Văn hóa – Di sản

Bùi Huy Bích - tác giả Hoàng Việt Thi Văn Tuyển

Nguyễn Vinh Phúc 26/11/2023 17:36

Sử Cương mục, chính biên XIV, trong phần Cương có chép: “Tháng 6 bổ sung Hoàng Đình Bảo giữ chức trấn thủ Nghệ An, Bùi Huy Bích làm Đốc đồng”. Tiếp đó có lời chú: “Bùi Huy Bích người xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu đời Cảnh Hưng”...

hoang-viet-thi-van-tuyen.jpg
Sách Hoàng Việt Thi Văn Tuyển.

Xã Thịnh Liệt, tên nôm là làng Sét đã từng nổi tiếng về một đặc sản cá rô. Từ thế kỉ XV, Nguyễn Trãi đã ghi trong Dư địa chí: “Xã Thịnh Liệt có cá rô”. Ngạn ngữ cũng có câu: “... nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét”. Tốt đất cò đậu. Làng Sét với nguồn lợi đó có sức hấp dẫn lớn. Người các làng xung quanh thường kéo đến ngụ cư. Chính dòng họ Bùi Huy Bích cũng là từ thôn Hạ, xã Định Công dời sang sinh sống ở Thịnh Liệt đúng vào khoảng thời gian mà Nguyễn Trãi soạn Dư địa chí. Gọi là làng Sét, là xã Thịnh Liệt nhưng thực ra là có tới tám làng mang tên tám giáp, từ Giáp Nhất đến Giáp Bát. Ngày nay chỉ còn sáu giáp, mất Giáp Tam và Giáp Ngũ, một câu chuyện cổ cho biết là hai giáp này đã bị hoà lẫn vào Giáp Tứ và Giáp Lục từ đời Minh Mạng.

Thân phụ của Bùi Huy Bích tên là Dụng Tân, hiệu là Trúc Viên, chỉ là một thầy đồ nghèo.

Bích thuở nhỏ thể chất yếu đuối, rất ít nói. Năm lên tám mẹ mất, Bích cùng với chị và em được cha đem theo xuống Hải Dương, ở tại làng An Lâu huyện Thanh Miện, là nơi ông Trúc Viên ngồi dạy học. Đến năm Bích 17 tuổi, cha thấy rằng cần gửi con đến học ở người cao đạo hơn, và thế là cậu được về làng quê để theo học với ông nghè làng Linh Đường cùng huyện Thanh Trì là Nguyễn Bá Trữ. Học được hai năm, Huy Bích được thầy cho đi dự thi Hương. Đó là khoa thi năm Nhâm Ngọ đời Cảnh Hưng thứ 23 (1762) và Huy Bích đã đỗ Hương cống. Năm sau cậu dự thi Hội nhưng không trúng cách. Ông Trữ khuyên cậu đến học thêm ở trường ông Bảng nhãn Lê Quý Đôn mở tại kinh thành. Mộ tiếng ông Bảng rồi mới học, chứ Bùi Huy Bích không thiết tha với khoa cử, vì bấy giờ chúa Trịnh bắt nạt vua Lê quá sức. Điều này làm thương tổn đến tư tưởng chính thống tôn quân của nho sĩ. Song, cụ Trúc Viên đã từ Hải Dương lên nghe con bày tỏ ý kiến. Cụ khuyên:

- Ta đã già rồi, đi dạy ở xa quá mệt mỏi. Chỉ mong con đi thi, may ra đỗ thì ta sẽ về quê nghỉ ngơi, còn việc đời sau này sẽ liệu.

Huy Bích chiều lòng cha. Khoa ấy ông đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Đó là mùa thu năm Kỷ Sửu 1769, ông tròn 25 tuổi.

Từ đây trở đi người ta sẽ gọi ông bằng nhiều tên: Hy Chương, Tồn Ông, Tồn Am... vì đó là những tên tự và tên hiệu của ông.

