Văn hóa – Di sản

Miếu Diều (huyện Đan Phượng) được xếp hạng Di tích lịch sử nghệ thuật

Việt Thương 21/11/2023 15:35

Di tích lịch sử nghệ thuật miếu Diều hay còn gọi là miếu Châu Trần (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) vừa đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật cấp Thành phố.

120231121080921.jpg
Miếu Diều (huyện Đan Phượng).

Bá Dương Nội là một làng cổ thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Trước đây, làng thuộc xã Bá Dương, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, trải qua quá trình phát triển lâu dài, người dân làng Bá Dương Nội vẫn giữ gìn, vun đắp, duy trì nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, như: Lễ hội rước bánh dày, lễ hội thi thả diều vào 15-3 Âm lịch. Trong đó, lễ hội thả diều đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian năm 2004.

Gắn với lễ hội thả diều và thú chơi diều ở làng Bá Dương Nội là tín ngưỡng thờ thần linh châu thổ tại ngôi miếu Châu Trần (còn gọi là miếu Diều).

Việc miếu Diều được công nhận di tích lịch sử nghệ thuật không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà còn xác lập cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học cho việc bảo tồn phát huy các giá trị lâu dài cho di tích.

UBND Thành phố Hà Nội giao UBND huyện Đan Phượng chịu trách nhiệm công khai khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và tổ chức lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới trên thực địa theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành; UBND xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) quyết định thành lập Ban quản lý di tích; tổ chức quản lý mặt bằng và không gian di tích, hiện vật thuộc di tích, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, sử dụng nguồn thu của di tích theo quy định tại Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 và Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy chế, sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nghiên cấm mọi hoạt động có liên quan tới việc xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã được xếp hạng và khoanh vùng các khu vực bảo vệ. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất, xây dựng tại di tích phải được phép của UBND thành phố Hà Nội./.

Việt Thương