Hà Nội xưa - nay

Khu tập thể Giảng Võ và những ký ức một thời

Họa sĩ Nguyễn Vi Thủy 08/12/2023 06:20

Tình cờ xem bộ phim “Số phận trớ trêu” của Nga, tôi lại nhớ về những ngôi nhà cao tầng theo phong cách “xã hội chủ nghĩa”, một phong cách điển hình trong thập niên 60 và 70 ở Đông Âu và khu tập thể mà tôi từng gắn bó – khu tập thể Giảng Võ. Với tôi, khu tập thể Giảng Võ là tuổi thơ, là kỷ niệm không dễ nguôi quên.

Khi lấy bố, mẹ tôi là thợ điện trong xưởng điện máy thuộc Công ty xây dựng nhà ở Hà Nội. Căn hộ đầu tiên gia đình chúng tôi ở là khu Trung Tự, khi ấy chưa hoàn thiện nhưng công nhân được đến ở tạm. Căn hộ đó ở tầng 3 khu B, giờ là mặt phố Phạm Ngọc Thạch, chếch với cửa hàng ăn uống Kim Liên. Cửa hàng đó trong trí nhớ ít ỏi của tôi chỉ là món mì và bánh sừng bò, mùi vị như thế nào thì tôi không nhớ nữa. Năm 1974, khu tập thể Giảng Võ bắt đầu được xây dựng (cùng thời điểm với khu Thành Công), chúng tôi đi theo công trình vì các hộ dân ở khu tập thể Trung Tự đã chuyển về sinh sống.

khu-tap-the-127-giang-vo-nam-1988.png
Khu tập thể 127 Giảng Võ năm 1988. Ảnh: Wiliam Crawford

Quanh hồ Giảng Võ lúc đó chỉ là cánh đồng vắng vẻ, công trình xây dựng ngổn ngang mọc lên. Khi đó, gia đình tôi được phân 1 trong 9 phòng ở trong khu nhà bê tông nguyên là ban chỉ huy công trường và văn phòng trong quá trình xây dựng khu tập thể Giảng Võ. Dãy nhà 5 gian chia đôi thành 10 phòng, 5 phòng đi cửa trước, 5 phòng đi cửa sau, giữa hai phòng phía trên có 3 ô cửa thông gió rộng 30x40cm. Vậy nên bên kia làm gì nhà bên này đều nghe và biết hết từ cười, khóc, cãi cọ… Và thi thoảng các nhà còn í ới hỏi thăm nhau. Nhà tôi là một trong ba hộ đến sớm nhất, dần dần các nhà khác mới dọn đến. Mỗi gia đình đều có ít nhất một người là cán bộ hoặc công nhân của Công ty xây dựng nhà ở Hà Nội. Năm ấy chỉ mỗi nhà tôi và một hộ nữa có con nhỏ, còn lại đều là vợ chồng mới cưới.

Dãy nhà chúng tôi ở lúc đó nằm ngay sát hồ Giảng Võ, gần tường của triển lãm Giảng Võ, xung quanh là ruộng và cỏ hoang. Vậy nên mỗi khi đi làm, mẹ thường khóa cửa nhốt tôi trong nhà, có hôm rắn bò vào sát cửa, may mà không trèo lên cửa sổ vào nhà. Nhà có mỗi một chiếc giường, chẳng có đồ chơi gì nên tôi suốt ngày bám cửa sổ nhìn ra hồ. Sau này tôi có một đứa bạn hàng xóm, hai đứa thường nói chuyện vọng sang nhà nhau cho đỡ buồn.

Thời đó, đối với người ở phố thì khu tập thể rất “quê” vì vắng vẻ và xa trung tâm Hà Nội, còn với nhiều hộ gia đình được sống ở đây lại cảm thấy hạnh phúc. Dễ chịu nhất là mỗi hộ có một nhà vệ sinh, được dội nước nên sạch sẽ hơn nhiều so với hố xí hai ngăn ở phố. Và chưa kể ở phố, mấy chục con người chung một nhà vệ sinh, sáng nào cũng phải xếp hàng. Trẻ con thay vì chạy ra phố và ra đường, chúng tôi chạy dọc hành lang, lên tầng, xuống tầng, gọi nhau ơi ới.

Ngày đó chúng tôi chỉ học một buổi, trưa về nhà, nên cứ đến chiều là chúng tôi rủ nhau chơi chuyền hoặc ra bãi cỏ nghịch ngợm. Mỗi khu nhà có một cầu thang leo lên mái, chúng tôi rủ nhau trèo lên đó, bò qua các ngăn ô, trốn bố mẹ trèo lên nóc các nhà năm tầng rồi đi trên mái... may mà không đứa nào rơi xuống.
Giữa các dãy nhà lúc đó có khoảng không rộng nên nhiều gia đình quây luống, trồng rau. Sau này đất đắt người đông, người ta cơi nới xây nhà hết. Hồi đó mọi người trồng rau, trồng chuối, trồng ngô, và có vài cây táo, có nhà có giàn mướp trước cửa. Tôi lúc đó người hơi mập, chậm chạp, ở nhà gọi là Thủy “tồ”, các bạn gọi là Thủy “béo”, phân biệt với một bạn Thủy rất xinh. Tôi hơi chậm nhưng thích đi theo các bạn, lúc thì vặt hoa mướp, khi thì lén lút hái những quả táo non, vừa chát, vừa nhớt. Có lần, chúng tôi còn nhổ cả mấy cây mía non bị bố mẹ phát hiện phải ăn đòn nhừ tử. Thế nhưng hình như chúng tôi không biết đau, thỉnh thoảng có đứa khới lên là cả đám lại hùa theo khoái chí.

