Văn hóa – Di sản

Trịnh Doanh – văn võ song toàn

Hà Thanh Vân 29/11/2023 08:49

Trịnh Doanh (1720 - 1767) quê ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con trai thứ của chúa Án Đô Vương Trịnh Cương (1686 - 1730), em ruột chúa Uy Nam vương Trịnh Giang (1711 - 1761).

Năm 1736 giữ chức Thái úy, Tiết chế quân thủy bộ các xứ, tước An Quốc công, rồi được mở phủ Lượng quốc để nhiếp chính, thay Trịnh Giang mỗi tháng ba lần triệu kiến trăm quan ở Trạch các, nghe tâu trình công việc.

Trịnh Giang, hiệu Uy Nam vương, làm chúa “xa xỉ và hung ác”, giết hại vua và công thần, bắt phu phen tạp dịch, thuế khóa nặng nề, xây dựng nhiều cung quán chùa chiền nguy nga, tốn kém, nông dân mất cơ nghiệp, khởi nghĩa khắp nơi. Sau khi Trịnh Giang trao quyền nhiếp chính cho Trịnh Doanh, Hoàng Công Phụ đem lòng ganh ghét Doanh vì Doanh có tài văn võ, lại được lòng các quan trong ngoài. Hoàng Công Phụ tìm cách muốn tâu bày hạn chế quyền lực của Doanh, ông hạ lệnh cho triều quan việc gì với Doanh, không được dùng chữ “bẩm” mà phải dùng chữ “thân” (trình). Biết Hoàng Công Phụ muốn hại mình, Doanh khôn khéo giữ gìn kín đáo và nín nhịn. Năm Canh Thân (1740), Trịnh Doanh thay Trịnh Giang nối nghiệp chúa, lấy hiệu là Minh Đô Vương, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương. Trịnh Giang ở cung Thưởng Trì thêm 20 năm nữa mới mất, thọ 51 tuổi, được truy tôn là Thuận vương, hiệu Dụ Tổ.

minh-do-vuong.jpg
Mộ Minh Đô Vương Trịnh Doanh sau ngày xây dựng ( nhìn từ phía sau).

Trịnh Doanh là vị chúa thứ bảy dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Phò giúp ông lên ngôi chúa có công lớn của Trịnh thái phi họ Vũ, các đại thần Nguyễn Quý Cảnh, Nguyễn Công Thái, Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Đình Hoàn... Ở ngôi chúa, Trịnh Doanh ép Lê Ý Tông nhường ngôi cho Lê Hiển Tông (Thái tử của vua Thuần Tông), tôn Lê Ý Tông làm Thái thượng hoàng ở điện Càn Thọ. Tờ chiếu nhường ngôi của vua Ý Tông có đoạn viết: “Nghĩ phương xa có nhiều kẻ mạnh, lòng càn rỡ, muốn cho trong ngoài bờ cõi được yên vui, thì chính là theo lễ nên tôn dòng con trưởng, để trọng tôn thống, mà thu phục lòng người”. Lê Hiển Tông là ông vua trị vì lâu nhất lịch sử phong kiến nước ta.

Lúc Trịnh Doanh cầm quyền, trong nước nhiều biến loạn, ông đã phải sắp xếp lại mọi việc để ổn định tình hình chính trị: chấn chỉnh bộ máy quan lại, cho đặt ống đồng trước cửa phủ để dân chúng có thể bỏ thư tố giác quan lại sai trái, bãi bỏ nhiều chiếu chỉ đã được ban thời Trịnh Giang, thực hiện nhiều sắc chỉ được ban hành dưới thời Trịnh Cương (đã bị Trịnh Giang bỏ), cho giảm bớt việc xây dựng chùa chiền, trả lại ruộng đất cho nông dân, ưu đãi các tướng sĩ; trấn áp và đánh bại nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng ngoài; trọng dụng các danh sĩ như Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn, Hoàng Nghĩa Bá, Nguyễn Quý Cảnh, Nguyễn Quang Nhuận, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Công Thái, phong lại quan tước và truy tặng Thái bảo cho danh sĩ Lê Anh Tuấn... Các biện pháp của Trịnh Doanh giúp đất nước ổn định phần nào. Phan Huy Chú khen thời Trịnh Doanh ở ngôi là thời thịnh trị. Tuy nhiên, sử sách cũng lên án nhiều sai lầm nghiêm trọng của Trịnh Doanh như mới lên ngôi chúa ông đã hạ lệnh đốt hết sổ sách thư từ, để dẹp được loạn ông cho thu nhặt hết chuông khánh trong các chùa để đúc binh khí và quá tin dùng quân Thanh Nghệ để sau này nảy sinh họa kiêu binh. Chính chúa sau Trịnh Doanh đã phải hứng chịu hậu quả ấy.

