Hiệu quả từ các cách làm hay, mô hình điểm
Năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội chính thức ban hành bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Kể từ khi ban hành, bộ Quy tắc không chỉ được triển khai thực hiện đồng loạt, các địa phương tại Hà Nội còn tâm huyết xây dựng nhiều cách làm sáng tạo, những mô hình điểm để Quy tắc ứng xử nơi công cộng thật sự thấm sâu vào đời sống nhân dân và tạo thành hệ giá trị của người Hà Nội – Tràng An thời đại mới.
Đạt thành tựu đáng khích lệ nhờ sáng tạo
Theo Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về thực hiện bộ Quy tắc ứng xử, từ năm 2022, UBND huyện Ba Vì triển khai xây dựng mô hình “thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Trên cơ sở mô hình điểm, đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai nhân rộng mô hình “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên toàn huyện. Những cách làm hay, sáng tạo đã được các xã, thị trấn vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế tại địa phương tạo khí thế thi đua sôi nổi trong nhân dân, nâng cao ý thức tự giác, tinh thần chủ động và thiết thực tham gia các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường. Kết quả trong 8 tháng đầu năm 2023: các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì thành lập tổ xung kích vệ sinh môi trường, duy trì tổ tự quản, tổ chăm sóc các “Tuyến đường có hoa” với tổng chiều dài 111.895m; xây dựng 27 mô hình “Biến điểm rác thải thành đường hoa”; mô hình camera an ninh với 171/208 thôn trên địa bàn các xã thị trấn đã tiến hành lắp đặt 540 camera đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, góp phần phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật…
Công tác xây dựng cảnh quan môi trường được nhân dân nghiêm túc thực hiện, phong trào “xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” được lan toả khắp các địa phương và được nhân dân tích cực hưởng ứng bằng các việc làm thiết thực như nhân dân hiến đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm, tham gia vệ sinh môi trường hàng tuần, tham gia ủng hộ, tôn tạo các công trình phúc lợi của địa phương, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của mỗi người dân được nâng lên rõ rệt. Đã vận động nhân dân hiến 24.651m2 đất, nhân dân ủng hộ số tiền trên 28 tỷ đồng.
Tương tự, đối với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý di tích và lễ hội, nhờ có sự sáng tạo linh hoạt trong triển khai, hầu hết các địa phương đều đạt nhiều kết quả đáng biểu dương, khích lệ.
Đơn cử, UBND huyện Thanh Trì đã chỉ đạo các Ban quản lý di tích, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội từ huyện đến các xã, các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú: Phát thanh tuyên truyền, niêm yết quy tắc ứng xử, nhắc nhở người dân, du khách thập phương trực tiếp hoặc trên hệ thống truyền thanh.
Tương tự, hàng năm trên địa bàn huyện Mê Linh có khoảng 60 lễ hội như: Đền Phù Trì, xã Kim Hoa, đền Đông Cao, đền Ả Lư Minh Vương, xã Tráng Việt, đình chùa Chi Đông, thị trấn Chi Đông và Lễ hội đền Hai Bà Trưng, di tích Quốc gia đặc biệt được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng giêng. Trong các ngày diễn ra lễ hội Ban quản lý di tích đã phát thanh liên tục từ 7h00 đến 18h00 tuyên truyền về các nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhắc nhở người dân và du khách thập phương thực hiện đúng nếp sống văn minh nơi thờ tự và tại khu vực diễn ra lễ hội.
Xây dựng mô hình phù hợp với đặc điểm mỗi địa phương
Từ công tác đánh giá kiểm tra thực tế và thông qua báo cáo của các quận, huyện, thị xã, có thể thấy tại mỗi địa phương đều có những mô hình riêng, phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Tại huyện Mỹ Đức, nơi có nhiều tiềm năng phát triển, trong đó có tiềm năng về du lịch với quần thể Danh thắng Hương Sơn (lễ hội chùa Hương) từ lâu là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong nước và ngoài nước; Khu du lịch Hồ Quan Sơn được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn” của Hà Nội; hồ Tuy Lai, dòng sông Đáy hiền hoà, thơ mộng… Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Mỹ Đức. Trong đó, huyện xác định chủ trương đánh thức tiềm năng về du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với sinh thái, nghỉ dưỡng là nhiệm vụ quan trọng, tiên quyết; khát vọng xây dựng Mỹ Đức trở thành khu du lịch trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, điểm đến đáng nhớ trong lòng mỗi du khách Thủ đô và cả nước khi đến với nơi đây. Thực hành tốt quy tắc ứng xử góp phần xây dựng thành công mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”.
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng cho biết, bên cạnh việc quan tâm đến công tác biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, các địa phương cần tiếp tục quán triệt mạnh mẽ, tuyên truyền sâu rộng nội dung 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố, trong đó có Quy tắc ứng xử nơi công cộng để quy tắc thực sự “thấm” và “ngấm” tới mọi tầng lớp nhân dân; thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhau cùng thực hành; học tập các mô hình hay, hiệu quả của các địa phương khác như: mô hình “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn” của huyện Ba Vì hay một số mô hình khác của huyện Đan Phượng…
Việc kiểm tra Quy tắc ứng xử của Thành phố là dịp quan trọng để các địa phương trên địa bàn Thủ đô nói chung và huyện Mỹ Đức nói riêng nhìn nhận, đánh giá tốt hơn những thành công, hạn chế; phân tích, nhận định những tiềm năng, thế mạnh riêng có của mình để từ đó triển khai hướng đi phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong thực tế cuộc sống; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.