Văn hóa – Di sản

Phan Phu Tiên – người mở đường sưu tập thi ca

Nguyễn Vinh Phúc 30/11/2023 17:49

Phan Phu Tiên tự Tín Thần, hiệu Mặc Hiên, người làng Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo một số sách cũ thì vào năm Bính Tý (1396) đời Trần Thuận Tông, ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) và làm việc ở Quốc sử viện và Quốc Tử Giám.

Song, theo các sách Đăng khoa lục thì năm 1396 chưa có thi Hội, chỉ mới có thi Hương, sang năm 1397 mới thi Hội nhưng không có sách nào ghi được tên họ các Thái học sinh. Riêng sách Đinh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa thì ghi Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh vào cuối đời Hồ. Trong 7 năm ngự trị, nhà Hồ chỉ mới mở hai khoa thi Hội: khoa mở năm 1400 và khoa năm 1405. Riêng khoa năm 1405, thí sinh mới qua kỳ thi tuyển ở bộ Lễ, chưa kịp thi Hội thì xảy ra cuộc xâm lược của quân Minh. Nhưng dù sao Phan Phu Tiên cũng đã đỗ Thái học sinh, vì nếu không thì không thể có tên trong Đăng khoa lục, duy có thời gian đỗ là chưa rõ. Có tài liệu viết ông đỗ Thái học sinh cùng khoa với Hoàng Quán Chi người làng Cót thì không phải, vì tất cả các sách Đăng khoa lục đều ghi họ Hoàng đỗ khóa 1393.Có tài liệu ghi rằng “con cháu (Phan Phu Tiên) nay không còn ai nữa”. Không đúng! Họ Phan của ông hiện vẫn là một trong 5 họ lớn ở làng Đông Ngạc (Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng), con cháu đầy đàn, lắm cử nhân, tiến sĩ. Riêng ở đầu thế kỷ XX có Phan Văn Trường, du học Pháp và đỗ tiến sĩ luật khoa, làm luật sư tại tòa thượng thẩm Paris, từng bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam vì có cảm tình với chủ nghĩa Mác, đã giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc nhiều, khi Nguyễn Ái Quốc mới bước vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

phan-phu-tien.jpg
Tượng thờ Phan Phu Tiên tại nhà thờ họ Phan ở làng Đông Ngạc, quê hương của ông.

Điều đáng băn khoăn là ở chỗ này: không hiểu làm sao mà một người đỗ đạt và làm quan sớm như vậy mà trong ngót 30 năm, từ khi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần cho đến khi Lê Lợi giành lại được độc lập (1400 - 1428), con người ấy ở đâu và làm gì? Không có một sách vở nào nhắc đến.

Tới năm 1429, năm thứ hai sau chiến thắng giặc Minh, Lê Thái Tổ cho mở khoa thi Minh kinh để chọn nhân tài, Phan Phu Tiên ra dự thi và đỗ thứ ba. Lại có tài liệu như Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn cho rằng. Ông thi đỗ khoa Hoành từ một năm trước khoa này.

Như vậy vấn đề tuổi tác cũng như việc thi đỗ của Phan Phu Tiên dưới thời Lê cũng chưa được khẳng định, chỉ biết là sau thi đỗ, Phan Phu Tiên được bổ làm quan Quốc sử viện. Thời gian này vâng mệnh vua, ông biên soạn Việt âm thi tập, bộ hợp tuyển văn học đầu tiên của nước ta. Năm 1433, sách cơ bản đã soạn xong nhưng ông lại được bổ đi làm An phủ sứ ở Thiên Trường, rồi Hoan Châu nên chưa thể khắc ván in sách. Phải đợi đến năm 1459, đời Lê Nhân Tông, sau khi được Thị ngự sử Chu Xa (Tiến sĩ năm 1433) biên tập lại, bổ sung mới có dịp khắc ván in sách. Theo lời tựa của Lý Tử tấn (Tiến sĩ năm 1400) thì sách có hơn 700 bài thơ, song đếm theo mục lục thì có 624 bài thơ của 119 tác giả thuộc đủ mọi tầng lớp, vua, quan, danh nho, cao tăng… từ đời Trần đến đời Lê sơ. Trải bao năm tháng sách bị mất đến một nửa, nay chỉ còn 288 bài của 54 tác giả.