Theo Trần Thái Bình, năm 1746 Trịnh Doanh ra 7 điều lệnh cho quan Đề lĩnh thi hành: Cấm trong nhà dung túng cho bọn gian tế trú ngụ, cấm lính tuần hành trong thành làm sự càn bậy nhốn nháo, gây mất trật tự trị an, khách buôn bán không được ngủ đêm trong thành, 8 cửa thành khi mở khi đóng phải đúng giờ giấc. Để bảo vệ cho kinh đô Thăng Long, năm 1749 chúa Trịnh Doanh ra lệnh điều động dân phu đắp lại vòng thành ngoài, dựa theo thành Đại La cũ, gọi là thành Đại Đô. 16 cửa ô của thành mới là: ô Cầu Giấy, ô Bưởi, ô Thạch Khối, ô Đông Hà, ô Trường Thanh, ô Mỹ Lộc, ô Tây Long, ô Thanh Lãng (Đống Mác), ô Đông Hà (sau này gọi là ô Quan Chưởng) ở phía Đông và phía Bắc; ô Thanh Bảo (hay Vạn Bảo - nay ở cuối phố Kim Mã), ở phía Tây; ô Yên Thọ (Cầu Dền), ô Kim Hoa (Kim Liên, Đồng Lầm), ô Thịnh Quang (Chợ Dừa) ở phía Nam” (http://thanglong.chinhphu.vn).

Năm 1740, Trịnh Doanh trực tiếp cầm quân đánh nghĩa quân Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao ở Nam Trực, Nam Định, xóa tên xã Ngân Già - quê hương của Vũ Đình Dung, đổi tên thành xã Lai Cách. Năm 1743, Trịnh Doanh sai Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Đình Trọng đem binh đến đánh bại Hữu Cầu ở Xương Giang. Năm 1746, quận He xin hàng, Trịnh Doanh thuận cho và lại phong cho làm Hướng Nghĩa hầu. Nói chung, thời Trịnh Doanh cầm quyền, các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương, Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Dương Hưng... đều bị đánh tan. Năm 1751, Trịnh Doanh hạ lệnh miễn thuế đánh cá cho dân biển, cứu tế những nơi mất mùa, đặt quan khuyến nông ở các trấn nhằm đôn đốc việc khai khẩn đất hoang, chăm lo đê điều, có chính sách ưu đãi quân lính, cho lập Võ miếu để khích lệ tinh thần thượng võ...

Năm 1755, Trịnh Doanh được vua Lê gia phong Thượng sư Thượng phụ anh đoán văn trị võ công Minh Vương; ông còn muốn thiên đô sang Gia Lâm, nên hạ lệnh sửa sang xây dựng cung miếu ở Cổ Bi. Tháng Giêng năm Đinh Hợi (1767), Trịnh Doanh mất, thọ 48 tuổi, ở ngôi chúa 27 năm. Sau khi qua đời, Trịnh Doanh được tôn là Nghị Tổ Ân Vương.

Trịnh Doanh gồm tài văn võ, sáng tác nhiều thơ Nôm. Tác phẩm gồm có: Càn Nguyên ngự chế thi tập, Minh Đô Vương thi tập, Bình Tây thực lục...

