Hoạt động hội

“Nghệ thuật thơ dịch xuôi” - phải đủ hiểu và yêu

Yến Ly 06/12/2023 19:53

Văn học dịch là thành phần không thể thiếu trong bức tranh phong phú của nền văn học Việt Nam. Việc dịch văn học nước ngoài sang tiếng Việt chưa bao giờ dễ dàng, và nhất là với dịch thơ. Buổi tọa đàm “Nghệ thuật thơ dịch xuôi” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sáng ngày 6/12 đã đề cập tới rất nhiều những vấn đề của thơ dịch từ nguyên tắc dịch thuật, vai trò của dịch giả đến phương pháp để có một bản dịch mang đến những rung cảm cho người đọc...

Tọa đàm đã thu hút sự tham gia thảo luận của các văn nghệ sĩ đồng thời là các dịch giả như: Bằng Việt, Hà Phạm Phú, Thúy Toàn, Lê Bá Thự, Nguyễn Hữu Thăng, Lê Đức Mẫn, ThS. Chu Thị Thu Phương, Thái Xuân Nguyên, Nguyễn Đình Nhữ, Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Xuân Hòa, Linh Chi…

qc.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Những nguyên tắc cơ bản của dịch thơ

Trong dịch thuật, có 3 tiêu chí chính là “tín, đạt, nhã”. Đây là 3 nguyên tắc do Nghiêm Phục (thời nhà Thanh, Trung Quốc) đề xuất và cho đến nay vẫn được nhiều người thừa nhận. Trong lịch sử văn học Việt Nam, ngoài Đoàn Thị Điểm từng dịch Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn) từ bản Hán sang bản Nôm thể song thất lục bát thì tới thế kỷ 19 và sau này đã có sự đóng góp của các thế hệ dịch giả như: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Hoàng Hưng, Đoàn Tử Huyến, Thúy Toàn, Lê Bá Thự...

Theo nhà văn, dịch giả Hà Phạm Phú - nguyên Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn Việt Nam), “tín” là yêu cầu cơ bản nhất, là sự tin cậy, nghĩa là bản dịch cần giữ nguyên nghĩa gốc; “đạt” là mức độ khi những biểu hiện/ diễn đạt trên bản dịch mà người đọc có thể hiểu và lý giải được; “nhã” là vẻ đẹp và hay của hình và ý trong tác phẩm, là vươn tới chất thơ nhất trong tác phẩm.

1.jpg
Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo các văn nghệ sĩ, dịch giả.

Nhà văn, dịch giả Hà Phạm Phú cho rằng, bản dịch cần chuyển tải đúng và đủ thông điệp nội dung bản gốc, quan niệm nghệ thuật của tác giả; người dịch không được tùy tiện sử dụng trí tưởng tượng chủ quan khiến cho bản dịch đi chệch ý định ban đầu của tác giả.

“Theo tôi, khi dịch thơ thì người dịch phải biết “liệu cơm gắp mắm”, phải nắm được hồn cốt, nội dung, bút pháp, phong cách, thể loại, nhịp điệu, nhạc điệu của bài thơ nguyên tác, để lựa chọn thể thơ hiệu quả nhất, đắc địa nhất cho bản dịch tiếng Việt của mình. Dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt rất khó. Xét cho cùng, bài thơ dịch nào cũng có cái được và cái mất, chẳng thể toàn bích. Tùy theo cái đích nhắm tới của mình mà người dịch chọn thể thơ tiếng Việt thích hợp nhất, hiệu quả nhất để chuyển ngữ. Chọn phương pháp dịch cũng là quan điểm hệ trọng khi dịch một bài thơ”, dịch giả Lê Bá Thự chia sẻ.

