Bắc nhịp cầu nối kịch bản sân khấu đến với đơn vị nghệ thuật
Sáng 22/11, tại Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Giới thiệu các tác phẩm kịch bản sân khấu được hỗ trợ năm 2023” với sự tham gia của các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ cùng đại diện các đơn vị nghệ thuật Thủ đô. Tọa đàm là dịp để Hội Sân khấu Hà Nội “quảng bá” các kịch bản sân khấu của các hội viên đến với các đơn vị nghệ thuật Thủ đô.
20 kịch bản sân khấu được giới thiệu tại tọa đàm bao gồm 1 kịch bản rối, 2 kịch bản chèo và 17 kịch bản kịch nói là những tác phẩm đã được hỗ trợ kinh phí sáng tạo của Hội Sân khấu Hà Nội năm 2023.
Đề tài khá các kịch bản khá đa dạng. Về lịch sử có kịch bản “Tướng quân Lê Hoàn” của tác giả Lê Quý Hiền, “Dời đô” của Trần Tuấn Hải, “Hoàng Diệu” của Phạm Ngọc Dương, “Đối thoại với tiền nhân” của Trịnh Quang Khanh...
Về chiến tranh, cách mạng có kịch bản “Đứa con nuôi” của Trần Chỉnh, “Mãi mãi tuổi thanh xuân” của Nguyễn Giang Phong, “Một thời đã qua” của Phùng Khánh, “Nơi tình yêu tìm về” của Nguyễn Thị Vân Kim, “Băng đạn cuối cùng” của Trần Trí Trắc, “Ngàn mây áo cưới” của Lê Thế Song.
Đề tài hiện đại với những vấn đề thời sự, “gai góc” trong cuộc sống được đề cập trong các kịch bản: “Căn hộ trong thành phố” của Nguyễn Thị Minh Nguyệt, “Chuyện vặt của người cao tuổi” của Cao Giáng Hương, “Khát vọng tuổi trẻ” của Lệ Dung, “Những đứa trẻ khác thường” của Nguyễn Toàn Thắng, “Người con gái ra tòa” của Xuân Cung, “Số phận bị đánh tráo” của Phạm Thanh Liễu, “Trinh nguyên” của Phạm Hữu Huề.
Ngoài ra, còn có 3 kịch bản viết cho thiếu nhi là “Hoàng hậu độc ác và công chúa bé nhỏ” của Nguyễn Đăng Tiến, "Bà chúa tuyết" của Ngô Tuyết Lan và “Trong khu rừng nhỏ” của Trương Thị Huyền.
Tại tọa đàm, các tác giả đã trình bày tóm tắt nội dung kịch bản cũng như thông điệp của tác phẩm.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, NSND Bùi Thanh Trầm đề cập tới những thách thức của sân khấu cả nước nói chung, sân khấu Hà Nội nói riêng. Đó là tình trạng khán giả thờ ơ, nhiều ngành đào tạo truyền thống không tuyển được sinh viên, số lượng vở diễn mới được trình làng tới công chúng vẫn dừng mức khiêm tốn. Bên cạnh đó là sự thiếu vắng các tác phẩm sân khấu đỉnh cao; thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, có bản lĩnh dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại...; thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp. Và đặc biệt là sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề cũng như người thưởng thức.
NSND Bùi Thanh Trầm nhấn mạnh: “Những người làm sân khấu nói chung, Hà Nội nói riêng từ lâu vẫn duy trì được sự cộng tác giữa các tác giả và các nhà hát, tuy nhiên mối quan hệ trên chỉ mang tính cá nhân chứ chưa phát triển một cách rộng rãi; chưa xây dựng được mối quan hệ khăng khít giữa các tác giả kịch bản sân khấu với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật để khắc phục tình trạng các kịch bản sân khấu hầu như “đắp chiếu” hiện nay. Vì vậy, cuộc tọa đàm này được tổ chức với mong muốn tạo nhịp cầu nối giữa các tác giả với đơn vị nghệ thuật, qua đó tìm “đầu ra” cho kịch bản sân khấu.
“Đây là lần thứ hai, Ban Chấp hành Hội Sân khấu tổ chức tọa đàm giới thiệu tác phẩm kịch bản sân khấu được Hội hỗ trợ. Chúng tôi hi vọng, qua buổi tọa đàm này sẽ có nhiều kịch bản của các tác giả là hội viên được các đơn vị nghệ thuật lựa chọn dàn dựng, giới thiệu tới công chúng để sân khấu Thủ đô ngày càng khởi sắc, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, NSND Thanh Trầm bày tỏ.
Cùng với việc giới thiệu các kịch bản sân khấu được hỗ trợ năm 2023, tại tọa đàm, đạo diễn Đường Minh Giang, Ths Phạm Thị Hồng và tác giả Nguyễn Trung Hậu cũng đã có tham luận trao đổi xoay quanh các vấn đề: Sân khấu đa dạng với lịch sử truyền thống, Sân khấu với đề tài hiện đại./.