Minh Đô Vương thi tập do Trịnh Sâm và Thị thư Viện Hàn lâm biên tập lại và đề tựa, sách gồm hơn 100 bài thơ. Càn Nguyên ngự chế thi tập (Tập thơ chế ở ngự cung Càn Nguyên) do Trịnh Doanh soạn, Trịnh Sâm đặt tên, Phan Lê Phiên biên soạn và viết lời tựa. Sách này chia làm 4 quyển, gồm 263 bài, trong đó có 241 bài thơ Nôm, 22 bài chữ Hán. Tập thơ có đề tài phong phú. Quyền 1 gồm 84 bài mừng tặng, chỉ bảo, khuyên răn người thân trong gia đình, các bề tôi hầu cận. Quyển 2 gồm 51 bài khích lệ các tướng sĩ ra trận hoặc trấn nhậm các nơi xa. Quyền 3 gồm 52 bài ban khen các thần tử, sứ thần. Quyển 4 gồm 76 bài đề vịnh cảnh vật. Thị thư Viện Hàn lâm, Tư nghiệp Quốc tử giám Phan Lê Phiên có bài khải sau: “Cúi nghĩ, ý chúa dựng nghiệp lâu dài, chế tác văn chương để lại như thiên Đại Nhã noi theo thánh giáo, biên tập để rạng vẻ trùng quan, sáng đến kho sách, đẹp cả rừng nho. Thần trộm nghĩ: điều thơ muốn nói không phải gì khác là gốc ở tính tình mà bao gồm vật lí. Thơ để dạy là để hiếu kính mà đầy đủ nhân luận. Từ khi ba trăm thiên (Kinh thi) đã liệt vào hạng lục kinh, thì thơ ngũ ngôn, thất ngôn đều được các đời ưa chuộng. Ngẫm nghĩ, quốc triều ta dựng nước, sẵn có đường lối văn hiến, các bậc thánh thần truyền nối, đều tôn trọng đạo “tinh nhất chấp trung”. Công việc dọc đất ngang trời, dựng nghiệp đế vương, mở nền bình trị, anh hoa phát ra lời thơ, tốt đẹp còn mãi trong sử sách, cho nên thánh vương trước nối ngôi, nhờ được di minh của thánh tổ, chuộng việc văn, kính theo mưu trước, trọng việc học xét lời dạy xưa. Để sửa sang đạo hóa thì tìm rõ đầu mối ở chính kinh; để nung đúc tính linh thì thường thấm nhuần lục nghĩa (phong, nhã, tụng, phú, tỷ, hứng trong Kinh thi); lòng chan chứa lý thú, tình dào dạt văn thơ, răn các tướng, khuyên các quân, theo lối cũ của thơ Thái Dĩ, thơ Xa Công; nhớ người đi sứ, khen người nhiều tuổi, rõ là phong thái của Hoàng Hoa, thơ Hàng Vĩ; tỏ lòng thành kính như thơ Vân Hán; ngụ hứng vui chơi như thơ Quyền A; trong cung cấm thì bảo nghiêm chỉnh, nêu phép thường như thơ Tư Trai; ngoài triều đình thì hỏi han khuyên răn, theo mưu hay như thơ Phỏng Lạc... Ở ngôi chúa 28 năm, làm thơ được hơn 200 bài, việc việc đều tu tề trị bình, theo nếp tốt của thời Tam đại; lời lời đều hòa nhã trọng hậu, dựng nên tiêu chuẩn cho bách vương. Sang sáng như tiếng cung tiếng vũ chen nhau, lóng lánh như sao Khuê, sao Lâu cùng sáng. Thực là văn chương rực rỡ đáng theo, nên cơ nghiệp tổ tiên được thịnh... việc in khắc thần chỉ là người để sai khiến, phần xếp đặt thì nhờ ở chúa bảo ban” (Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập II). Phan Huy Chú đánh giá: “Xét ra tám đời chúa Trịnh, trước chưa đời nào ham thích thơ văn. Đến Trịnh Cương, Trịnh Giang tuy có ưa chuộng văn nghệ, nhưng cũng chưa lưu ý đến thú ngâm vịnh. Đến Ân Vương Trịnh Doanh dụng công về việc làm thơ, làm đến mấy trăm bài, cũng đáng gọi là một vị chúa hiền thích thơ văn” (Lịch triều hiến chương loại chí). Có điều, do Trịnh Doanh chỉ được tôn làm chúa, mà lại dùng từ Càn Nguyên đặt tên cho thi tập nên Phan Huy Chú còn phê bình: “Các thần tử bấy giờ biên chép, lại tôn sùng rất mực, coi như thực là thiên tử rồi, sự thế bây giờ như thế, có gì lạ đâu”.

