Y tế - Giáo dục

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa Hà Nội thành trung tâm lớn giáo dục cả nước

Mai Chi 26/11/2023 06:05

Các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những nội dung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được dư luận quan tâm. Bởi theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ đô Hà Nội được định hướng trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Theo GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giáo dục và đào tạo Thủ đô có những thành tựu đáng ghi nhận cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Điều này được minh chứng qua kết quả thi tốt nghiệp và các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Ngành Giáo dục Hà Nội cũng là đơn vị đi đầu trong công tác xã hội hóa giáo dục. Tuy vậy, giáo dục Thủ đô cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc và cần có những chính sách đặc thù để phát triển giáo dục, đào tạo hơn nữa.

quoc-te.jpg
Đội tuyển học sinh Hà Nội vừa qua đã xuất sắc giành 3 huy chương ( 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc) tại kỳ thi Olympic Hóa học ứng dụng quốc tế năm 2023 tại Indonesia.

Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 (10/11/2023), đã có những điều khoản cụ thể về việc phát triển giáo dục và đào tạo Hà Nội. “Điều 24: Phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô” của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy định xây dựng và phát triển giáo dục, đào tạo Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; cơ sở giáo dục có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục và cơ chế quản lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.

Dự thảo Luật cũng quy định đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô; ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí. Tiếp đến, cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ; việc thuê giáo viên nước ngoài, cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp.

Cuối cùng, Điều 24 của Dự thảo Luật quy định Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội quy định: Cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học; Mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thủ đô không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

Liên quan vấn đề nêu trên, Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) đánh giá, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô, so với các quy định tại Luật Thủ đô hiện hành, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn. Đại biểu Vương Quốc Thắng nhận định, muốn Thủ đô là đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội thì trước hết và quan trọng nhất phải xây dựng Thủ đô thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), khẳng định, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những quy định mang tính đột phá về phát triển giáo dục, đào tạo.

hoc-pluat.jpg
Các em học sinh trên địa bàn quận Ba Đình thi online chủ đề tìm hiểu về Luật Phòng cháy chữa cháy trong Ngày pháp luật Việt Nam (9/11).

Ông Trần Anh Đức chỉ rõ quy định mang tính đột phá trong Dự thảo Luật, đó là quy định cho phép cơ sở giáo dục công lập Thủ đô được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài; những quy định này được xuất phát từ thực tiễn thí điểm tại Thành phố thời gian qua cho thấy đây là chính sách đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Quy định đặc thù về liên kết giáo dục, giúp học sinh Thủ đô tiếp cận và đạt tiêu chuẩn giáo dục quốc tế không phải qua con đường du học hoặc học ở các cơ sở giáo dục tư thục với chi phí cao hơn, giảm được nhiều chi phí xã hội, được nhiều phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ và tha thiết đề nghị tiếp tục.

“Đồng thời, thực tiễn thí điểm cũng cho thấy khả năng, điều kiện của một số cơ sở giáo dục công lập Thủ đô có thể đáp ứng tốt việc liên kết giáo dục và vẫn đảm bảo yêu cầu chung của mục tiêu chính sách giáo dục quốc dân”, ông Trần Anh Đức phân tích.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, những cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã mang tính đặc thù, vượt trội, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thủ đô 2012, góp phần phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước” theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, để bảo đảm tính chất “đa mục tiêu” của nền giáo dục, chúng ta không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước mà cần thực hiện giải pháp xã hội hóa.

Hà Nội là thành phố có đủ điều kiện để triển khai xã hội hóa giáo dục. Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có điều khoản cụ thể đối với vấn đề xã hội hóa trong giáo dục, có chính sách ưu tiên, cả về đất đai, thuế và quyền tự quyết trong xây dựng mô hình, tổ chức thực hiện.

GS. TS Nguyễn Văn Minh

Mai Chi