Tọa đàm ''Học giả Nguyễn Văn Vĩnh với báo chí về phụ nữ đầu thế kỷ XX''

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 09:06, 21/06/2022

Kỷ niệm 97 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2022), sáng 20/06/2022, Khoa Viết văn - Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Học giả Nguyễn Văn Vĩnh với báo chí về phụ nữ đầu thế kỷ XX”.

        Tham dự buổi tọa đàm có diễn giả Nguyễn Văn Bình (cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh), nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà giáo Vũ Thế Khôi, nhà văn Ngô Văn Giá, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, một số người thân trong gia tộc học giả cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Khoa Viết văn - Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội. 

Tọa đàm ''Học giả Nguyễn Văn Vĩnh với báo chí về phụ nữ nửa đầu thế kỷ XX''

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

        Phát biểu tại buổi tọa đàm, diễn giả Nguyễn Văn Bình đã điểm lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Vĩnh sinh ra trong một gia đình thuần nông ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ngày còn nhỏ, ông từng phải đi chăn trâu chăn bò, sau đó đi làm kéo quạt cho một lớp học của Tây. Cũng từ đây, cuộc đời của học giả Nguyễn Văn Vĩnh rẽ sang một hướng mới

        Sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh có liên quan rất nhiều đến ngành học xuất bản, văn học, điện ảnh, kịch... Ông là người cố gắng đưa chữ quốc ngữ vào giảng dạy ở Việt Nam. Thế nhưng, vì những quan điểm và việc làm của Nguyễn Văn Vĩnh hầu như đi ngược lại với triều đình Huế lúc bấy giờ nên dưới con mắt chính trị của thể chế cầm quyền nên Nguyễn Văn Vĩnh được coi là “kẻ tội đồ". 

        Từ nhìn nhận về vấn đề nữ quyền trên thế giới, thông qua đó liên hệ với cách học giả Nguyễn Văn Vĩnh viết về người phụ nữ Việt Nam, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng “những điều mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh muốn áp dụng vào đất nước của mình theo một cách khách quan mà nói thì cụ đều học theo Pháp, vì dưới chế độ thực dân Pháp: phụ nữ Việt Nam được đi học”. 

        Nhà giáo Vũ Thế Khôi cũng khẳng định học giả Nguyễn Văn Vĩnh ý thức rất rõ về đối tượng độc giả của mình, ông viết những điều để người đọc có thể hiểu và học được từ nó. Nhà giáo cũng cũng đặt vấn đề cần phải tìm hiểu về phong trào “Hậu Đông Kinh Nghĩa Thục” để có những đối chiếu, so sánh rõ hơn về những ảnh hưởng của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.


Tọa đàm ''Học giả Nguyễn Văn Vĩnh với báo chí về phụ nữ nửa đầu thế kỷ XX''

Diễn giả Nguyễn Văn Bình phát biểu tại diễn thuyết cho buổi tọa đàm.

      “Nhìn rộng ra thì người khai mở về vấn đề nữ giới ở Việt Nam là học giả Nguyễn Văn Vĩnh” - TS Trần Hồng Liễu,  Phó trưởng Khoa Viết văn - Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định. Theo TS Hồng Liễu, học giả Nguyễn Văn Vĩnh ngay từ đầu thế kỷ XX đã trăn trở về việc mong muốn cải tạo nòi giống để làm sao người Việt không thua kém các nước phương Tây…

       Tại buổi tọa đàm, các khách mời cũng như các bạn sinh viên cũng đã nêu một số ý kiến và đặt câu hỏi để diễn giả Nguyễn Văn Bình giải đáp. Qua đó có khá nhiều thông tin mới, riêng tư cũng đã được hé lộ. 

Dương Liễu - Phương Thảo