Trịnh Doanh thưởng phạt công minh, coi trọng thực tài, là người đầu tiên đặt ra quy định: bất cứ ai, trước khi được Bộ Lại bổ dụng cất nhắc, phải dẫn vào phủ đường yết kiến để chúa trực tiếp hỏi về việc làm, ai có khả năng mới trao cho chức quyền.

Ông có bốn bài thơ bàn sâu sắc, trực tiếp về vấn đề tài đức:

Đức thời là cội, ngọn là tài,

Tài đức gồm hai mới đáng tài.

Đức thắng, hãy gìn quân tử đức,

Tài ưu, bao sá tiểu nhân tài.

Tài là hoa gấm, phô nền đức,

Đức có thơm danh ỏa chữ tài.

(Luận tài đức)

Tài trong quan niệm của Trịnh Doanh có ý nghĩa rộng, tài gắn liền với đức, đức là gốc của tài, đức được phô diễn qua tài, tài năng được cụ thể hóa thành năng lực chuyên môn. Trịnh Doanh quan tâm nhiều hơn đến tài cầm binh của người chỉ huy quân sự (Sức quản binh quan huấn tề, Sức quản binh quan thao luyện...). Ông còn dùng thơ chế giễu trò chơi chọi gà không hợp thức, dùng thơ phê bình kẻ gian nịnh, uốn nắn những sai sót về chuyên môn của cấp dưới (Trào đấu kê bất hợp thức, Ố gian nịnh, Trào quản binh quan bất năng huấn tề, Trào binh phiên quan phát hiệu, Trào khảo xạ bất trúng...).

Trịnh Doanh phần nhiều làm thơ Đường luật. Thơ của ông chủ yếu thể hiện tiếng nói trữ tình ngôn chí, miêu tả con người chức năng, bộc lộ quan niệm của ông về tu thân, tề gia, trị quốc. Trịnh Doanh dùng thơ Nôm để đôn đốc, chỉ đạo, nhắc nhở từ việc lớn đến việc nhỏ. Ông quan tâm đến những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, từ các đại thần văn võ đến các bề tôi cấp thấp, chủ trương sử dụng thơ Nôm và các thể thơ dân tộc.

Trước Trịnh Doanh, ở thời Trần (XIII), Hàn Thuyên đã sáng tác nhiều bài thơ luật Đường bằng chữ Nôm, sau đó có Nguyễn Sĩ Cố cũng giỏi thơ quốc âm, Chu An có Quốc ngữ thi tập. Sang thế kỉ XV, XVII, nói đến thơ Nôm có thể kể đến những Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Châu quốc ngữ thi tập (Lương Như Hộc), Hồng Đức quốc âm thi tập (Lê Thánh Tông và các tác giả thời Hồng Đức), Bạch Vân quốc ngữ thi tập (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Ngự đề Thiên hoà doanh bách vịnh (Trịnh Căn)... Càn Nguyên ngự chế thi tập của Trịnh Doanh có tới 241 bài thơ Nôm. Nếu nói về số lượng thơ Nôm trong thi tập này có lẽ Trịnh Doanh chỉ đứng sau Nguyễn Trãi. Trịnh Doanh là một “vị chúa hiền thích thơ văn”, sáng tác thơ văn dồi dào. Càn Nguyên ngự chế thi tập rõ ràng là một đóng góp tích cực của ông đối với sự trau dồi và phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Hà Thanh Vân