Tác giả - tác phẩm

Cuốn sách đầu tiên viết về những tật xấu của người Việt

Thụy Phương 05:59 07/12/2023

“Với “Tật xấu của người Việt” Di Li đã cho thấy sự dũng cảm, lòng tự trọng và cả tình cảm yêu thương với quê hương xứ sở”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận định như thế trong buổi giao lưu ra mắt sách do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 6/12.

Chia sẻ về tập sách mới ra mắt này, nhà văn Di Li cho hay, cuốn sách được hình thành từ gợi ý của luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh. Tuy nhiên, phải mất tới 18 năm, qua một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu tìm hiểu về tính cách của dân tộc Việt, bao gồm cả tật xấu và tính tốt Di Li mới “trình làng” tác phẩm. “Trước đây, trong cuốn “Thị thành ký” tôi cũng đã đề cập tới một số những tật xấu của người Việt, nhưng chưa nhiều. Khi được luật sư Quỳnh Anh gợi ý, tôi bắt đầu gom nhặt các bài viết của mình đồng thời chỉnh lý và bổ sung thêm. Để việc đánh giá khách quan, tôi đã đọc và nghiên cứu rất nhiều các tư liệu của người nước ngoài viết về Việt Nam”, nhà văn Di Li chia sẻ.

Đón nhận tác phẩm của Di Li, luật sư Quỳnh Anh cho hay chị cảm nhận được sự khác biệt rất lớn giữa bản thảo đầu tiên mà Di Li nhờ đọc với cuốn sách vừa ra mắt độc giả. Tác phẩm cho thấy tính khoa học, sự dày công, hài hước hóm hỉnh và cả sự nhân văn, nhân hậu của người viết.

di-li-1.jpg
Nhà văn Di Li chia sẻ tại buổi ra mắt sách "Tật xấu của người Việt".

“Tật xấu người Việt” do Nhã Nam và Nxb Hội Nhà văn liên kết xuất bản, bao gồm 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam khinh nữ, hay cả nể, hay gây ồn ào, quan cách, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, ưa thành tích, thích làm thầy không thích làm thợ, sính bằng cấp, học chỉ để thăng tiến, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, tham lam chủ nghĩa, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí…

tat-xau-nguoi-viet-2.jpg
Cuốn sách đầu tiên phân tích những thói tật của người Việt.

Nhà báo Yên Ba trong lời giới thiệu cho cuốn sách đã nhận định: “Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm. Di Li đã bắt tay vào làm công việc nguy hiểm ấy từ nhiều năm qua. Là nhà văn nữ đầu tiên viết về chủ đề gai góc này tác giả phải vượt qua thách thức của người đi đầu tiên, đồng thời phải có một tâm thế cứng cỏi. Viết về chủ đề tật xấu của con người mà không sa vào cay nghiệt, hả hê, đòi hỏi cái tâm của tác giả phải bình hòa, điềm đạm. Viết để người đọc dừng lại trên trang sách mà ngẫm ngợi, tác giả phải đủ nhân hậu, đủ day dứt để cảm thông, tha thứ cho những thói hư tật xấu của con người nói chung và chính mình nói riêng”.

di-li-2.jpg
Quang cảnh buổi giao lưu ra mắt sách.

Tại buổi giao lưu ra mắt sách, nữ nhà văn dí dỏm chia sẻ, chị đã “nín thở chờ giấy phép” và rất vui khi cuốn sách được cấp phép xuất bản. “Tôi biết rằng cuốn sách này sẽ gây nhiều tranh cãi, bởi quan điểm là thứ không thể “định lượng”, nên sẽ không bao giờ có đáp số chung nhất. Hơn nữa, khi những quan điểm ít nhiều “va chạm” đến một số người, rất có thể sẽ gây chạnh lòng. Nhưng tôi thực bụng mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí nhất”, nhà văn Di Li bộc bạch.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tính xấu chính là vật cản đối với sự phát triển văn minh của đất nước. Cũng bởi thế, khi đọc cuốn sách này ông tin tưởng với sự phân tích khoa học và nhân văn của tác giả, người đọc sẽ không nổi giận hay tự ái, ngược lại sẽ suy nghĩ lại, điều chỉnh lời ăn, tiếng nói, hành động để những tật xấu ngày một nhỏ đi, biến mất.

Còn PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương thì cho rằng cuốn sách chính là tấm gương để mọi người cùng soi chiếu, khắc phục những tật xấu để hướng tới những điều tốt đẹp hơn./.

Nhà văn Di Li sinh năm 1978, được biết đến là một cây bút đa tài, với sức viết đáng kể khi cho ra mắt hàng chục đầu sách thuộc đủ thể loại, và đặc biệt thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám. “Tật xấu người Việt” là cuốn sách thứ 27 của nữ nhà văn. Cuốn sách nằm trong bộ đôi sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại “Tật xấu người Việt” và “Tính tốt người Việt” (đang được tác giả ấp ủ hoàn thiện trong thời gian tới).

Thụy Phương