Sau khi đỗ, ông được trao chức Hàn lâm viện hiệu lý. Đời Lê, Hàn lâm viện là cơ quan soạn thảo các chiếu chỉ, chế, cáo, thơ, phú cho vua. Có khá nhiều cấp bậc: kiểm thảo, tu soạn là những người soạn đầu tiên; hiệu lý, đãi chế là những người sửa chữa gọt rũa, rồi nào là Thị thư, Thị giảng, Thị độc... Cao nhất là chức Thừa chỉ. Dầu sao đó cũng là những chức quan nhàn rảnh. Năm sau được thăng lên Đãi chế, rồi tiếp đó được chuyển lên làm thiêm sai Hộ phiên. Đây là một trong sáu phiên họp thành phủ chúa, quán xuyến công việc bên sáu bộ bên triều đình. Hộ phiên giữ việc ruộng đất, kho tàng, lương tiền, thu phát, thuế má... Và chức thiêm sai thì phụ trách việc tra xét lại các vụ kiện của phiên sở thuộc. Huy Bích do liêm chính, ngay thẳng nên làm được việc, và do đó bảy năm sau, vào năm 1777, ông được cử vào trấn giữ chức Đốc đồng trấn Nghệ An. Thời Lê mạt, Đốc đồng chuyên trách việc án từ kiện tụng. Năm sau ông 38 tuổi, được Trịnh Sâm triệu về trao cho chức Bồi tụng, chức đứng hàng thứ hai trong phủ chúa sau Tham tụng, thế mà ông đã đệ khải văn xin từ chức, lấy cớ là ốm yếu, nhưng thực chất ông đã tiên đoán được sự suy sụp của họ Trịnh, cho nên về làm Bồi tụng tức là gánh bao trách nhiệm mà rồi kết quả e chẳng hơn gì dã tràng se cát.

Song ý kiến của ông không được chúa chấp nhận và thế là ông phải trở về Thăng Long dự phần trong chính phủ.

Bấy giờ Trịnh Sâm đang mê một cô phi thứ tư là Đặng Thị Huệ. Huệ sinh được một trai là Trịnh Cán. Năm mà Bùi Huy Bích về kinh đô làm Bồi tụng (1782), Cán mới lên năm tuổi và thường quặt quẹo ốm yếu, thế mà Sâm định cho Cán nối ngôi, vì vậy con trai lớn của Sâm (mẹ chính là Dương Ngọc Hoan người Nghệ An) tên là Tông (hoặc Khải) tuy đã 19 tuổi không được lập làm thế tử. Để tranh ngôi thế tử cho Cán, Đặng Thị Huệ hết sức gây dựng bè cánh. Bùi Huy Bích thấy cơ sự đó biết ngay là cái mầm của loạn lạc đã giâm ươm. Ông muốn can ngăn Sâm nhưng chưa có dịp. Chợt tháng 4, cả kinh thành và vùng tây nam có động đất. Sâm xuống lệnh chỉ cầu lời nói thẳng để biết cách sửa lỗi cho nguôi cơn giận của trời (ngày trước do không giải thích được các nguyên nhân của thiên tai nên quy chung là do trời không hài lòng về các vua chúa đang cầm quyền). Bùi Huy Bích liền dâng một khải văn, trong đó có đoạn nói: “Tôi cúi mong vương thượng đem lòng sáng suốt tự xét mình, tìm rộng đến lời dạy bảo của thời xưa, ví như sách Luận ngữ đã từng có dạy “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”... Sâm đọc đi đọc lại hai ba lần rồi tủm tỉm cười nói: “Cái câu quân thần phụ tử là có ý khuyên ta đây”... Sâm có hẹn Bùi Huy Bích tới Tả Xuyên đường để cho Sâm hỏi chuyện. Nhưng không làm gì có ngày ấy được, vì sau đó Sâm ốm và năm tháng sau Sâm chết (tháng 9 năm Nhâm Dần 1782). Cán được nối ngôi chúa nhưng thực quyền thì nằm trong tay Đặng Thị Huệ và Hoàng Đình Bảo, người nắm binh quyền. Hơn một tháng sau, quân tam phủ nổi loạn hạ Trịnh Cán, lập Trịnh Tông. Sang tháng chạp, Tông cách chức Tham tụng của Phan Lê Phiên vì là cánh của Đặng Thị Huệ và ra giêng năm sau Bùi Huy Bích được cử quyền chức này, gọi là Hành tham tụng. Trịnh Tông hy vọng Bùi Huy Bích sẽ ổn định lại trật tự, nhất là hạn chế được sự lăng loàn của quân tam phủ. Nhưng thời cuộc nát như tương ấy thì sao mà cứu vãn được. Cho nên đến tháng 7, Trịnh Khải cử Nguyễn Khản (anh cả của Nguyễn Du) làm Tham tụng, nhưng không xoay chuyển được tình thế. Năm sau vào tháng Giêng, chính quân tam phủ lại nổi loạn làm Trịnh Tông cuống cuồng. Chúng tìm giết Nguyễn Khản, may mà ông chạy trốn lên Sơn Tây mới thoát.