Dịch thơ - cuộc dung hòa văn hóa

Đi qua những thời kỳ bắt nhịp với các trào lưu trên thế giới, thơ ca Việt đương đại phổ biến ở thể thơ tự do. Vì thế, thơ dịch cũng theo đó mà có nhiều phá cách trong hình thức/ thể loại và đã có những thành công nhất định. Dù vậy, các thể thơ truyền thống như lục bát, song thất lục bát vẫn có vị trí nhất định trong văn học dịch. Bởi sự quen thuộc, gần gũi trong văn hóa người Việt, các tác phẩm dịch khi vận dụng các thể thơ truyền thống này khiến người đọc dễ thuộc và ghi nhớ lâu hơn.

2(1).jpg
Dịch giả, nhà thơ Bằng Việt chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Lấy ví dụ Tản Đà dịch Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu và các trường hợp tương tự, nhà thơ Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn Việt Nam) khẳng định: “Cho đến nay, kể cả từ Đông sang Tây, với nhiều “tạng thơ” đa dạng, khác biệt nhau, nếu nó vẫn mang chất thơ đích thực, hồn thơ đích thực, thì chúng ta có thể tin rằng, các thể thơ truyền thống Việt (nổi bật là lục bát và song thất lục bát) luôn đủ tiềm năng dung nạp nó, đủ chỗ cho nó ký thác mọi điều. Và các thể thơ này cũng hoàn toàn không bỏ lỡ cơ hội chắp cánh cho nó bay cao bay xa hơn, với đủ niềm hứng khởi kỳ diệu của các khoảnh khắc thăng hoa…”.

pct.jpg
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Nhiều nhà chuyên môn đều công nhận rằng dịch thơ khó hơn dịch văn xuôi. Bởi ngoài việc chuyển tải nội dung, tinh thần, dụng ý nghệ thuật trong bản gốc, thì ở bản dịch cần có chất thơ. Có thể nói, dịch giả dịch thơ cũng là một nhà thơ, một người đồng sáng tạo với tác giả, ít nhất là ở phần sáng tạo trong ngôn ngữ tiếng Việt. Giống như dịch giả Nguyễn Hữu Thăng (Chủ nhiệm CLB Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội) nói, “bản thân khái niệm dịch thơ đã bao gồm hai yêu cầu là dịch và thơ” - Dịch thì phải trung thành với nguyên tác về nội dung và hình thức, đảm bảo các nguyên tắc dịch thuật; thơ chính là chất thơ, là mang đến những rung cảm mãnh liệt cho người đọc trong bản dịch.

“Bên cạnh “tín, đạt, nhã”, chúng ta có thể tham khảo thêm 4 tiêu chí “thần, hình, vận, hợp” của dịch giả Linh Chi”, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc nói. Theo đó, thần là hồn cốt của bài thơ, là phong cách tác giả, đặc trưng văn hóa và nội dung tối cao mà tác phẩm muốn mang đến. Hình, gần với tín, là bao gồm tín và hình thức trình bày của bài thơ. Vận là bao gồm nhạc tính, vần điệu của bài thơ. Hợp là sự phù hợp về văn hóa trong những tình huống tương xứng, và chuyển ngữ sao cho phù hợp với văn hóa người Việt.

3.jpg
Các văn nghệ sĩ - dịch giả chụp ảnh kỷ niệm sau buổi tọa đàm.

Tổng kết buổi trò chuyện, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết, đã có 17 tham luận gửi về Ban Tổ chức tọa đàm. Đó là những quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm của các văn nghệ sĩ đồng thời là các dịch giả đương đại. Các dịch giả đều có những quan điểm cá nhân trong quá trình dịch. Dù là quan điểm gìn giữ và phát huy chất thuần Việt hay là sáng tạo phá cách trong bản dịch thì nội dung các tham luận đều tập trung vào vấn đề cốt lõi của thơ dịch và nhắc tới 3 nguyên tắc “tín, đạt, nhã”. Điều quan trọng để trở thành dịch giả, không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn phải giỏi tiếng mẹ đẻ, am hiểu văn hóa nơi tác giả sinh sống và am hiểu văn hóa Việt để chuyển ngữ sao cho phù hợp trong những hoàn cảnh tương xứng./.

Yến Ly