Văn hóa - Xã hội

“Đi về phía bình yên” – hành trình bước khỏi bóng tối để đến vùng sáng bình yên

Thụy Phương 18:53 08/12/2023

Sáng 8/12, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam đã chính thức ra mắt Trung tâm trợ giúp xã hội – Ngôi nhà bình yên cung cấp dịch vụ toàn diện, miễn phí hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Trong khuôn khổ của sự kiện, Trung tâm cũng đã giới thiệu tới bạn đọc ấn phẩm “Đi về phía bình yên – câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người”.

Phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm trợ giúp xã hội Ngôi nhà bình yên, bà Dương Thị Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho hay mô hình Ngôi nhà bình yên được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển vận hành từ năm 2007, khi chưa có Luật về Phòng chống mua bán người và Luật Phòng chống bạo lực gia đình, với mục đích cung cấp một cơ sở tạm lánh an toàn, miễn phí cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người.

z91_1070.jpg
Bà Dương Thị Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chia sẻ tại lễ ra mắt Trung tâm trợ giúp xã hội Ngôi nhà bình yên.

Đến với Ngôi nhà bình yên, các nạn nhân được hỗ trợ toàn diện trong thời gian từ 3 – 6 tháng để giúp họ ổn định về đời sống – tinh thần, giải quyết những khó khăn và xử lý các mối đe dọa đến sự an toàn của họ. Sau khi hồi gia, Ngôi nhà bình yên tiếp tục hỗ trợ về vấn đề pháp lý, hướng nghiệp và tìm việc làm, giúp họ có sinh kế bền vững.

Sau 17 năm hoạt động, Ngôi nhà bình yên đã hỗ trợ trực tiếp cho gần 1.700 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới và ngày càng chứng minh tính thiết thực, hiệu quả.

Đáng chú ý, ngày 15/5/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội đã cấp Giấy phép hoạt động cho Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.

z91_1473.jpg
Trung tâm trợ giúp xã hội Ngôi nhà bình yên chính thức ra mắt.

“Việc chuyển mình từ một cơ sở tạm lánh thành một trung tâm trợ giúp xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi, và cơ sở pháp lý giúp Ngôi nhà bình yên tăng cường kết nối, phối hợp trong việc chuyển tuyến, kết nối với các bộ ngành chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ như công an, y tế, tư pháp, luật sư, tâm lý, trợ giúp xã hội, đào tạo nghề và các tổ chức và chuyên gia liên quan khác”, bà Dương Thị Ngọc Linh nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện ra mắt Trung tâm trợ giúp xã hội – Ngôi nhà bình yên, Trung tâm phụ nữ phát triển và UN Women đã giới thiệu cuốn sách “Đi về phía bình yên - câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người” (sách do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chủ biên, Nxb Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2023). Đây là cuốn sách thứ 2 tiếp sau cuốn sách “Ngôi nhà Bình yên: tự truyện của nạn nhân bị mua bán trở về” (xuất bản năm 2013).

“Đi về phía bình yên – câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người” mang tới bạn đọc 12 câu chuyện của 12 người phụ nữ, cũng là 12 hành trình bước khỏi bóng tối khổ đau để đến vùng sáng bình yên và an lành hơn.

bia-tieng-viet.jpg
“Đi về phía bình yên” – hành trình bước khỏi bóng tối để đến vùng sáng bình yên.

Họ là 12 trong số 1.665 mảnh đời đã đến với Ngôi nhà bình yên trong suốt 16 năm qua. Họ được chọn để viết, không phải vì trường hợp của họ đặc biệt (vì thực tế 1.665 câu chuyện đều đặc biệt theo cách khác nhau). Mà bởi chính họ chọn nói ra câu chuyện đời mình, với mong muốn lan tỏa niềm tin và hy vọng cho những người phụ nữ khác: Rằng cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Và chúng ta luôn có quyền được sống thật hạnh phúc. Chúng ta có thể vấp ngã, có thể sai lầm, có thể đã từng là nạn nhân của những điều kinh khủng nhất như bạo lực, xâm hại, mua bán người… nhưng chúng ta vẫn có thể “sống sót”, sống mạnh mẽ và tốt đẹp hơn, với sự nỗ lực của chính chúng ta, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng và những chính sách hỗ trợ từ nhà nước hoặc từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức thiện nguyện.

12 câu chuyện trong cuốn “Đi về phía bình yên – câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người” đều là chuyện có thật, đã được lược bỏ vài chi tiết quá tiêu cực nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực. Tên người và địa danh đã được thay đổi để đảm bảo an toàn.

Chia sẻ về cuốn sách, chị Trương Ngọc Lan đến từ Nxb Phụ nữ Việt Nam đã không khỏi xúc động khi nhắc đến công việc tổ chức bản thảo trong thời gian làm sách: “Khi lắng nghe những câu chuyện của các nạn nhân tôi thật sự ám ảnh đến mức không thể làm được gì trong suốt cả một tuần. Theo sát từng cuộc phỏng vấn, tiếp cận với sự thật, mới cảm nhận và hình dung được họ đã khốn khổ như thế nào trong hoàn cảnh ấy. Với tôi, đây là một bản thảo rất đặc biệt, và biên tập viên đã hết sức cố gắng để chuyển tải sự thật mà không quá bi lụy, làm mọi người sợ hãi và đặc biệt là không muốn làm tổn hại đến nhân vật”.

“Qua cuốn sách, chúng tôi mong rằng, cộng đồng xã hội sẽ nâng cao nhận thức về các vấn đề bạo lực giới, xâm hại tình dục và mua bán người. Các cơ quan chức năng có thể xây dựng các chính sách đồng bộ để hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân thuộc nhóm đối tượng nêu trên. Bạn đọc có thể tìm được những bài học giá trị từ mỗi câu chuyện. Và đặc biệt, trong tương lai, chúng ta có quyền hi vọng về một xã hội văn minh, dân trí cao, không còn những cảnh đời bất hạnh do thiếu tri thức hay bị lệ thuộc”, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Phụ nữ và Phát triển bày tỏ./.

Cùng với lễ ra mắt Trung tâm trợ giúp xã hội – Ngôi nhà Bình yên, cũng trong sáng 8/12, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) và Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức sự kiện Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Lần thứ 9/ Nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, chuyên gia và các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đến từ Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân, đại diện các bộ, ngành, Liên đoàn luật sư, các tổ chức xã hội. Tại sự kiện, thông qua vở kịch tình huống do chính các cán bộ thuộc cơ quan tiến hành tố tụng ứng tác và biểu diễn, các đại biểu tham dự đã có cơ hội thảo luận về các chủ đề quan trọng bao gồm nhạy cảm giới, định kiến giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong hoạt động điều tra, truy tố cũng như rút ra các bài học, kinh nghiệm quý báu cho các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể vận dụng vào trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nhằm đảm bảo nhạy cảm giới.

Thụy Phương