Tháng 4, Tông lại vời Bùi Huy Bích ra làm Tham tụng nhưng ông một mực từ chối, xin về an dưỡng tại nhà riêng ở phường Bích Câu.

Năm sau (1786), Tây Sơn ra Bắc lần thứ nhất: Tháng 6, Tây Sơn đánh tới Thăng Long, Trịnh Tông cắt Bùi Huy Bích vào chân đốc chiến tức là đôn đốc quân sĩ chiến đấu. Bùi Huy Bích định đến bến đò Thuý Ái để phối hợp với Hoàng Phùng Cơ chỉ huy thuỷ quân, nhưng chưa đi đến nơi thì đoàn quân này đã tan vỡ, và trong chốc lát, quân Tây Sơn đã vào Thăng Long. Trịnh Tông chạy trốn, về sau bị bắt rồi tự tử. Sau khi lập Lê Chiêu Thống lên ngôi vua thay Cảnh Hưng (cũng vừa chết già), Tây Sơn về Nam. Chiêu Thống vời Bùi Huy Bích ra, phong cho làm Bình chương sự kiêm Tham tụng, nhưng Bùi Huy Bích xin từ. Tiếp đó Trịnh Bồng, Trịnh Lệ rồi lại cả Nguyễn Hữu Chỉnh thay nhau cầm quyền khống chế Chiêu Thống. Tây Sơn phải ra Bắc lần thứ hai để dẹp bọn này, đó là vào tháng chạp năm Mậu Thân (1788). Chiêu Thống chạy sang cầu cứu Mãn Thanh. Nguyễn Huệ, lúc này đã là vua Quang Trung, phải từ Phú Xuân đem quân ra Bắc chống bọn xâm lăng. Sau khi quét sạch bọn giặc ngoại xâm, Quang Trung cho vời các quan lại cũ của nhà Lê ra làm việc. Nhiều người có cái nhìn tiến bộ như Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn... đã theo gương Ngô Thì Nhậm ra phục vụ triều đại mới. Chỉ có những người cố chấp mới quay lưng lại. Trong số đó có Bùi Huy Bích. Ông trốn lên trú tại Thạch Thất (Sơn Tây) có tới sáu năm, rồi về Thanh Miện (Hải Dương) sống 5 năm nữa. Đầu năm 1800, ông mới về quê Thịnh Liệt, năm sau Tây Sơn bị bại, Nguyễn Ánh ra Bắc, nhưng Bùi Huy Bích cũng không nhận làm quan với nhà Nguyễn, chịu sống trong túng thiếu cho tới năm 1818 thì từ giã cuộc đời, thọ 75 tuổi.

Bùi Huy Bích viết nhiều. Thơ có ba bộ: Bích Câu thi tập, Nghệ An thi tập, Thoái Hiên thi tập. Bích Câu chia ra tiền tập (gồm những sáng tác khi mới ra làm quan trú tại phường Bích Câu) và hạ tập gồm những bài thơ làm trong thời gian trở về kinh đô giữ các chức Bồi tụng, Tham tụng... Nghệ An cũng gồm hai tập là những bài sáng tác khi làm Đốc đồng trấn đó. Thoái Hiên gồm ba tập là những bài làm trong thời gian giải chức về quê hoặc đi lánh tại Sơn Tây, Hải Dương. Cả thảy tất cả là 681 bài thơ, gọi gộp là Tồn Am thi cảo. Về văn, Bùi Huy Bích có Lữ trung tạp thuyết, chia ra thượng hạ hai tập, là một bộ tuỳ bút viết trong những năm tháng trú ngụ ở Sơn Tây, gồm nhiều bài bàn về văn nghệ, triết học, lịch sử, đạo đức... Cạnh đó các tấu khải trung văn thư trát, và văn biền ngẫu cũng được gom lại thành Tồn Am văn cảo gồm ba phần: Tản ngữ, Thư trát, Lệ ngữ. Những tác phẩm này phần nào nói lên được tâm hồn và tư tưởng của ông. Điều dễ thấy là ở ông có một tình yêu thiên nhiên mà cụ thể hơn là thiên nhiên của làng quê Thăng Long, của nông thôn Việt Nam. Những cảnh vật bình thường mà đôi khi ta không chú ý tới đã đi vào thơ Tồn Am. Con trâu già, lò nấu mật, luống rau cải, hàng cau, cành tre, mảnh hồ Tú Uyên, dải Đại La thành... tất cả trở thành trìu mến đáng yêu dưới ngòi bút của tác giả.

