Đời sống văn hóa

Trưng bày chuyên đề "Thang âm cuộc chiến" kỷ niệm 51 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Hải Đô 19:56 06/12/2023

Sáng 6-12, tại Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến”, nhân kỷ niệm 51 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12-1972/12-2023); 50 năm trao trả phi công Mỹ (1973 - 2023).

hoa-lo-1.jpg
Hình ảnh Hà Nội bị bom Mỹ tàn phá cuối năm 1972 được giới thiệu tại triển lãm.

Trưng bày nhằm giúp công chúng hiểu hơn sự khốc liệt của những cuộc tập kích chiến lược bằng không quân và hải quân Mỹ khi leo thang phá hoại miền Bắc; tái hiện cuộc sống, sinh hoạt, lao động của quân dân Hà Nội (cuối năm 1972) với tinh thần đoàn kết chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vượt qua mất mát, đau thương, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Những quả chuông nhỏ gắn chữ “Merry Christmas,” cây thông Noel cùng bánh kẹo bày trên bàn… Đó là không khí đón Giáng sinh trong Nhà tù Hỏa Lò được Trung tá Không quân Hervey Studdiford Stockman (sinh năm 1922) vẽ lại; Những bức tranh ông Stockman vẽ khi bị giam tại Hỏa Lò đang được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhân kỷ niệm 51 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2023) và 50 năm trao trả phi công Mỹ (1973-2023).

Trưng bày cũng giới thiệu về cuộc sống của các phi công Mỹ trong Trại tạm giam Hỏa Lò cùng mong muốn chấm dứt chiến tranh để trở về với gia đình; câu chuyện về những ngày trao trả phi công Mỹ cách đây hơn 50 năm; những nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh cùng với sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động ngoại giao nhân dân.

Tại buổi giới thiệu trưng bày “Thang âm cuộc chiến”, du khách được gặp gỡ 2 nhân chứng lịch sử là: Đại tá Nghiêm Đình Tích, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Đài trưởng đài Radar P35, Đại đội 45, Trung đoàn Radar 291, Quân chủng Phòng không Không quân và ông Nguyễn Văn Hùng, pháo thủ số 1, Trung đội tự vệ nhà máy cơ khí Lương Yên tham gia bắn rơi 1 máy bay F111, tối 22/12/1972.

Đặc biệt, tại trưng bày, du khách còn được lắng nghe những lời chia sẻ của ông Thomas Eugene Wilber, con trai Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber người bạn từ bên kia chiến tuyến, đã có mặt và chia sẻ những cảm nhận vô cùng xúc động về quãng thời gian cha ông ở Việt Nam, bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò.

Trưng bày “Thang âm cuộc chiến” chia thành 3 nội dung: “Khúc ca chiến thắng,” “Dòng ký ức” và “Chung tay hàn gắn.”.

“Khúc ca chiến thắng” kể câu chuyện Hà Nội đánh B52 như thế nào, người Hà Nội khi đó đã thực hiện việc "sơ tán cũng là đánh địch" ra sao. Nội dung “Dòng ký ức” tái hiện đời sống của những phi công Mỹ trong trại giam Hỏa Lò và các trại tạm giam khác ở miền Bắc. Trong khi đó, phần “Chung tay hàn gắn” giới thiệu những hoạt động hợp tác tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích, khắc phục hậu quả bom mìn, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh từ 1988 đến nay.

Trưng bày kéo dài đến ngày 30/6/2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

Hải Đô