Văn hóa – Di sản

“Tuồng Kể”: Nối mạch văn hóa truyền thống với đương đại

Tô Ngọc Oanh 09:23 21/12/2023

Tối ngày 20/12, tại Nhà hát Tuồng Việt Nam (51A Đường Thành, Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện Talkshow & Biểu diễn Nghệ thuật “Tuồng Kể” do Nhà hát Tuồng Việt Nam kết hợp với nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức.

Sự kiện Talkshow & Biểu diễn Nghệ thuật “Tuồng Kể” được tổ chức với mục đích quảng bá, bảo tồn nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ trên địa bàn Hà Nội. Ngoài biểu diễn nghệ thuật, sự kiện còn đưa khán giả đến với góc nhìn từ các nghệ sĩ - những người đang trực tiếp tham gia biểu diễn và giữ gìn bộ môn nghệ thuật này; những quan điểm của người trẻ về tuồng thông qua buổi talkshow thú vị và những thay đổi trong cách truyền thông, quảng bá để đưa tuồng tiếp cận đến đông đảo công chúng trẻ hơn.

z4994177270322_32007d4f2a63025eca0bd249ab98baad.jpg
Sự kiện thu hút nhiều công chúng tham gia.

Tại sự kiện, các nghệ sĩ tuồng đã thể hiện trích đoạn hai tác phẩm kinh điển là: “An Tư công chúa” và “Tình mẹ”. Hai trích đoạn đã tái hiện lại các trang phục truyền thống và phong cách biểu diễn đặc trưng, qua đó mang đến cho khán giả một trải nghiệm chân thực và sâu sắc về nghệ thuật tuồng. Đặc biệt, sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và công nghệ hiện đại trong hai tiết mục đã tạo nên một không gian nghệ thuật mới mẻ và cuốn hút.

z4994177268877_aa9b16df55c4164731eec45dc8c783c1.jpg
Diễn trích đoạn vở “An Tư công chúa”.
z4994177271073_bcd59ebb41ce72e04b85be27b7cd36ef.jpg
Diễn trích đoạn vở "Tình mẹ".

Đồng thời, Talkshow với chủ đề “Tuồng và thế hệ trẻ” có sự tham gia của bốn diễn giả uy tín: Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng - ông Tạ Văn Sốp, NSƯT. Lộc Huyền (trưởng đoàn Nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam), Nguyễn Hoàng Hiệp (chuyên viên nội dung tại Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam) và Bùi Yến Linh (Trưởng Ban tổ chức Trường Ca Kịch Viện). Dưới sự dẫn dắt của host MC. TS. Trịnh Lê Anh, các diễn giả đã mang đến những cái nhìn sâu sắc và thú vị về tuồng, qua đó mở ra một không gian đối thoại giữa nghệ thuật truyền thống và giới trẻ hiện đại.

z4994177271150_159c037ac33becf294a7916cd49baeca.jpg
Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả uy tín.

Chia sẻ tại talkshow, ông Tạ Văn Sốp - Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, đội ngũ lãnh đạo và nghệ sĩ tại Nhà hát đã nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghệ thuật tuồng. Mặc dù nhận thức của giới trẻ về tuồng còn hạn chế, nhưng đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút sự quan tâm của họ đến với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

“Không hề có sự quay lưng từ phía khán giả trẻ đối với tuồng. Có điều là, loại hình nghệ thuật này chưa thực sự tạo ra “dấu ấn” mạnh mẽ để thu hút giới trẻ. Tuồng, vốn là thể loại nghệ thuật kén người nghe nhưng cũng vô cùng đặc sắc và chứa đựng giá trị văn hoá dân tộc sâu sắc. Gần đây, sự quan tâm của giới trẻ dành cho nghệ thuật truyền thống đã được thể hiện rõ qua các dự án và sự kiện. Sự kiện “Tuồng Kể” hôm nay, chứng tỏ rằng giới trẻ không chỉ quan tâm mà còn rất trân trọng nghệ thuật dân gian. Nhà hát Tuồng Việt Nam đang nỗ lực để giới thiệu và nâng cao nhận thức về tuồng trong giới trẻ. Chúng tôi hi vọng từ việc giới thiệu sự tồn tại của tuồng tại Việt Nam sẽ dần thúc đẩy quá trình tìm hiểu, đánh giá cao vẻ đẹp của tuồng, và cuối cùng là yêu mến nghệ thuật này”, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam khẳng định.

Khi được hỏi quan điểm về tương lai của tuồng và liệu nó có trở thành “viên ngọc được cất trong tủ kính” do sự phức tạp trong cảm nhận và thẩm thấu các thể loại, NSƯT Lộc Huyền nhấn mạnh: “Với tư cách là người đại diện cho thế hệ trẻ, kế thừa và phát huy nghệ thuật tuồng, tôi khẳng định rằng đã có nhiều nỗ lực được thực hiện để đưa tuồng đến gần hơn với khán giả trẻ. Một loạt chương trình đã được triển khai nhằm giới thiệu nghệ thuật tuồng thông qua việc khai thác các “tích tuồng”, gắn chúng với bài giảng học đường để tạo sự gần gũi và dễ tiếp cận. Các trích đoạn được chọn lọc và tập luyện kỹ lưỡng, sau đó được biểu diễn tại các trường học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, đại học và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ học sinh, sinh viên. Thậm chí, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ mong muốn được đăng ký học hát tuồng tại nhà hát, một dấu hiệu tích cực cho thấy tuồng không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng cho tương lai”.

Bùi Yến Linh, Trưởng Ban tổ chức Trường Ca Kịch Viện và là đại diện thế hệ trẻ bộc bạch: “Giữa nhà hát Tuồng Việt Nam và khán giả trẻ có một “khoảng trống” nhất định. Với vai trò phụ trách truyền thông cho nhà hát, tôi đã dành thời gian tìm hiểu về nghệ thuật tuồng từ những nghệ sĩ kỳ cựu, vì chỉ khi thực sự hiểu và yêu mến tuồng, mới có thể truyền đạt tinh thần và giá trị của nó đến thế hệ trẻ. Bởi dù có những khó khăn trong việc tạo ra một “tiếng nói chung” giữa thế hệ kỳ cựu và thế hệ tiếp nối, nhưng việc tìm kiếm và thiết lập điểm kết nối này là cực kỳ quan trọng. Với sự kết nối và hợp tác chặt chẽ giữa các thế hệ, Nhà hát Tuồng sẽ có thể tạo ra những sản phẩm nghệ thuật phản ánh thực tế và đáp ứng nhu cầu của khán giả trong thời đại hiện nay”.

z4994177274521_388addf57ecc5baa4aad0be025316d62.jpg
Phần minigame với sự tham gia tích cực từ các khán giả trẻ.

Talkshow & Biểu diễn Nghệ thuật “Tuồng Kể” không chỉ làm sáng tỏ giá trị văn hóa sâu sắc của tuồng, tạo nhịp cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa nghệ sĩ và khán giả, mà còn góp phần vào việc định hình vị thế của tuồng trong lòng người dân và trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Qua đó khơi dậy sự quan tâm và niềm đam mê đối với nghệ thuật tuồng trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình đưa tuồng từ các sân khấu truyền thống đến với văn hóa đại chúng, mở ra hướng đi mới cho sự phát triển và bảo tồn của loại hình nghệ thuật này trong thời đại số./.

Tô Ngọc Oanh