Gọi là “Việt âm” là có ý nói tuy thơ viết bằng chữ Hán nhưng lại là của người Việt và phát âm theo kiểu Việt. Phan Phu Tiên đã nói rõ ý tưởng khi soạn sách trong bài Tựa viết năm 1433:

“.. Gần đây vua chúa, sĩ phu, công khanh, không mấy ai không lưu lại chí hướng học thuật của mình, nhân việc ngâm vịnh hàng ngày, mà mô tả tâm tư của mình, do đó các tập thơ truyền ở đời, nhưng tiếc thay, qua cơn binh hỏa, chẳng còn được mấy...

... Phu Tiên này chẳng nề nông cạn, vốn xưa nay nghe được những gì về thơ, đều ghi lại tất cả, dù đó là những bài thơ hay của người Nam ở trong nước hay ở Bắc mà có quan hệ đến nước nhà, hoặc là những câu bình dị của các bậc hiền ngu, đem gộp lại một số gọi là Việt âm thi tập. Sau khi có các ý kiến của các bậc quân tử, tập này được chia ra thành từng quyển, sắp xếp cẩn thận, vì sợ sau này để rơi rụng đi những hạt châu trong biển xanh mờ mịt...”.

Như vậy, ông là người đầu tiên làm hợp tuyển thơ của Việt Nam. Trên cơ sở đó mà sau này mới có được các hợp tuyển khác của Dương Đức Nhan (Tinh tuyển chư gia), của Hoàng Tụy Phu (Quần hiền phú tập), của Hoàng Đức Lương (Trích diễm thi tập) ...

Khoảng trên chục năm sau Phan Phu Tiên mới được gọi về Thăng Long giữ chức Bác sĩ ở Quốc Tử Giám. Năm 1455, vua Lê Nhân Tông giao cho ông biên bộ Đại Việt sử ký tục biên, nối tiếp bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, viết từ Trần Thái Tông đến khi giặc Minh rút quân về nước.

Về thơ, Phan chỉ còn để lại ba bài được chép trong Toàn Việt thi lục. Một bài là lời khuyên lứa trẻ chịu khó học tập, có nhan đề Vi nhân cầu giáo. Một bài tặng bạn họ Lương mãn hạn làm quan, đề cao chí hướng vươn đến cái cao đẹp, tránh nghĩ đến cá nhân, có nhan đề Đương đạo Lương phản quan nhậm mãn. Một bài tặng nhà văn, nhà thơ, nhà chính khách đại tài: Ức Trai Nguyễn Trãi, khi ông được giao chức Gián nghị đại phu:

Chân nguyên hội hợp hạnh phùng thần,

Tả trị danh nho hi hữu hân.

Ấu học, tráng hành, hành thị đạo,

Sinh tiên, tri giác, giác tư dân.

Diêm mai đinh nại điều hòa mỹ,

Lễ nhạc, quy mô, chế độ tân.

Tứ hải phương kim quy nhất thống,

Thùy tri lô dã ngoại đào quân.

(Hạ Gián nghị Đại phu Nguyễn Ức Trai)

Vân Trình dịch thơ:

Mở đầu dựng nước thuở hồn vinh,

May gặp danh nho giúp trị bình.

Trẻ học, lớn làm, làm đạo lớn,

Sinh khôn sớm biết, biết dân tình.

Muối mơ, sanh vạc điều hòa khéo,

Lễ nhạc, thước khuôn sắp đặt tinh.

Bốn bể nay đà về một mối,

Ai hay lò tạo có tiên sinh?

(Mừng quan Gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai)

Phan Phu Tiên thực sự là nhà nho có tâm huyết với học thuật nước nhà. Về văn chương, ông là người đầu tiên có ý thức sưu tập thơ văn, biên soạn hợp tuyển. Công việc của ông về sau được Chu Xa, Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích... nối tiếp đời này qua đời khác. Về sử, ông là người nối chí Lê Văn Hưu đời Trần, mở đầu việc viết sử đời Lê, dọn đường cho nhóm Ngô Sĩ Liên hoàn thành bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Chỉ với hai công tích đó, Phan Phu Tiên cũng đã đáng được coi là danh nhân của Thăng Long - Hà Nội./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Vinh Phúc