Tác giả - tác phẩm

"Không gì ngoài cơn mưa”: Mộng tưởng và khao khát tự do

Võ Lý Minh Tâm 20:40 01/12/2023

“Không gì ngoài cơn mưa” là tập truyện ngắn đầu tay của Triều Dương, một cây bút Gen Z đầy năng lượng sáng tạo và ngập tràn nhiệt huyết. Sách do Nxb Dân trí ấn hành, ra mắt năm 2023.

Những bỏ ngỏ cho một khởi đầu mới

Cuốn sách nhỏ xinh với 9 truyện ngắn, Không gì ngoài cơn mưa của Triều Dương vẫn đủ khả năng khiến người đọc choáng ngợp với những phân mảnh mới lạ, đòi hỏi sự nhìn nhận lại thế giới chúng ta đang sống dưới những chiều kích, góc độ khác. Ở đó, Triều Dương đã đặt những nhân vật trong thế giới riêng tư của những ảo mộng, chấn thương, sự phản tỉnh và khao khát tự do.

Không gì ngoài cơn mưa cũng là nhan đề một tác phẩm trong tập truyện ngắn này. Chuyện kể về một nữ diễn viên nổi tiếng chấp nhận tham gia một bộ phim với kịch bản kỳ lạ, của một đạo diễn cũng kỳ lạ và bí ẩn không kém sau cái chết đột ngột của chồng cô.

Trong quá trình quay phim, cô dần nhận ra thế giới hư cấu và hiện thực đang nhập lại làm một, mời gọi cô bước qua những lằn ranh nhập nhằng. Bộ phim đó vừa là cứu cánh trong chuỗi ngày bị truyền thông dồn ép, vừa là sự phản chiếu thế giới riêng tư, buộc cô nhìn lại bản thân và những gì mình đang trốn chạy.

ra-mat-sach.jpg
Tác giả Triều Dương (bên phải) tại buổi ra mắt sách "Không gì ngoài cơn mưa".

Triều Dương cũng chú trọng khám phá thế giới nội tâm sâu kín của nhân vật. Bên cạnh yếu tố siêu thực, câu chuyện còn là những suy tư của nữ diễn viên về người chồng. Đó cũng là người bạn thân nhất mà cô đã kết hôn chỉ để giúp anh che giấu ám ảnh quá khứ, về cuộc đời “như một bóng ma” của chính mình, về tình yêu chân thật và cay đắng với điện ảnh, về cách truyền thông không ngừng phơi bày những khía cạnh riêng tư nhất, dễ tổn thương nhất của cô sau bi kịch cá nhân…

Kết thúc của bộ phim và bản thân câu chuyện này đều được bỏ ngỏ. Dường như những truyện ngắn còn lại cũng tương tự – đó là cách diễn giải khác cho những sự lãng quên, tái ngộ, rời bỏ, chết đi. Điểm chung của chúng là đều mở ra một khởi đầu mới. Ở đó, một thế giới mới thực sự tồn tại, thôi thúc ta bước tiếp, suy nghĩ tiếp, vì tương lai là thứ chúng ta chẳng thể nắm được trong tay, bất kể là của ai.

“Ai cũng có vô vàn bí mật. Nhưng dù trong bóng tối, tớ vẫn nhìn rõ đôi mắt cậu. Chúng giống đôi mắt tớ, đôi mắt mà đã lâu rồi tớ không còn thấy trong gương. Những đôi mắt tìm kiếm điều gì đó không có thật, một điều gì đó có thể lấp đầy nỗi trống trải trong tâm hồn. Cậu có thể thấy buồn cười, nhưng tớ thực sự đã thấy điều đó trong mắt cậu, nhất là khi cậu nhìn tớ. Người ta rất hiếm khi thực sự thấy được nhau.

Một ngày nào đó, nếu có thể, hãy đến bắt chuyện với tớ nhé. Tớ rất sẵn lòng.”

(Trích trong truyện ngắn Một ngày khác).

