Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc
Nguyễn Du tên tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, sinh năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng (1765). Trong gia phả họ Nguyễn làng Tiên Điền có ghi ngày sinh của Nguyễn Du là 23 tháng 11 năm Ất Dậu (tức ngày 3 tháng 1 năm 1766). Xuất thân trong một gia đình phong kiến đại quý tộc, trí thức và tài hoa.
Theo gia phả thì ông là “dòng dõi một nhà thế phiệt trâm anh, đệ nhất trong nước lúc bấy giờ”, “cả nhà, cha con chú bác, anh em đều là người khoa giáp, làm quan to đời nhà Lê”. Cha là Nguyễn Nghiễm (1707-1775) đỗ Tiến sĩ, làm quan tới chức Đại tư đồ Bình nam tả tướng quân, tước Xuân Quận công, đứng đầu các hàng quan ở triều đình nhà Lê. Mẹ là Trần Thị Tần (1740-1778) đẹp nổi tiếng đất Kinh Bắc. Trong những người anh của Nguyễn Du, người anh đầu là Nguyễn Khản, đỗ Tiến sĩ, làm tới chức Thượng thư Bộ Lại, tước Toản Quận công, được chúa Trịnh Sâm tin dùng; anh thứ hai là Nguyễn Điều, đỗ tam trường, làm quan đến chức Trấn thủ Hưng Hoá.
Tháng 11 năm Ất Mùi (1775), cha ông mất, và ba năm sau (1778), mẹ ông cũng qua đời, khi ấy ông mới 13 tuổi. Nguyễn Du về ở với anh là Nguyễn Khản, lúc đó đang làm Tả thị lang Bộ Hình kiêm Hiệp trấn xứ Sơn Tây. Trong thời gian đó đất nước trải qua nhiều biến động dữ dội, hết chuyện tranh giành ngôi chúa giữa Trịnh Tông và Trịnh Cán đến chuyện kiêu binh nổi loạn phá phách. Một số đại thần hoặc bị giết hoặc phải chạy trốn. Trong đó có cả Nguyễn Khản đã phải cải trang trốn lên Sơn Tây tìm Nguyễn Điều lập mưu kéo quân về kinh đô dẹp kiêu binh nhưng bị lộ đành phải bỏ về quê ở Hà Tĩnh. Sự việc xảy ra khi Nguyễn Du 18 tuổi, vừa đi thi đỗ tam trường (tú tài) ở trường Sơn Nam. Gia đình Nguyễn Du thế là bắt đầu tan tác, anh em mỗi người một nơi.
Năm 1786, Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc diệt Trịnh, trả lại vị thế cho vua Lê. Nhưng Lê Chiêu Thống hèn nhát rước quân Thanh về dày xéo đất nước. Năm 1789, Nguyễn Huệ phải thân chinh ra Thăng Long quét sạch hai chín vạn quân Thanh. Sau khi nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du trở về quê vợ (xã An Hải, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình), định cùng anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn tập hợp hào mục tính việc phục quốc, nhưng không thành. Ông đã gửi tâm sự của mình vào nhiều bài thơ trong tập Thanh Hiên thi tập:
Thư kiếm vô thành sinh kế xúc,
Xuân thu đại tự bạch đầu tân.
(Tự thán, kỳ nhị)
(Dở dang thư kiếm cơn cùng quẫn,
Lần lữa xuân thu tóc bạc rồi)
(Tự thán II)
Mười năm ở Thái Bình là thời gian trôi dạt lênh đênh mà nhà thơ gọi là “mười năm gió bụi”.
Năm 1796, Nguyễn Du trở về quê cha ở Hồng Lĩnh. Theo gia phả: “Mùa đông năm Bính Thìn (1796), ông toan vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh. Việc bại lộ, ông bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận bắt giam. Quận công Thận là bạn thân của anh ông là Nguyễn Nễ, vả lại cũng tiếc tài ông, nên chỉ giam ông mấy tháng rồi tha”...
Một sự kiện lịch sử đã đem lại một sự biến đổi trong đời ông là khi Tây Sơn thất bại. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Trong Đại Nam chính biên liệt truyện có chép: “Đến khi có lệnh gọi, ông không thể chối, bất đắc dĩ phải ra”. Tháng 8 năm ấy được bổ làm Tri huyện Phù Dung (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), tháng 11, đổi làm Tri phủ Thường Tín. Sang năm sau được cử lên cửa Nam Quan tiếp sứ thần Trung Quốc. Năm 1805, được cử làm Giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương. Năm 1809, được bổ nhiệm làm Cai bạ dinh Quảng Bình. Nguyễn Du giữ chức này trong bốn năm liền. Gia phả chép: “Phàm những việc công trong hạt như lính tráng, dân sự, kiện thưa, tiền nong, lương thực và các hạng thuế, đều bàn bạc thương thuyết với các quan lưu thủ, ký lục để thi hành. Ông giữ chức Cai bạ bốn năm, chính sự giản dị, không cầu tiếng tăm, nên được sĩ phu và nhân dân yêu mến”...
Năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Sau khi về nước, năm 1815, ông được thăng Hữu tham tri Bộ Lễ.
Cũng sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Đối với nhà vua thì ông chỉ giữ hết bổn phận, chứ không hay nói năng điều gì”, và “đến khi ốm nặng ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói với ông đã lạnh rồi, ông nói “được” rồi mất, không trối lại điều gì”. Ông mất năm 1820, khi đó 55 tuổi.
Làm quan nhà Nguyễn, nhưng Nguyễn Du vẫn sống cảnh thanh bạch, nhiều lúc gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Theo gia phả thì ông có ba vợ, 18 người con (12 trai, 6 gái).
Làm quan với một tâm trạng bất đắc dĩ, và bất đắc chí, nghèo khó mà vẫn giữ lòng trong sạch và sống gần những người đau khổ dưới chế độ phong kiến suy tàn, đặc biệt là dưới chế độ khắc nghiệt tàn bạo của Gia Long, Nguyễn Du đã dần dần thấy bộ mặt thực của bọn quyền quý. Sau này, trong thời gian làm Chánh sứ sang Trung Quốc, trong tập thơ Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã có dịp thông qua xã hội phong kiến nhà Thanh mà lớn tiếng ca ngợi những con người dũng cảm, khí phách, đả kích những phường gian nịnh, tàn bạo, xót thương những người nghèo khổ, đặc biệt là bênh vực và xót thương những người phụ nữ tài sắc bị vùi dập.
Nguyễn Du đã thấy rõ trong cái xã hội mục nát thời cuối Lê sang Nguyễn những tên quan lớn quan bé, hạng tiểu nhân hám danh trục lợi... Chúng là những lũ ma quỷ hoành hành giữa cõi người.
Trong xã hội như vậy thì nhân dân tất phải chịu bơ vơ oan khổ, người trung nghĩa cương trực cũng khó có chỗ dung thân. Cho nên Nguyễn Du đau xót chung cho cả cuộc đời, xót thương số phận hẩm hiu của những người đang sống và của những người đã chết.
Nguyễn Du dành phần xót thương sâu sắc của mình đối với lớp người yếu đuối, đau khổ nhất trong xã hội phong kiến là phụ nữ - “đau đớn thay phận đàn bà”, lời kêu thương đó được thốt lên nhiều lần trong thơ ông.
Về sáng tác của Nguyễn Du, ngoài Truyện Kiều nổi tiếng, những tác phẩm viết bằng chữ Nôm của ông có bài Văn chiêu hồn (còn gọi là Văn tế thập loại chúng sinh), bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu và bài thơ Thác lời trai phường nón. Những sáng tác bằng chữ Hán của ông gồm ba tập thơ là Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục.
Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc, là tập đại thành của văn học phong kiến, là người kế thừa một cách sáng tạo truyền thống tốt đẹp của văn học dân tộc và nâng truyền thống ấy lên một đỉnh cao chói lọi. Đương nhiên nói đến Nguyễn Du là nói đến kiệt tác Truyện Kiều, thi phẩm đã được chuyển thể, chuyển dịch, sáng tạo lại nương theo cốt truyện tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Đồng thời với xu thế lược giản cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết, thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du còn thể hiện ở việc nâng cấp, gia tăng chất trữ tình, khai thác tâm trạng nhân vật và diễn tả phong cảnh thiên nhiên. Xu thế gia tăng này không chỉ được đo đếm bằng số lượng câu chữ mà bao gồm cả cách thức sáng tạo, nhấn mạnh, cô đúc, tinh lọc, tinh luyện những câu văn xuôi thành lời thơ sâu lắng, gợi cảm, đi sâu vào lòng người.
Ngay từ mấy câu thơ mở đầu kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã bày tỏ được quan niệm sáng tác của mình cũng như khái quát được một phương diện quan trọng nhất trong nội dung trữ tình Truyện Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...
