Văn hóa – Di sản

Triển lãm “Khám phá quần thể di tích Điện Phụng Tiên”

Hương Giang 21/11/2023 15:15

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Fulda – Cộng hòa Liên bang Đức (GEKE) tổ chức triển lãm “Khám phá Quần thể Điện Phụng Tiên” vào ngày 20/11.

1.jpg
Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm “Khám phá Quần thể Điện Phụng Tiên”.

Triển lãm được tổ chức nằm trong khuôn khổ khuôn khổ Dự án “Bảo tồn, trùng tu và giáo dục tại Điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế, giai đoạn 2021 – 2026” giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với GEKE. Triển lãm là sự mô phỏng các công trình tại Điện Phụng Tiên được thể hiện bằng hình ảnh minh hoạ trên các tấm kính trong suốt cùng khoảng cách lắp đặt tầm nhìn phù hợp mang lại cho du khách trải nghiệm hoàn thiện về loại hình phục chế ảo dưới dạng chồng lớp trực quan của không gian hiện có với mô hình đồ họa của ngôi điện.

Điện Phụng Tiên (Đại nội Huế) là một trong năm miếu/điện thờ quan trọng của triều Nguyễn và ban đầu có tên là điện Hoàng Nhân được xây dựng vào năm Gia Long thứ 13 (1814) ở bắc Triệu Miếu để thờ Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (Chính thất của hoàng đế Gia Long). Về sau, điện trở thành nơi thờ cúng các vị hoàng đế và hoàng hậu triều Nguyễn.

Năm 1929 hoàng đế Minh Mạng đổi tên là Điện Phụng Tiên và năm 1837 cho dời điện Phụng Tiên về vị trí hiện nay. Lúc này, cấu trúc của Điện Phụng Tiên được dựng theo “cách thức Thế Miếu, đổi làm 9 gian, miếu ở đằng trước, điện ở đằng sau”. Khuôn viên điện Phụng Tiên gồm có 5 công trình chính là chính điện, Đông- Tây Phối điện, Tả- Hữu Tòng Viện và nhiều công trình phối thuộc khác như hệ thống cổng, cửa, bình phong, bể cạn – non bộ…

Năm 1947 Điện Phụng Tiên đã bị phá hủy chỉ còn lại các cổng, hệ thống tường bao quanh và bức bình phong sau ngôi điện. Từ năm 2017 đến nay, quần thể Điện Phụng Tiên đã được khôi phục thông qua dự án hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức để bảo tồn các cấu trúc còn lại, hồi sinh hình dáng và chức năng ban đầu của quần thể.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, từ năm 2020 – 2023 dự án đã bảo tồn, phục hồi bình phong hậu, các cổng và bức tường bao quanh công trình, tái hiện hình ảnh di tích Điện Phụng Tiên thông qua hoạt động phục chế ảo tổng thể kiến trúc Điện Phụng Tiên. Trong giai đoạn này đã đào tạo kỹ thuật cho 11 học viên dự án là các họa sỹ, thợ thủ công lành nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, tổ chức khám phá về di tích Điện Phụng Tiên cho 13 lớp với gần 200 em sinh viên, học sinh với các chương trình như “Tô màu di sản, Bảo tồn di sản, Trò chơi trí nhớ Nghệ thuật Huế, Sáng tạo 3D, Frescoc- Kỹ thuật vẽ truyền thống cho tranh tường, trang trí công trình và trùng tu”.

2.jpg
Các đại biểu tham quan triển lãm “Khám phá Quần thể Điện Phụng Tiên”.

Triển lãm giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về kiến trúc, đời sống tâm linh thời Nguyễn cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật thời kỳ này thông qua phục dựng ảo Điện Phụng Tiên. Dự án đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương và Bộ Ngoại giao CHLB Đức cũng như của các tổ chức nghiên cứu chuyên môn đến từ Đức trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế – ông Hoàng Việt Trung cho biết thêm.

Hương Giang