Mở đầu mỗi truyện ngắn, các nhân vật có xu hướng cô đơn và sẽ tiếp tục cô đơn – họ thoải mái với sự trốn tránh của mình, đồng thời cảm thấy đau khổ trong thế giới mình đang trú ngụ. Mối liên kết giữa người với người cũng rất mỏng manh: Họ có thể nhìn thấy nhau hoặc không, nhưng vẫn chọn không bước vào thế giới của nhau, cùng lúc lại kéo đối phương vào thực tại mà họ ở đó. Họ phủ nhận sự ích kỷ của bản thân, dù nó vốn dĩ đến từ cô đơn và bất an, lo sợ những thay đổi đến từ điều mình không thể kiểm soát.

Tình yêu không phải đề tài chủ đạo của tác phẩm, nhưng lại là thứ tồn tại xuyên suốt: Các nhân vật dùng tình yêu làm bến đỗ, nhân danh tình yêu để chạy trốn hiện thực, bao dung trước hiện thực, tìm về và hòa giải với hiện thực. Nhưng sau cùng, tình yêu cũng không là ưu tiên trong những lựa chọn của họ. Trải qua một chuỗi những sự kiện hư thực bất phân, có thể từ giấc mơ, từ quá khứ hay mộng tưởng, các nhân vật buộc phải tự đối diện với bóng tối hay bản ngã được giấu kín, tự tìm cách viết tiếp câu chuyện dang dở và độc nhất trong đời sống thực.

609ba434a39d75c32c8c2-1-.jpg
Cuốn sách "Không gì ngoài cơn mưa".

Lối viết mang ảnh hưởng từ điện ảnh

Dường như lối viết của Triều Dương có một sự ảnh hưởng sâu sắc từ điện ảnh. Các truyện ngắn được tác giả xây dựng với nhiều điểm nhìn và kết cấu truyện lồng truyện, vừa khiến thế giới trở nên đa diện, gợi mở những góc nhìn khác từ phía người đọc; vừa phản ánh sự vô hạn của các khả năng ở hiện thực, cách con người vượt qua nỗi đau và chịu trách nhiệm cho các lựa chọn.

Thế giới trong truyện được thiết lập kỳ công và đa dạng, có những điểm chung tạo thành xương sống cho tổng thể tác phẩm. Đó là mối quan hệ giữa giấc mơ và quá khứ bị vùi lấp, giữa sự kìm nén và khao khát tự do, hay nhiều hơn thế.

Bên cạnh đó, dù được viết với ngôn từ dễ hiểu, dễ cảm nhận, tác phẩm có nhiều điều đáng để bàn ở khía cạnh cấu trúc. Yếu tố trinh thám – ly kỳ đi kèm với nhịp điệu nhanh, gấp rút, nhấn mạnh cảm giác hồi hộp và sự không đáng tin của người kể chuyện. Dẫu thế, thời gian trong tâm tưởng của nhân vật cũng là điểm sáng cần được chú ý: Những dòng ý thức liên tục nối đuôi nhau, khiến không gian vốn chỉ có một người càng trở nên chật hẹp.

Cách các tác phẩm văn học xuất hiện lấp lánh cũng khiến người viết hứng thú: Màu thời gian từ một kí ức tủn mủn ngọt ngào đã trở thành ám ảnh cả đời. Câu thơ ngắn của thi sĩ Du Tử Lê thế mà có thể bao trọn cả nỗi sợ của một con người, từ đó thấy thêm tầng nghĩa về mối quan hệ giữa truyện kể và người đọc. Lấy ý từ nhân vật ở Bên dòng sông, những câu chuyện luôn có thể giúp chúng ta nhìn thấy nhau, cũng như nhìn thấy chính mình ở bên trong.

Thú vị là người viết bài này đã không ít lần đặt dư chữ “còn” trong vô thức mỗi lúc nhắc tới nhan đề truyện. Và điều này đã dẫn tới một ý nghĩ: “Không còn gì ngoài cơn mưa” thể hiện sự bất lực trước thực tại. Thế nhưng, “Không gì ngoài cơn mưa” lại cho thấy một tâm thế chủ động, khi chúng ta có quyền lựa chọn, sẵn sàng hành động và chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó./.

Tác giả Triều Dương, tên thật là Nguyễn Minh Trang, sinh năm 2001 tại Hà Nội. Dù mới xuất hiện trên văn đàn trong vài năm gần đây nhưng Triều Dương đã có nhiều bài viết bình luận văn hóa nghệ thuật, mảng sáng tác trên các chuyên trang về văn học nghệ thuật.

Võ Lý Minh Tâm