Bài Dạ toạ thính đỗ quyên (Đêm ngồi nghe cuốc kêu) rõ là một đêm của Hà Nội, một đêm trăng sáng ngời, phẳng lặng nhưng không phải không làm xao động tấm lòng:

Bán khải thư quynh vũ hậu thiên,

Nhất khuê chủng cúc, nhất bồn liên.

Tú Uyên cao định hồ trung nguyệt,

La diệp trù sơ thu điều yên...

Bản dịch thơ:

Sau mưa hé cánh song nhìn,

Một vồng cúc, một bồn sen bên ngoài.

Giữa hồ Tủ bóng trăng cài,

Trên thành La khói phủ dày cây thưa...

Một hôm, đi dạo chơi quanh luỹ đất ngoài thành La, tác giả đã bắt được những hình dáng, những màu sắc, những cảnh vật tuy đã quá quen thuộc nhưng không kém phần xinh xắn. Bài Văn hành quách ngoại ký kiến (Chiều đi dạo bên ngoài luỹ ghi sự nhìn thấy) chỉ có bốn câu thôi song chẳng khác nào bức tranh thủy mặc.

Nhân ảnh thiên trường tới tịch huy,

Viễn thôn vân thụ lượng y vi.

Huề cùng xuyên quá điền gian kính,

Vạn mẫu thanh thanh nhất lộ phi.

Bản dịch thơ:

Bóng người dài theo bóng tà,

Khói cây mờ lẫn thôn xa.

Chống gậy đi ngang đồng ruộng,

Ngàn xanh nổi cánh cò hoa..

Tình cảm đối với thiên nhiên, rõ ràng là một thực tế trong thơ Bùi Huy Bích. Nhưng không phải chỉ có thế, tình cảm đối với con người đôi khi lại còn đằm thắm hơn, nhất là đối với những người dân lành.

Bài Túc thạch xá cho thấy sự thông cảm của tác giả đối với nhân dân trong vùng này, từng bị quan quân phá phách:

Kiến thuyết quan binh công lược bạo,

Dân gia phiến tịch đãng vô di.

(Nghe nói quan quân công phá dữ,

Sạch không manh chiếu của dân này)

Nhưng có lẽ bài Ngẫu hứng (Bỗng nhiên có hứng) mới là một bài bày tỏ được tình cảm kia một cách đầy đủ nhất.

I

Hạ hạn thu lâm đông hữu hoàng,

Thủ niên sắc sự tẫn kham thương.

Bi nho mạc tác điều nguyên thoại,

Nhục thực hương nhân tại miếu đường.

II

Thiên giáng cơ hoành bệnh thử dân,

Cô cùng chuyển tỉ cực thoan tân.

Dạ lai phong vũ hàn như hử,

Quá lộ ưng đa thất sở nhân.

Dịch thơ:

Hè hạn, thu mưa, đông có sâu,

Năm nay mùa lúa biết bao sầu.

Bi nho chớ nói câu điều tiết,

Toà đẹp cơm ngon có đáng đâu.

II

Giời gieo tai ách khổ dân chưa,

Cùng kiết muôn nhà đã xác xơ.

Mưa gió đêm qua trời lạnh lắm,

Ngoài đường chi thiếu kẻ bơ vơ.

