thể cải tạo thành vườn hoa mang tên Lemur Cát Tường. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (giảng viên Khoa các khoa học liên ngành Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có phương án đề xuất: ở phía tường cạnh với mảng tường có hình vẽ quảng cáo thời Pháp thuộc đang được bảo tồn, sẽ vẽ bức tranh thiếu nữ mặc áo dài của họa sĩ Lương Xuân Nhị - một người từng cổ vũ nhiệt thành cho phong trào áo dài. Nhà ông ở 29 phố Cửa Nam, đối diện với vườn hoa này./.

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế