Y tế - Giáo dục

Hà Nội đề nghị xem xét chính sách về tiền lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ

Phan Anh 18:09 14/12/2023

Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tham mưu để thực hiện được chính sách về tiền lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ; bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên bảo đảm các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên.

toan-canh.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. (ảnh: Chính phủ)

Ngày 14-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà chủ trì tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Phát biểu tham luận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, 10 năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đạt nhiều kết quả. Quy mô trường, lớp, học sinh các cấp học và trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tăng lên.

Ông Trần Thế Cương cũng cho biết, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đó là cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Thành phố Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên như: Cấp kinh phí cho một số cán bộ quản lý và giáo viên đi học sau đại học bằng nguồn ngân sách thành phố; quy định về chế độ hỗ trợ nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú"…

Hà Nội đã triển khai kế hoạch thực hiện phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia kinh nghiệm” giai đoạn 2022-2025 với hình thức: Trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên, tổ chức “ngân hàng giáo viên” góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng đội ngũ giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành…

Tham luận của thành phố Hà Nội khẳng định, sau 10 năm tích cực thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, đến nay, Hà Nội đã có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tăng cường về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn tốt, tạo nên sự phát triển vững chắc cho ngành Giáo dục Thủ đô.

Góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ nghiên cứu, cân nhắc bổ sung vào phần hạn chế, bất cập nội dung: Chưa thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ.

Cụ thể là: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Về nội dung này, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về tiền lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ.

Thành phố Hà Nội đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học ra khỏi khu vực nội đô, ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên bảo đảm các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên…

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ những kết quả đạt được cũng như kiến nghị những giải pháp để Bộ Giáo dục và Đào tạo có những kiến nghị trình Chính phủ, Bộ Chính trị những vấn đề liên quan kết luận sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Dương Anh Đức cho biết, từ khi triển khai Nghị quyết, thành phố thường xuyên dành kinh phí hơn 2 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các hoạt động phát triển giáo dục. Tính tổng chi cho các hoạt động giáo dục chiếm 28% chi thường xuyên; chiếm 20% chi xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đi đầu trong đổi mới dạy học từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá phẩm chất, năng lực, ứng dụng vào thực tiễn; đưa kỹ năng ngoại ngữ, tin học vào trường phổ thông sớm; đại học cao đẳng tăng cường để đáp ứng đổi mới, hội nhập quốc tế. Vì vậy, thời gian tới, thành phố nỗ lực để trở thành trung tâm đào tạo tiên tiến thế giới vào năm 2045; quy hoạch mạng lưới trường lớp phấn đấu 300 phòng học/vạn dân độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Huyên chia sẻ, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, toàn tỉnh đã phổ cập xóa mù chữ ở 100% phường, xã; phổ cập tiểu học mức độ ba. Qua 10 năm thực hiện đổi mới, tỷ lệ học sinh khá giỏi nâng lên; tốt nghiệp THPT hằng năm đạt tỷ lệ trên 98%. Tuy nhiên, quá trình đổi mới tỉnh Lạng Sơn cũng gặp khó khăn khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, toàn tỉnh còn 730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép; thiếu 1.029 giáo viên so định mức quy định… Vì vậy, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị ban hành kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện giao đủ số lượng giáo viên theo tinh thần đâu có học sinh, đó có giáo viên; bảo đảm ưu tiên chế độ tiền lương để nhà giáo gắn bó với nghề...

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua có đổi mới to lớn, chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương - đặc biệt là toàn Ngành Giáo dục, trong việc triển khai đưa Nghị quyết 29-NQ/TW vào thực tiễn.

Đồng chí nhấn mạnh, thông qua các ý kiến trao đổi, thảo luận để Ban Cán sự Đảng, Bộ GD&ĐT có các bước hoàn thiện tiếp theo Đề án tổng kết quan trọng này. Từ đó, có những đề xuất nhằm đưa ngành GD&ĐT thích ứng, xử lý, vượt qua được khó khăn, thách thức, góp phần đưa GD&ĐT ngày càng phát triển; tập trung các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT để tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNH- HĐH đất nước; đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho GD&ĐT. Có giải pháp đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài công tác trong ngành giáo dục…

Phan Anh