Vui nhất là khi chúng tôi được bố mẹ giao đi xếp hàng mua bánh mì, hoặc mua gạo. Cửa hàng gạo ở tận làng Giảng Võ, nhưng một đám năm bảy đứa 8, 9 tuổi đi cùng nhau mang nón mũ theo để xếp hàng, có khi xếp hàng từ sáng sớm đến chiều, không ăn cũng không đói.

Thời ấy, ăn chẳng có, nên hầu như nhà nào cũng nuôi một con lợn và mấy con gà trong nhà vệ sinh mỗi căn hộ. Lợn là để dành tiền cho các dịp mua sắm quan trọng. Gà là để ăn dần mỗi dịp giỗ chạp. Giờ nghĩ lại chỉ thấy buồn cười, nhà vệ sinh và nhà tắm bé toen hoẻn, đi vào là có lợn húc húc cái mõm, phải lấy tay đẩy ra, ngồi vệ sinh thì gà lao xao xì xoẹt ở đằng sau. Vậy mà ít ai quên được hình ảnh ấy!

Lũ chúng tôi học trường Kim Đồng ở bên kia hồ, hằng ngày đi qua công trường xây dựng khách sạn Hà Nội (thời điểm ấy nhà 11 tầng là cao nhất Hà Nội). Nghe mọi người nói lên đến tầng cao nhất của khách sạn có thể nhìn được khắp Hà Nội, vậy là khi công trình đang xây dựng, cầu thang cũng đã xong nhưng chưa có lan can, bộn bề gạch ngói, lũ học sinh chúng tôi đã bàn tính sau giờ học, trốn bác bảo vệ chạy lên. Công trình xây bốn phía mở mà chỉ có một bác bảo vệ trông coi nên thế nào cuối cùng chúng tôi cũng ùa lên được gần hết. Với chúng tôi, lên được tầng 11, đâu chỉ được ngắm hồ Hoàn Kiếm, Lăng Bác, Cột cờ Hà Nội… mà có hôm chúng tôi còn nhìn thấy núi phía chân trời, đón những ngọn gió xa. Với chúng tôi, không gian rộng mở ấy chính là thiên đường, là một thế giới diệu kỳ của tuổi thơ.

Khu nhà tôi ở gần hồ nên gia đình còn tận dụng những mảnh đất trống để trồng rau. Nào su hào, rau cải; có khoảnh sát hồ ngập nước thì trồng rau muống mùa hè, rau cần và cải xoong mùa đông, rồi trồng cả khoai nước nuôi lợn. Sau này lợn ăn không hết, mẹ cho tôi bán để lấy tiền mua sách, nên tôi chăm lắm. Tôi cũng thích trồng rau, mỗi sáng sớm ra vườn tưới rau, trước hồ đón gió mùa về mà thấy dạt dào cảm xúc. Chính những cơn gió mùa đông bắc ấy sau này luôn gợi lên nỗi nhớ cồn cào trong tôi khi xa Hà Nội.

Hồ Giảng Võ xưa có kè đá bao quanh nhưng có lúc mưa nhiều, nước ở hồ tràn vào khu nhà chúng tôi ở. Tôi nhớ mỗi lần nước tràn vào nhà bố tôi phải kê gạch rất cao để đi lại, thậm chí ăn uống phải ngồi trên giường. Năm 1984, nước lên lớn quá, ngồi trên giường còn nhìn thấy cả rắn nước lượn bên dưới, sợ phát khiếp.

Đầu năm 1980, hồ Giảng Võ do Công ty cá Hồ Tây nuôi cá và quản lý. Dịp trời nồm hoặc trở gió cá bỗng nhiên nổi lên hàng đàn, chỉ cần mang rổ, ngồi trên kè đá là vớt được cả rổ cá mè, cá chép. Thời bao cấp, thức ăn như cá thịt là món xa xỉ. Vì thế, cứ cá nổi là hàng xóm bảo nhau ra vớt, thức đêm để vớt, mỗi đợt như thế là chúng tôi được ăn no cá, cá kho, cá rán... ăn đến phát ngán, lúc đó cũng chưa có tủ lạnh nên phải ăn cho bằng hết. Ăn không hết, vớt được nhiều quá bà con mang ra chợ bán bớt kiếm ít tiền. Những người ở khu Cát Linh, Vạn Phúc, Đê La Thành cũng ra vớt, người đông như kiến. Cho đến khi Công ty cá Hồ Tây thuê đội bảo vệ và công an chặn các ngả đường, bà con vớt được đều bị tịch thu. Sau này, có đội bảo vệ và công an canh cá dựng cái lán ngay gần khu nhà tôi ở, khi họ tịch thu cá của người khác lại cho nhà tôi, nên khi cá nổi, tôi không phải đi vớt nữa vẫn được ăn cá.

Và khi tôi lớn hơn, mỗi lần bị mắng tơi bời, khóc sưng cả mắt nhưng rồi sáng hôm sau đi học, đi qua hàng hoa Ngọc Bút ở trước cửa nhà D1 Khu tập thể Giảng Võ mà hà hít hương thơm tôi chỉ thấy vui, chả nhớ gì chuyện của ngày hôm trước nữa./.

Họa sĩ Nguyễn Vi Thủy