Một viên quan tể tướng mà suy nghĩ được như vậy, thật cũng là có nhân cách, cho nên đến bài Thu dạ (Đêm thu) thì khác nào một lời thơ tự thú là bất lực:

Tâm mục lưỡng đô mạnh,

Chi li độ thử sinh.

Dân gian phương khổ lạo,

Quốc nội vị hưu binh.

Dịch thơ:

Gượng sống đời lay lứt,

Mắt loà lòng cũng loà.

Dân đương sầu lụt lội,

Nước chửa hết binh qua...

Cùng với thơ, văn xuôi cũng là nơi Tồn Am ký ngụ những tư tưởng đặc sắc. Qua tập Lữ trung ta thấy Tồn Am rất chú ý đến việc sửa mình. Ông đòi hỏi phải chú ý đến việc vun trồng đạo đức, phải luôn luôn trau dồi kiến thức và tâm hồn:

“Có lỗi thì sửa. Hễ chịu sửa thì lỗi ít dần, rồi đến không còn. Nhưng không biết lỗi thì làm sao đổi được.

Nay ta nghĩ thế này, cho là phải, nhưng nghĩa lý vô cùng. Biết đâu người khác lại chẳng hơn ta, và biết đâu ngày khác chính ta nghĩ lại chẳng hơn bây giờ sao. Hễ không tự lấy làm đủ thì đức càng tiến, đức càng tiến thì không tự lấy làm đủ.

Mình có một điều hay nhỏ thì phô phang ầm lên. Thấy người có tài danh thì đi bới móc những cái kém cỏi. Thấy người giàu sang thì đi kể lể những cái không tốt”...

Tồn Am còn vạch ra sự vô trách nhiệm cùng tệ tham nhũng của quan lại đương thời: “Công việc của các quan đại thể chỉ làm chiếu lệ cho xong việc, ít khi thực sự quan tâm giải quyết những tình trạng khẩn cấp và đau thương của dân, không làm cho kẻ ác biết sợ phép nước... Việc phòng lụt là rất quan hệ đến đời sống của dân, dân đã khó nhọc vất vả để đắp đê mà các người chức việc thừa hành lại còn sách nhiễu họ. Thu thuế thì hà lạm của dân. Truyền đạt giấy tờ cũng hoạnh hoẹ đòi tiền. Đến việc mua bán ruộng của dân thì càng nhũng nhiễu hơn”...

Về thờ cúng, ông cũng phê phán tệ nạn phổ biến thời đó: “Mê hoặc theo thuyết báo ứng, người ở đâu thì Phật ở đấy. (Vậy mà) có hàng có tới ba bốn ngôi chùa, chi phí vào đấy không biết bao nhiêu mà kể. Đối với các thần của làng xã, họ thường cầu cạnh bộ Lễ công nhận và phong cho duệ hiệu. Tàn kiệu và các đồ rước xa phí vô chừng. Còn các vị thần tổ nghề nông, nghề dệt... những danh thần liệt sĩ thì chẳng ai nghĩ đến”.

Sự tố cáo phê phán của Bùi Huy Bích đến nay vẫn còn có thể là bài học cho chúng ta.

Với văn học nước nhà, ông có công rất lớn là sưu tầm gom góp thơ văn từ cổ đến đương thời thành hai bộ: Hoàng Việt thi tuyểnHoàng Việt văn tuyển. Bộ trên gồm ba tập chép thơ từ Lý - Trần đến cuối Cảnh Hưng (1740-1787) cả thảy là 562 bài của 167 tác giả. Bộ dưới gồm hai tập chép văn cũng trong thời gian trên, chia ra: phú 15 bài, ký 15 bài, minh 9 bài, chiếu tế 25 bài, khải 22 bài, tản văn 11 bài, biểu tấu công văn 6 bài, cộng là 112 bài. Đó là những công trình sưu tầm tuyển lựa rất công phu và quý giá. Nhờ chúng mà nay ta còn có thể tiếp xúc với những tác phẩm cổ từ thế kỷ XVIII trở về trước mà nguyên bản thì thất lạc từ đời nào rồi. Chỉ với hai công trình Thi tuyểnVăn tuyển đó, Bùi Huy Bích cũng đã xứng đáng được lưu danh trong sử văn học nước nhà./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Vinh Phúc