Văn hóa – Di sản

Bà Huyện Thanh Quan – thi nhân muôn đời

Nguyễn Vinh Phúc 21/11/2023 09:44

Về tiểu sử bà, các sách cũ đều không ghi được mấy, thậm chí tên thật cũng không! Như Văn đàn bảo giám (1926) chỉ ghi được: “Bà là con ông đại nho họ Dương, người làng Nghi Tàm”.

ba-huyen-thanh-quan.jpeg
Tranh minh họa Bà Huyện Thanh Quan.

Mãi tới thập kỷ 60 của thế kỉ XX, các ông Tảo Trang, Bùi Văn Nguyên mới đưa ra giả thuyết mới: bà tên là Nguyễn Thị Hinh, song con ai thì không biết, chỉ đoán là con cháu Nguyễn Lý đỗ thủ khoa năm 1783, là Đốc học Sơn Tây và Hải Dương. Về chồng bà thì Văn đàn bảo giám ghi tên là Lưu Nghi, người làng Nguyệt Áng (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội), đỗ Cử nhân năm 1821. Song giả thuyết mới lại cho rằng chồng bà là Lưu Nguyên Ôn cũng người làng Nguyệt Áng, đỗ Cử nhân năm 1828, làm Tri huyện Thanh Quan, sau bị cách chức chuyển về kinh đô Huế làm một chức quan nhỏ. Ông này sinh năm 1804, mất năm 1847.

Vậy tài liệu nào chính xác - đó là vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Có điều là sách Quốc triều đăng khoa lục có ghi Lưu Nghi đỗ Cử nhân 1821, làm Tri huyện, còn về Lưu Nguyên Ôn thì chỉ ghi đỗ Cử nhân năm 1828.

Cũng theo Văn đàn bảo giám thì Bà Huyện Thanh Quan có tiếng là hay chữ, từng được mời vào Huế giữ chức Cung trung giáo tập, là chức phụ trách việc dạy cho các công chúa và phi tần: “Vua Tự Đức có ban thơ chữ và thơ Nôm, bà phụng hoạ cũng nhiều, vua rất quý trọng”...

Tuy vậy, ngày nay chỉ còn giữ được của bà một số bài thơ Nôm, tên gọi có lẽ do người đời đặt cho, như các bài Qua đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, Chơi chùa Trấn Bắc, Tức cảnh chiều thuChiều hôm nhớ nhà.

Cả năm bài đều là thất ngôn bát cú, đều rất mực đúng luật thơ Đường, bằng trắc nghiêm chỉnh.

Ngoài ra thơ bà trang trọng, giầu nhạc tính, sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, dùng từ Hán - Việt có mức độ, tao nhã, cao sang, có tính chất cổ điển.

Cả năm bài đều gắn với cảnh vật, thiên nhiên. Cảnh vật, thiên nhiên trong thơ bà Thanh Quan không tươi tắn, rộn ràng như thơ Xuân Hương mà bàng bạc sắc màu u hoài. Trong năm bài thì ba bài là cảnh chiều tà:

- Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn

(Chiều hôm nhớ nhà)

- Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

(Qua đèo Ngang)

- Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

(Thăng Long hoài cổ)

Hai bài còn lại tuy không nêu thời gian cụ thể nhưng cũng ảm đạm:

- Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu

(Chơi chùa Trấn Quốc)

- Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa

(Tức cảnh chiều thu)

Trong cái khung thời gian chiều hôm muộn mằn đó, mọi vật như ủ ê, quạnh quẽ, lẻ loi.

- Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

- Gác mái ngư ông về viễn phố,

Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

- Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa,

Khen ai khéo vẽ cảnh tiểu sơ.

- Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

Lom khom, lác đác, viễn phố, cô thôn, gió cuốn, sương sa, bước dồn, bay mỏi, thánh thót, tiêu sơ... đều là những chữ tượng hình lên cái bé bỏng, rời rạc, xa vời, vắng lặng và cô liêu.

Như vậy là vì cảnh gắn với tình, trước hết là tình của tác giả, mà tình cảm nổi nhất ở thơ Thanh Quan là sự “chạnh niềm cố quốc”, “nhớ nước đau lòng”. Thật cũng lạ, lúc này nước ta chưa mất, còn độc lập. Vậy cái cố quốc, cái nước cũ mà tác giả thấy đau lòng khi nghĩ tới là nước nào vậy?

Có lẽ đó là một khái niệm đất nước trừu tượng, đại diện cho quá khứ và tốt đẹp hơn hẳn cái hiện tại (tức là dưới triều nhà Nguyễn). Và như vậy đây chính là tâm trạng của cả một lớp người đã nhận thức ra cái không được lòng dân của chính quyền nhà Nguyễn thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, song đồng thời họ cũng tự thấy là bất lực không làm được gì để thay đổi.

Bất lực nên chỉ biết than vãn:

- Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

- Dừng chân đứng lại trời non nước,

Một mảnh tình riêng ta với ta

Một mình biết một mình hay và cũng chỉ biết san sẻ nỗi niềm với... chính mình.

Đó chính là tâm trạng của cả một lớp sĩ phu trong giai đoạn ngột ngạt sắp cáo chung chế độ phong kiến.

Nói tóm lại, nội dung thơ Bà Huyện Thanh Quan là tâm sự của một người không bằng lòng với thời cục, mong mỏi sự tốt đẹp như đã có ở một thời xa xôi trước đây. Nhưng hình thức thơ của bà thì vào hạng “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Thơ Đường luật làm đến như vậy thì chẳng khác nào thơ của các thi sĩ đời Thịnh Đường.

