Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Văn Miếu ngày Nguyên tiêu

Chung Tiến Lực 23/02/2024 8:00

Người yêu thơ ai cũng mong mỏi cho nhanh đến ngày Tết Nguyên tiêu để gặp gỡ bạn bè cùng sở thích, cùng lòng đam mê sáng tạo nghệ thuật. Tôi tha thiết mong đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi tổ chức Ngày Thơ để nghe thơ, chiêm ngưỡng những câu thơ tài hoa bay lên bầu trời thơ ngợp trong khí xuân mát lành.

img_0038.jpg
Văn Miếu ngày Nguyên tiêu (ảnh: LĐ)

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi tổ chức Ngày thơ, nơi tổ chức Hội thơ vào ngày rằm tháng giêng hàng năm. Từ bao đời nay thơ ca, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người Việt. Được suy tôn là tiếng nói trong trẻo của tâm hồn, thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật, là cánh buồm no gió chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão bay bổng, vươn xa. Thơ là tấm lòng, là tiếng lòng cộng hưởng từ một người đến với muôn người. Thơ là một thể loại văn học thiên về biểu hiện tình cảm, tâm tư khát vọng của con người. Thơ không chỉ được thể hiện qua các nhu cầu giải trí mà còn cả trong các lĩnh vực học tập, lao động và chiến đấu, và thơ đã trở thành nét văn hóa đẹp, sang trọng, sự đặc sắc của dân tộc ta.

Không gian, địa hình kiến trúc Văn Miếu hiện nay là phong cách kiến trúc mang tính cung đình thời kỳ đầu Nhà Nguyễn. Khuôn viên trường Văn, miếu Học được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng gạch vồ đã bạc màu rêu phong. Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn là ngọn nến luôn rực cháy, thắp sáng truyền thống hiếu học của người dân Việt Nam. Đến nơi đây tôi và bạn dường như được tiếp thêm động lực từ những vàng son khoa bảng rực rỡ của ông cha. Tôi, bạn và mọi người sẽ được nạp nguồn năng lượng tràn đầy để vững tin trong hành trình học tập và khám phá tri thức nhân loại. Đồng thời, cũng tại đây, điểm hẹn “xin chữ” của người Hà Nội trong những ngày Tết truyền thống với ước mong một năm mới an lành, thịnh vượng.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám, quần thể nằm trong khuôn viên rộng rãi, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau tương đồng với vóc dáng con người và thiên nhiên xứ sở Vạn hoa. Bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn và nhà Thái Học, hợp thành một quần thể văn hóa sang trọng. Đây là khu di tích có tính đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, ở phía Đông kinh thành Thăng Long xa xưa. Có giếng Thiên Quang quanh năm đầy nước soi bóng Khuê Văn Các. Có hàng xếp hàng, tám mươi hai bia Tiến Sỹ. Các tấm bia Tiến Sỹ đều được đặt ngay ngắn trên lưng rùa đá, biểu thị sự trường tồn của tinh hoa dân tộc, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước trong suốt mấy trăm năm đã tồn tại và phát triển rạng rỡ. Trường đại học đầu tiên của nước ta nằm trong bức tường gạch vồ bao, chia năm lớp không gian với các kiểu dáng kiến trúc đặc sắc khác nhau. Mỗi lớp không gian có tường và ba cửa thông nhau. Từ ngoài vào trong có các cổng: Cổng Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học. Lịch sử còn ghi nơi đây hơn bảy trăm năm sống động đã từng đào tạo nhiều thế hệ nhân tài làm rạng danh đất nước.

Tại Văn Miếu, tôi, bạn và chúng ta sẽ thấy rõ hơn thơ là phương pháp tốt nhất nếu không nói là duy nhất vừa chứng tỏ tài năng trí tuệ, vừa thể hiện được tâm tư, tình cảm của người làm thơ, lay động tâm hồn người thưởng thơ. Chính vì thế tại Văn Miếu này các khoa thi khi xưa, đề bài chỉ chuyên về bình thơ và sáng tác thơ. Những danh nhân được người sau nhắc đến nhiều nếu không là danh tướng thì cũng là thi nhân (mà đa phần là sự kết hợp của cả hai). Ai cũng biết tên tuổi của Thái úy Lý Thường Kiệt với trận chiến trên sông Như Nguyệt còn âm vang mãi áng thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”. Lời thơ trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ với “Hịch xuất quân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Nguyên tiêu” và nhiều bài thơ khác đều cho thấy các bậc hào kiệt xưa giỏi dụng thơ làm vũ khí chiến đấu với quân thù. Thơ ca nói chung có vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc. Thơ ra đời từ đòi hỏi của cuộc sống và đương nhiên thơ lại trở về bồi bổ ý nghĩa nhân văn và làm đẹp thêm cho cuộc sống. Mỗi câu thơ ở đời đều mang kinh nghiệm sống ẩn sâu bên trong là sự minh triết và rồi phát sáng lấp lánh trên từng con chữ. Tại đây cho ta thấy thơ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống người Việt. Và việc có một ngày hội tôn vinh thơ ở đất nước “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”, là một đắc sắc, riêng có. Thơ là người bạn tri kỷ, tri âm, là thú chơi tài hoa, tao nhã của người Việt từ xưa đến nay.

Từ bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấm đẫm tinh thần ngày Hội Thơ của dân tộc yêu thơ. Và hình như Ngày thơ Việt Nam thể hiện sự độc đáo riêng có của văn hóa Việt Nam. Choáng ngợp không khí hào sảng của ngày Hội Thơ: “Ngày thơ/Nam nữ học sinh/Rước thần thơ chật sân đình, Hội Thơ/Nơi Hội sách/Nơi thả thơ/Trường văn, miếu học/Bến bờ vinh quang”.

Lòng ta chộn rộn trước vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc, sắp đặt được vẻ đẹp của thiên nhiên cộng hưởng làm toát lên sức mạnh tinh thần mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng. Để bỗng nhiên trong lòng lại vang lên bài thơ Nguyên Tiêu của Bác Hồ.

Đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ngày Nguyên Tiêu lòng ta bỗng ngân rung khi nghe áng thơ Thần như vang vọng từ chiến tuyến trên dòng sông Như Nguyệt thủa nào. Tiếng thơ hào sảng ấy quân thù nghe thôi đã bạt vía kinh hồn.

Tôi, bạn và mọi người chắc chắn tin rằng Quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám mãi mãi là nơi nuôi dưỡng giá trị truyền thống, lịch sử có sức sống trường tồn vắt qua không gian và thời gian.

Không gian văn hóa Quốc Tử Giám đã và đang khẳng định sức sống trường tồn của Nhân - Nghĩa - Lễ - Nhạc trong đời sống người dân, mang thông điệp chung là đánh thức tiềm năng văn hóa đất Việt. Tôi và bạn sẽ thấy không chỉ mình đang đánh thức những điều mình chưa có. Đến đây ai đấy đều suy ngẫm, nhận thức chân lý: “Sáng tạo những điều mới mẻ là sự khơi gợi tình yêu với những điều đã sống, đã thở với con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm”.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám xưa là chốn “cửa Khổng, sân Trình”, là “Thánh đường của Nho học”, nơi đào tạo và biểu dương nhân tài của đất nước. Nay Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một khu di tích Lịch sử - văn hóa lớn nhất ở trung tâm Thủ đô, biểu trưng cho tiến trình văn hóa Việt Nam. Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những hoạt động văn hóa, khoa học, đang góp phần vào công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho Thủ đô xứng đáng viên ngọc “Ngàn năm văn hiến”.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Chung Tiến Lực. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Chung Tiến Lực