Nhìn lại một năm hoạt động của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội
Sáng ngày 17/12, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và định hướng hoạt động năm 2024 với sự tham gia của đông đảo các vị khách mời và các hội viên.
Báo cáo tổng kết kết quả hoạt động của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội trong năm 2023, NSND Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, trong năm qua BCH Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội luôn chủ động tổ chức tốt các hoạt động theo kế hoạch nhiệm vụ năm, các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn; tham gia tốt việc thực hiện chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
BCH luôn khuyến khích, động viên tinh thần đến các hội viên phát huy tốt năng lực sáng tạo, tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm, công trình nghệ thuật phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ thể hiện, có giá trị cao về tư tưởng và thẩm mỹ…
Về công tác chuyên môn, Hội đã tổ chức 4 buổi đi thực tế tại các lễ hội ở các vùng nội, ngoại thành Hà Nội để tìm hiểu về múa cổ truyền Thăng Long Hà Nội; tổ chức 5 đợt đi thực tế sáng tác tại Lạng Sơn, Phú Thọ, Mộc Châu, Quảng Bình và Cao Bằng. Các chuyến đi thực tế đã cho hội viên những trải nghiệm và cảm xúc mới mẻ và ý nghĩa, từ đó khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, góp nhiều kịch bản và những tác phẩm chất lượng cho Hội múa Hà Nội và ngành múa Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động thực tế, sáng tác, Hội đã tổ chức thành công 3 buổi tọa đàm, 4 buổi sinh hoạt chuyên đề. Các buổi tọa đàm, chuyên đề nghệ thuật múa - khiêu vũ với sự tiếp cận gần gũi, dễ hiểu kết hợp xem băng hình và biểu diễn trực tiếp đã tạo nên sự nhiệt tình, hào hứng cho các hội viên. Sự đa dạng của các chuyên đề cùng sự phong phú của các nguồn tư liệu đã góp phần trang bị thêm kiến thức, năng lực sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các hội viên.
Đáng chú ý, trong năm 2023 Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội còn kết hợp với Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội tổ chức thành công “Liên hoan nghệ thuật múa không chuyên - Hà Nội năm 2023”; kết hợp với Tạp chí Người Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, truyền hình ANTV tổ chức cuộc thi “Tài năng nhảy múa thiếu niên nhi đồng” lần thứ VI. Hoạt động biểu diễn này đã góp phần nhằm bảo tồn gìn giữ và phát huy nghệ thuật múa dân gian dân tộc Việt Nam, đồng thời không ngừng tiếp nhận sự đa dạng, phong phú của loại hình nghệ thuật múa trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Từ đó định hướng bước phát triển nghệ thuật múa không chuyên đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa trong đời sống của nhân dân Thủ đô.
Ngoài ra, các hội viên của Hội còn luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ khác, điển hình là tích cực tham gia tuần lễ múa Việt Nam do Hội nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức.
Hội đồng nghệ thuật đã xét duyệt hỗ trợ trong 2 năm (2022-2023) cho 37 kịch bản múa và chọn 4 tác phẩm gửi về Văn phòng Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội để xét hỗ trợ hằng năm; kết nạp thêm 15 hội viên mới nâng tổng số hội viên của Hội lên 325 hội viên.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế, trong năm 2024 BCH Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã đề ra những kế hoạch hoạt động cụ thể như: Củng cố, ổn định tổ chức, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Hội; Thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các hội viên; Tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm chuyên ngành về múa (khoảng 4-5 cuộc); Tổ chức tốt, hiệu quả và an toàn các chuyến đi thực tế cho hội viên; Tổ chức tốt trại sáng tác kịch bản, nghiên cứu lý luận, huấn luyện múa (dự kiến tại Nha Trang); Khuyến khích các hội viên phát huy khả năng sáng tạo để có những tác phẩm, công trình nghệ thuật có chất lượng…; Kết hợp với Hội Âm nhạc Hà Nội xây dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô...
Ngoài ra, Hội sẽ triển khai dự án “Sưu tầm, bảo tồn và phát huy múa cổ truyền Thăng Long Hà Nội” khi được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt kinh phí Đề án thực hiện kế hoạch trong 5 năm 2024-2028 (gồm 2 nhiệm vụ chính là: Tiếp tục mở rộng công tác nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long, Hà Nội; Tổ chức trình diễn, quảng bá mỗi năm một lần các điệu múa cổ truyền Thăng Long, Hà Nội đã được nghiên cứu, phục dựng).
“BCH Hội đã thống nhất triển khai kế hoạch “Nghiên cứu, sưu tầm và phát huy di sản nghệ thật múa truyền thống các dân tộc thiểu số Thăng Long - Hà Nội”. Trước đó, từ năm 2010 đến 2020 Hội đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng được 8 điệu múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội trong tổng số 50 điệu múa được phát hiện. Tuy nhiên 50 điệu múa cổ này mới chỉ là của một dân tộc (Kinh), trong khi đó Hà Nội còn có cả một kho tàng múa của các dân tộc thiểu số anh em vô cùng đặc sắc và phong phú mà vẫn chưa được quan tâm, khai thác”, NSND Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.
Đến dự hội nghị, NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã đạt được trong năm qua. NSND Trần Quốc Chiêm mong muốn trong năm 2024, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; bám sát các kế hoạch, phương hướng hoạt động của Hội Liên hiệp, đẩy mạnh sáng tác, nâng cao chất lượng sáng tác góp phần vào sự lớn mạnh của văn học nghệ thuật Thủ đô.
Tại hội nghị, đại diện BCH Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cũng đã tặng quà tri ân cho các hội viên cao tuổi, đồng thời trao quyết định kết nạp cho 15 hội viên mới./.