Nếu như ở tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đối tượng được phản ánh là sự đan dệt của hiện thực chữ tình – đại kinh với một bên là chữ khổ – đại vĩ và tấn bi kịch phổ quát về những số phận con người “giai nhân mệnh bạc, hồng phấn thời thừa”, thì đến Truyện Kiều, triết thuyết “tài mệnh tương đố” - Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau - đã được chuyển hóa trong cảm hứng trữ tình, bằng tiếng nói trữ tình ngoại đề và nỗi “đau đớn lòng” của chính tiếng lòng Nguyễn Du.
Từ trước đến nay, bạn đọc và giới nghiên cứu ngày càng thâu nhận sâu sắc vai trò của tiếng nói trữ tình trong Truyện Kiều. Phạm Quỳnh cảm nhận Thúy Kiều là “một kẻ sầu nhân” và Truyện Kiều là “một thiên lịch sử thống thiết của tác giả”. Hoài Thanh xác nhận Truyện Kiều như một “tiếng kêu thương”. Lê Đình Ky khai thác vấn đề “tình nghĩa từ Truyện Kiều”, “tình thương bao la” và khái quát thành “văn hóa nghĩa tình Việt Nam”. Trần Đình Sử từ điểm nhìn lý luận đã mã hóa sắc thái “giọng điệu cảm thương”, “giọng điệu nghệ thuật cảm thương”, “môi trường tình thương”, “nhân vật thể hiện tình thương”, “thương người xót thân” và một “chủ nghĩa cảm thương” tạo nên giọng điệu chủ lưu có sức rung cảm sâu xa trong lòng người đọc. Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh “cái tôi trữ tình của Nguyễn Du”, “cảm hứng đau đời, thương người”... Trong Truyện Kiều quả đã xuất hiện đậm đặc một số lượng từ cảm thán và bao quát nhiều cung bậc tình cảm, trạng thái tâm lý khác nhau như Ôi, Hỡi, Hỡi ôi, Chàng ôi, hiển Than ôi, Thương ôi... Đây là những sắc thái cảm thương đỉnh cao, hiện trực tiếp, sâu sắc và rõ nét trong Truyện Kiều. Việc phân tích, so sánh những lời cảm thán câu cảm thán - đoạn văn có lời cảm thán trong Truyện Kiều sẽ cho thấy rõ hơn định hướng cảm hứng nghệ thuật cũng như khả năng sáng tạo bậc thầy của nhà nghệ sĩ ngôn từ Nguyễn Du.
Trong Truyện Kiều, có một lần Nguyễn Du sử dụng liền hai từ cảm thán trong một câu:
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Đây là dòng thơ nằm ở cặp câu lục bát cuối cùng trong một đoạn 38 câu thơ diễn tả lời Thúy Kiều nói với Thúy Vân về mối tình riêng, về đức hiếu sinh với mẹ cha, về việc cậy nhờ em gái thay mình đền đáp lại tấm tình chàng Kim... Xét nguyên tác Kim Vân Kiều truyện, hồi 7, lời cảm thán này không nằm trong đoạn Thú Kiều nói với Thúy Vân mà là lời Thúy Kiều tự nhủ, tự bày tỏ nỗi lòng trước khi thành thân cùng Mã Giám Sinh. Trong nguyên tác, sắc thái cảm thán cũng rất rõ nét: “Kim sinh! Kim sinh! Nhĩ thê tử kim nhật dữ nhĩ phân ly liễu.” (Chàng Kim! Chàng Kim! Bữa nay vợ chàng chia ly cùng chàng đây...). Khi chuyển sang Truyện Kiều, Nguyễn Du đã cảm lại, sắp xếp lại các chi tiết, tình tiết và chuyển hóa chúng trong hình thức nghệ thuật thi ca hết sức cô đọng, sâu lắng. Sắc thái cảm thán cũng được chuyển hóa phù hợp với tư duy thơ ca, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt. Các chữ Ôi và Hỡi được đặt ở đầu hai vế câu vừa là tiểu đối vừa là sự tiếp nối, trùng điệp, nhấn mạnh. Lời cảm thán Ôi Kim lang! được nhắc lại, nhân đôi số lượng câu chữ nhưng sắc thái cảm xúc thì tăng gấp bội. Thêm nữa, khi nhắc lại lời cảm thán, chữ Ôi được thay bằng Hỡi, rõ ràng âm hưởng hô ứng, đăng đối tự nó đã khơi gợi cảm xúc về một lời than, một lời viếng tế, tiếng khóc bi ai. Câu thơ tiếp nối Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây! đồng thời cũng là câu kết cho cả một đoạn thơ dài 38 câu bày tỏ nỗi lòng Thúy Kiều với hai từ điệp Thôi thôi (biểu cảm sự thảng thốt, dồn nén tâm trạng bất lực, vô vọng) và ba chữ cuối cùng đều là thanh bằng (tạo âm hưởng hụt hơi, bế tắc, cùng cực)... Vậy là lời cảm thán đã phát huy tác dụng. Đó cũng chính là ưu thế của tiếng nói thi ca và chất trữ tình đã được Nguyễn Du chuyển hóa, nâng cấp về chất so với hình thức tự sự của nguyên tác.