Xin lấy bài Thăng Long hoài cổ làm dẫn chứng. Thực ra cái tên là do người đời sau đặt ra, cũng như các tên Qua đèo Ngang, Chơi chùa Trấn Bắc... Song nội dung bài thơ thì đúng là giãi bày nỗi lòng hoài cổ về cố đô Thăng Long.

Tạo hoá gây chi cuộc hi trường. Câu mở đầu là một câu hỏi bâng quơ vì hỏi trời và đất tức là chẳng hỏi ai cả, nhưng nội hàm câu hỏi thì là cả một vấn đề thế sự. Vì trời đất bày đặt ra làm gì như một tấn tuồng ở Thăng Long thành đã bị bỏ rơi này. Đúng là tấn tuồng bởi tác giả đã chứng kiến sự đổi thay thời thế quá nhanh quá lẹ ở dải đất cố đô như các lớp lang diễn ra trên chiếu chèo, chiếu tuồng ở giữa một sân đình. Nguyễn Hữu Chỉnh, Võ Văn Nhậm, Trịnh Lệ, Trịnh Bồng múa may trên sân khấu chính trị không quá hai năm. Rồi quân Thanh sang, quân Tây Sơn diệt Mãn Thanh, vua Quang Trung anh hùng nhưng mệnh đoản. Gia Long phá toà nhà thành cổ nghìn tuổi xây lại thành kiểu Tây và bao nhiêu “nguy Tây Sơn” bị hại. Rồi các trấn có từ ngàn xưa phút chốc bị xoá bỏ, thay bằng các tỉnh mới tinh. Chẳng là hí trường, là tấn tuồng thì còn là gì nữa. Cho nên Bấy lâu thấm thoát mấy tinh sương. Bấy lâu là bao lâu? Một tháng? Một năm? Một thế kỷ? Hay vài ba trăm năm? Bấy lâu là một khái niệm vô định về thời gian. Bao nắng sớm, sương chiều tuần hoàn kế tiếp nhau, bỏ mặc sự quan tâm hay không của con người. Chỉ biết là tháng ngày đằng đẵng đổi thay một cách vô tình trước khách Thăng Long hoài cổ. Chỉ biết là Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Thuở nào Thăng Long lọng tía, tán vàng, ngựa xe tấp nập lại qua qua lại trên các nẻo đường hoa hoè hoa liễu, nay vắng ngắt. Dấu chân ngựa và dấu bánh xe cũ càng nay đã im lìm bị cỏ úa vàng trong gió lạnh đầu thu bao phủ, dấu hiệu của một lãng quên đến tội nghiệp. Và Nền cũ lâu đài bóng tịch dương là chỉ các cung điện cũ đã bị phá huỷ (như Nguyễn Du từng nhận xét: Thiên niên cự thất thành quan đạo - Ngàn năm cung lớn thành đường cái), chỉ còn sót lại vài cái nền trơ trẽn tràn ngập bóng mặt trời sắp lặn, với ánh nắng hoàng hôn vàng vọt cô liêu. Ánh nắng thoi thóp dật dờ như thương tiếc, cố níu giữ lại một hình ảnh huy hoàng một thuở.

Cho nên Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang hương. Nhũ viên gạch đá vô tình, tĩnh vật, vô tri vô giác chẳng đoái hoài tới sự thay đổi ở cố đô mà lại như thách thức sự qua đi của năm tháng. Tuế nguyệt với bao mất mát được thua, đá chẳng cần gì. Riêng có mặt nước của sông hồ còn có tình, xao động nên cảm thông được sự biến đổi của thời gian và quang cảnh, còn tỏ ra đau lòng trước sự phũ phàng của cuộc thế. Vì vậy mà Nghìn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường. Lịch sử chính là tấm gương để cố nhân soi vào đó mà suy ngẫm, mà ứng xử để vơi đi nỗi đau tan ruột nát lòng. Một bài thơ luật cực kỳ nghiêm chỉnh và một tấm lòng hướng về một ngày xưa mà tác giả thực sự trân trọng, luyến lưu.

Cuối cùng có lẽ cũng cần kể lại hai giai đoạn trong đời thường của bà để có thể hiểu thêm về nhà thơ nữ Hà Nội đặc sắc đầu thế kỷ XIX này.

Chuyện kể rằng khi ông huyện Thanh Quan đi vắng, bà thường vẫn nhận đơn thay chồng. Một hôm có một ông Hương cống mới đỗ, đệ đơn xin làm thịt trâu để ăn khao. Lúc ấy đang mùa cày cấy, theo lệnh trên không được mổ trâu, nhưng vốn là một nhà thơ nên bà huyện cũng chiếu cố ông Cử tân khoa, lại cũng muốn nhân dịp đùa ông cử bằng văn tự chơi, Bà liền cầm bút phê vào đơn hai câu rằng:

Người ta thì chẳng được đâu,

Ừ thì ông cống làm trâu thì làm.

Một hôm khác cũng gặp lúc quan huyện đi vắng, có người phụ nữ tên Nguyễn Thị Đào đưa đơn xin bỏ chồng vì chồng đi biệt tích. Bà liền phê vào đơn bốn câu:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào,

Nước trong leo léo cắm sào đợi ai?

Chữ rằng “xuân bất tái lai”,

Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.

Cô Thị Đào cứ thế mà đi lấy chồng. Ai dè ít lâu sau anh chồng cũ trở về. Anh ta đâm đơn kiện quan huyện. Và thế là quan huyện bị cách chức vì đã để vợ dúng vào việc quan. Chuyện kể như vậy thực hư thế nào chưa rõ. Chỉ biết là qua hai chuyện, Bà Huyện Thanh Quan hơi coi thường nho sĩ và ưu ái với phái nữ./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Vinh Phúc