Tọa đàm giới thiệu tác phẩm của nhà thơ Bùi Quảng Bạ
Sáng ngày 24/11, tại Hà Nội, Chi hội I - Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Gửi vào lục bát”, giới thiệu tác phẩm của nhà thơ Bùi Quảng Bạ. Tới dự đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, hội viên.
Nhà thơ, GS. Bùi Quảng Bạ vốn là Thiếu tướng, nguyên Phó tổng Cục trưởng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an. Ông thực sự bước vào làng văn vào năm 2017 khi ra mắt tập thơ Hoa nở muộn. Sau đó là lần lượt các tập thơ Hoài niệm, Trăng rừng, Hương xưa, Nhớ phù sa và mới nhất là tập thơ Gửi vào lục bát.
Tại buổi tọa đàm, nhiều văn nghệ sĩ đã chia sẻ những cảm nhận, đánh giá về hai tập thơ Hoa nở muộn và Gửi vào lục bát của nhà thơ, GS. Bùi Quảng Bạ. Hoa nở muộn là ẩn bản ra mắt đầu tiên của tác giả trong sự nghiệp văn chương với 86 bài thơ, còn Gửi vào lục bát là ấn bản mới nhất, ra mắt trong năm 2023 gồm có 55 bài thơ và 8 bài phê bình của giới chuyên môn nhận định về thơ Bùi Quảng Bạ.
Hoa nở muộn mang đến những bài thơ thú vị của tác phẩm đầu tay. Trong đó có những tác phẩm “của người có tạng tư duy lớp lang, như ông thầy môn toán, như lối quen viết từ mở đầu, là đặt vấn đề, tiếp theo là nêu vấn đề, rồi dẫn dắt… của người lập dự án khoa học”, (theo nhà phê bình Nguyên An).
Trong lời giới thiệu cho tập thơ Hoa nở muộn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Tác giả Bùi Quảng Bạ viết những bài thơ rải rác trong cuộc đời mình bởi nhu cầu tự thân. Cuộc sống đã dội vào tâm hồn ông và vọng lại những câu thơ như một lẽ tự nhiên. Với ông, mọi điều đều tự nhiên và giản dị như thế. Và với chính thơ ca, mọi điều cũng xuất phát từ sự tự nhiên và giản dị đến kỳ lạ. Chính thế mà thi thoảng những câu thơ lạ và hay của ông lại vang lên tự nhiên như gió thổi, như mưa rơi, như hoa nở…”.
Chia sẻ cảm nhận về tập thơ Gửi vào lục bát, nhà văn, Đại tá Đặng Việt Thủy cho biết, đây là những bài thơ được viết hoàn toàn bằng thể loại lục bát trong hơn hai chục năm qua. “Tác giả đã trải lòng mình với nhiều đề tài khác nhau trên diện rộng với lời thơ giản dị, mộc mạc, chân tình nhưng cũng đậm triết lý, suy tư. Tập thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc”, nhà văn, Đại tá Đặng Việt Thủy nói.
Trên văn đàn có rất nhiều nhà thơ làm thơ lục bát nhưng để có được một tác phẩm hay với thể loại này thì không nhiều. “Thơ lục bát của Bùi Quảng Bạ không chỉ giàu cảm xúc, hoài niệm mà nhiều năng lượng, suy tư, trí tuệ. Thơ ông là thơ của một tâm hồn nhạy cảm, thơ của một con người có chiều sâu tri thức, có bề dày văn hóa, giàu suy ngẫm và trải nghiệm. Mỗi bài thơ của Bùi Quảng Bạ đều gửi gắm một thông điệp nhân văn thẳm sâu nào đó…”, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu nhận định.
Nhà thơ Vương Tâm bày tỏ sự bất ngờ với những ý tưởng bạo dạn của Bùi Quảng Bạ khi chọn thể loại lục bát cho tập thơ Gửi vào lục bát. Và theo ông, “sự nổi bật của thơ Bùi Quảng Bạ là sự ngắn gọn vừa đủ trọn một tứ thơ. Kèm theo đó là những khám phá nhất định khi tìm được những hình ảnh hay ẩn dụ có chiều sâu tâm trạng. Tập thơ bày tỏ nỗi lòng ấm áp và thân thương qua những đề tài về quê hương, thế sự và tình yêu. Dường như thể loại thơ lục bát đã giúp cho hồn thơ của tác giả càng sâu lắng hơn với cảm xúc của mình”.
“Bùi Quảng Bạ mang trong mình hai phẩm chất quan trọng: một sĩ quan an ninh hết lòng yêu quê hương, đất nước, quan tâm sâu sắc tới con người, làng mạc và một nhà thơ giàu tình cảm. Chính hồn thơ, chất thơ trong Bùi Quảng Bạ được dệt nên bởi những tình cảm gắn bó, yêu thương với quê hương, con người; và đặc biệt là của một sĩ quan an ninh luôn hết lòng vì dân. Có thể nói rằng, từ sau Nguyễn Du, có rất nhiều người làm thơ lục bát. Và đến nay có rất ít thơ lục bát hay. Thế nhưng Bùi Quảng Bạ đã dám mở cánh cửa lục bát và bước vào thế giới đó, với những nỗ lực ghi nên dấu ấn cá nhân. Trong số rất nhiều ấn phẩm lục bát được gửi về Hội, Gửi vào lục bát là một tác phẩm điển hình mà chúng tôi đã chọn để giới thiệu, vì những giá trị của tác phẩm”, nhà thơ Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội kết luận./.