Có thể xác định chiều hướng chung, mỗi khi giọng điệu trữ tình và lời cảm thán trong Truyện Kiều gia tăng thì có nghĩa phần cốt truyện, sự kiện ở đó so với Kim Vân Kiều truyện lại được lược giản, tóm tắt, chuyển hoá, thay thế; đồng thời mỗi khi có cơ xuất hiện những tấn bi kịch, những bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật, những tâm trạng khắc khoải buồn vui hay những đúc kết triết lý về số phận con người thì thường được Nguyễn Du chú trọng khai thác, gia tăng lời cảm thán và giọng điệu trữ tình. Chính những điều này đã làm nên giá trị nghệ thuật đặc sắc cho truyện Kiều và thiên tài nghệ thuật nguyễn Du.
Năm 1790, Nguyễn Du có dịp đến Thăng Long thăm anh là Nguyễn Nễ. Chính trong dịp này, ông đã chứng kiến sự ăn chơi của các quan Tây Sơn, rồi tả lại trong Long thành cầm giả ca:
Tây Sơn chư thần mãn toạ tận khuynh đảo,
Triệt dạ truy hoan bất tri bão.
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu,
Nê thổ kim tiền thu thảo thảo.
(Các quan Tây Sơn trong tiệc rượu
Mảng vui suốt đêm không biết chán.
Phía tả, phía hữu tranh nhau gieo thưởng,
Tiền bạc coi rẻ như đất bùn) đều ngả nghiêng,
Trên hết cả, bài thơ dài đã khắc họa sâu sắc những đổi thay của cả một thời và cả một đời người, bày tỏ mối tương liên đồng cảm thương người se sắt nỗi thương thân. Xin dẫn một đoạn bản dịch:
... Khúc xưa đàn lên từng tiếng mà nước mắt tôi thầm rơi,
Tai lắng nghe mà trong lòng đau xót.
Bỗng sực nhớ chuyện hai mươi năm trước,
Từng thấy cô ta trong bữa tiệc bên hồ Giám.
Thành quách đổi dời, việc người cũng khác,
Bao nơi nương dâu trở thành biển cả.
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết,
Mà còn sót lại một người trong làng ca múa.
Trăm năm thấm thoát có là bao,
Cảm thương việc cũ, nước mắt thấm áo.
Tôi từ Nam hà trở lại, đầu bạc trắng hết,
Không trách nhan sắc người đẹp suy tàn.
Hai mắt trừng trừng luống tưởng chuyện trước,
Thương thay gặp mặt mà không nhận ra nhau!
Nguyễn Du nhấn mạnh sự đối lập giữa hôm nay và hôm qua, giữa việc làm quan và cuộc sống tự tại, giữa sự bó buộc và tháng ngày lãng du:
Thử thân dĩ tác phàn lung vật,
Hà xứ trùng tầm hãn mạn du?
(Tân thu ngẫu hứng)
(Thân này đã là vật trong lồng rồi,
Còn tìm đâu được cuộc đời phóng khoáng tự do nữa?)
(Đầu mùa thu ngẫu hứng)
Đặc biệt khi viết về chiến tranh, ông mừng vui khi đất nước thu về một mối, gián cách ngay cả với những ta - địch, chính - phản, thắng - thua mà đề cao đức hiếu sinh, vẻ đẹp hồn toàn của tạo hoá và cuộc sống thanh bình:
Nam Bắc xa thư khánh đại đồng,
Pháo đài hư thiết thổ thành đông.
Sơn băng thạch liệt thành do tráng,
Hán đoạt Tần tranh sự dĩ không.
Tạc giả đại khuy sinh vật đức,
Nhĩ lai bất quí sát nhân công.
Thanh bình thời tiết vô tranh chiến,
Ngưu độc ưu sừ chính trọng nông.
(Pháo đài)
(Nam bắc, xe và chữ viết, mừng đã giống nhau,
Pháo đài bỏ không ở phía đông thành đất.
Núi lở đá tan, nhưng bức thành còn vững,
Nhà Hán nhà Tần tranh giành nhau, chuyện đã qua.
Trước kia thương tổn rất nhiều đến đức muốn muôn vật sinh tồn,
Giờ đây không quí cái công giết người nữa.
Trong buổi thanh bình không có chiến tranh,
Trâu bò cày bừa, chính giờ là lúc coi trọng nghề nông)
Phải ghi nhận rằng tâm thức Nhĩ lại bất quí sát nhân công (Giờ đây không quí cái công giết người nữa) của Nguyễn Du thật vô cùng siêu việt, hiện đại, đạt đến tầm cao giá trị nhân văn muôn thuở, đạt tới tính Phật, tinh thần yêu chuộng hoà bình của bậc hiền triết, minh triết.
Tập thơ thứ ba Bắc hành tạp lục, bên cạnh mấy bài thơ viết về Thăng Long thì tất thảy đều viết về chuyến đi sứ Trung Quốc kéo dài qua suốt một năm trời. Tập thơ với số lượng bài lớn, đề tài phong phú, có ý nghĩa kết tinh các giá trị nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Khi khác là nỗi tủi hờn, cảm thông, tiếc nuối lúc gặp lại nàng hầu cũ của người em:
Hồng tụ tằng vân ca uyển chuyển,
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly.
(Ngộ gia đệ cựu ca cơ)
(Từng nghe giọng ca uyển chuyển khi mặc áo hồng,
Nay đầu bạc gặp nhau, khóc than nỗi lưu ly)
(Gặp người hát cũ của em)
Tháng 2 năm 1813, ông được thăng Cần chánh điện đại học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Khi đi qua Thăng Long, lúc này đã thay đổi nhiều, do việc năm 1805 Gia Long đã hạ lệnh phá thành cũ, xây thành mới nhỏ hơn. Cảnh vật biến thiên đã làm nhà thơ xúc động. Sau nhiều năm trở lại Thăng Long, Nguyễn Du xúc cảm về một kinh đô dâu bể, bâng khuâng với thành quách đổi thay, xót thương từ một kiếp ca nhi, một nàng hầu và biết bao người xưa cảnh cũ đã phai bạc dần theo năm tháng. Có thể nói Nguyễn Du đã viết những vần thơ cảm khái về Thăng Long đạt đến độ tuyệt bút, biểu cảm được tấm lòng thi nhân thao thức trong một đêm trăng, trước vô hạn những buồn thương bởi sự chuyển hoá, đổi thay của con người và đất trời:
Tản Lĩnh, Lê Giang tuế tuế đồng,
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.
Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung.
Tương thức mỹ nhân khan bão tử,
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy,
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.
(Thăng Long, kỳ nhất)
(Núi Tản sông Lô hằng năm vẫn thế,
Đầu bạc, còn được thấy Thăng Long.
Những ngôi nhà đồ sộ nghìn xưa, nay thành đường cái,
Một dải thành mới làm mất dấu vết cung điện cũ.
Những cô gái xinh đẹp quen biết nay đều ẵm con,
Những bạn hào hiệp lúc trẻ nay thành ông già.
Suốt đêm nghĩ ngợi thao thức không ngủ,
Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng sáng)
(Thăng Long I):
Thăng Long là nơi chôn rau cắt rốn của Nguyễn Du, là nơi nhà thơ có nhiều kỷ niệm nhất, nhiều bạn bè nhất. Sự thay đổi của Thăng Long, kèm theo sự tan rã của gia đình ông, đã khiến ông nghĩ đến ý sau, hơn nghĩ đến ý trước.
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt,
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh.
Thế sự phù trầm hưu thán tức,
Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh.
(Thăng Long, kỳ nhị)
(Xưa nay phú quý vẫn là cái mồi xui khiến người ta cướp đoạt lẫn nhau,
Bạn bè hồi tuổi trẻ, nay kẻ mất người còn.
Thôi đừng than thở chuyện đời, chìm nổi nữa,
Nay mái tóc mình cũng đã bạc lốm đốm rồi)
(Thăng Long II)
Năm 1820, Minh Mệnh lên nối ngôi vua thay Gia Long, Nguyễn Du lại được đi làm Chánh sứ Trung Quốc, nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh nặng. Nguyễn Du mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (tức ngày 16 tháng 9 năm 1820) thọ 54 tuổi. Vào năm Ất Tị (1965), Hội đồng Hòa bình thế giới đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 200 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-1965) với tư cách danh nhân văn hóa của cả nhân loại./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội