Văn hóa – Di sản

Vũ Quốc Trân – nhà giáo, nhà văn tài hoa

Nguyễn Thanh Tùng 19/11/2023 16:05

Vũ Quốc Trân, chưa rõ năm sinh năm mất, tên tự, tên hiệu, chỉ biết rằng ông sống cùng thời với Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát (giữa thế kỉ XIX), quê gốc làng Đan Loan, huyện Bình Giang (nay thuộc huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương), nhưng dòng họ từ nhiều đời trước đã di cư ra Thăng Long, ngụ ở phường Đại Lợi (cuối phố Hàng Đào ngày nay). Ông tham gia thi nhiều lần và cũng nhiều lần chỉ đỗ đến Tú tài, vì thế nên người đương thời gọi ông là “cụ Mền Đại Lợi” (ý chỉ người đỗ Tú tài nhiều lần ở phường Đại Lợi). Do không đỗ cao, Vũ Quốc Trân quyết định mở trường dạy học tại nhà. Tương truyền, Vũ Quốc Trân nổi tiếng là hay chữ, giỏi ứng đối, dạy học giỏi, học trò nhiều người đỗ đạt.

vu-quoc-tran.png
Tranh minh họa Bích Câu Kỳ Ngộ của Vũ Quốc Trân.

Theo nghiên cứu của Trần Văn Giáp, dựa vào gia phả dòng họ Vũ ở Mộ Trạch, Vũ Quốc Trân là tác giả của truyện Nôm Bích Câu kì ngộ (gồm 674 câu thơ lục bát). Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có một số ý kiến chưa thừa nhận thành quả nghiên cứu này vì cho rằng các chứng cứ của Trần Văn Giáp còn yếu lí, chưa thực sự thuyết phục. Vì thế, vấn đề tác giả truyện thơ Nôm Bích Câu kì ngộ vẫn chưa thực sự ngã ngũ. Nếu đúng Vũ Quốc Trân là tác giả bản diễn Nôm Bích Câu kì ngộ thì ông có một vị trí nhất định trong văn học Việt Nam nói chung và văn học Thăng Long - Hà Nội nói riêng.

Bích Câu kì ngộ là một câu chuyện xảy ra giữa đất Thăng Long thế kỉ XV, kể về mối tình “kì ngộ” giữa chàng trai nho sĩ lịch lãm đất kinh kì là Tú Uyên và tiên nữ Giáng Kiều. Thời Hồng Đức, có một Nho sinh tên là Trần Tú Uyên, nhà nghèo khó, hay chữ, hay thơ nhưng không thích khoa cử, hoạn lộ, đặc biệt không tin vào quỷ thần, thường lấy việc ngao du sơn thủy qua các thắng cảnh làm thú vui. Một lần đến đất Bích Câu (Ngòi Biếc), cạnh Văn Miếu (Quốc Tử Giám), thấy phong cảnh đẹp đẽ, nên thơ, bèn làm nhà ở đó để ngụ. Một hôm chàng đi xem lễ hội chay ở chùa Ngọc Hồ (nay ở phố Nguyễn Khuyến), chiều xuống, sắp sửa ra về, bỗng từ đâu bay đến một bài thơ có ý trêu ghẹo. Nhìn ra cửa Tam quan, chàng thấy một người con gái rất kiều lệ, dịu dàng, bèn đi theo bắt chuyện. Hai bên đối đáp, giãi bày với nhau rất tâm đầu ý hợp. Đến Quảng Văn Đình (nay là chợ Cửa Nam), cô gái biến mất. Từ đó, Tú Uyên sinh ra ốm tương tư. Nhờ người bạn mách cho, Tú Uyên bèn đến đền Bạch Mã (nay ở phố Hàng Buồm) cầu mộng. Đêm nằm mộng thấy thần Bạch Mã bảo hôm sau nên ra đợi ở Cầu Đông (nay là phố Hàng Đường) thì sẽ gặp lại cô gái. Hôm sau, Tú Uyên ra đợi mãi ở đó đến tận chiều tối, nhưng không thấy ai, chỉ gặp một ông lão bán tranh, trong đó có bức tranh tố nữ giống hệt cô gái chàng đã gặp bữa nọ. Tú Uyên bèn mua tranh về, treo trên vách, cứ đến bữa ăn lại dọn hai cái bát, hai đôi đũa, mời người trong tranh cùng ăn. Một hôm nọ, chàng đi học về thấy có mâm cơm đã dọn sẵn, nhà cửa thì sạch tinh tươm, trong lòng nghi hoặc mãi. Hôm sau, chàng giả vờ đi học nửa đường quay về rình một chỗ, thì thấy người trong tranh bước ra. Chàng bèn chạy vào, xé bức tranh và truy hỏi cô gái. Không còn cách nào, cô gái bèn ở lại với chàng, thú thực mình là Giáng Kiều trên cung tiên xuống, xin được kết duyên chồng vợ. Hai người bèn làm lễ cưới có thiên tiên chứng giám. Giáng Kiều làm phép biến ngôi nhà thành nơi nguy nga tráng lệ. Hai vợ chồng ái ân nồng đượm. Lấy nhau được ba năm, Tú Uyên sinh ra rượu chè say sưa, Giáng Kiều can ngăn, chàng vẫn không nghe. Một lần, quá say, chàng đã mạnh tay “vũ phu” làm nàng quá giận, bỏ đi. Đến lúc tỉnh, Tú Uyên mới hối hận nhưng đã muộn, chỉ biết tiếc thương, than vãn. Một hôm, quá tuyệt vọng, Tú Uyên định tự vẫn, đúng lúc đó Giáng Kiều hiện ra khuyên bảo, chàng bèn từ tạ, rồi hai bên lại tái hợp như xưa. Hai người lại sống với nhau hạnh phúc, sinh được một đứa con trai, đặt tên là Chân Nhi. Giáng Kiều lại khuyên chồng nên bỏ cõi tục về cõi tiên, rồi trao bùa tiên, thuốc tiên để chàng tu luyện. Một hôm, sau khi dặn dò Chân Nhi ở lại cõi trần, hai vợ chồng cưỡi hạc bay về trời. Cốt truyện này đã được sáng tác thành truyện truyền kì chữ Hán có tên Bích Câu kì ngộ kí. Về tác giả truyện ngắn chữ Hán này cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. Có người cho đây là tác phẩm của Đoàn Thị Điểm vì truyện được in trong tập Truyền kì tân phả của bà. Có người nói Bích Câu kì ngộ kí là tác phẩm của Đặng Trần Côn. Có sách cho đây là tác phẩm khuyết danh. Ngày nay người ta nghiêng về giả thiết cho rằng Bích Câu kì ngộ kí là tác phẩm của Đặng Trần Côn. Dù là của ai chăng nữa, đây cũng là một câu chuyện thần tiên mang màu sắc Đạo giáo lãng mạn, lấy bối cảnh là kinh kì hoa lệ. Tên đất, tên người, phong cảnh và cung cách sinh hoạt của kinh thành thời đó được thể hiện sắc nét trong tác phẩm, chẳng hạn: Bích Câu đạo quán (nay ở phố Cát Linh, bên cạnh Văn Miếu), đền Bạch Mã (nay thuộc phố hàng Buồm), chùa Ngọc Hồ hay còn gọi là chùa Tiên Tích (tục gọi chùa Bà Ngô, ở phố Nguyễn Khuyến), phố Cầu Đông (ở khoảng phố Hàng Chiếu), sông Tô Lịch, chợ Cửa Nam, v.v... Có khả năng Vũ Quốc Trân đã “diễn ca” (diễn Nôm) lại truyện ngắn chữ Hán đó. Bản diễn Nôm về cơ bản giữ lại cốt truyện, song cũng có những thay đổi nhất định cho phù hợp với tâm lí, tính cách nhà Nho chính thống của người diễn Nôm (Chẳng hạn, những chi tiết đậm màu “huê tình” trong nguyên tác bị lướt qua, kết thúc có hậu,...). Đặc sắc của tác phẩm là ở ngôn từ, thể thơ lục bát điêu luyện, trau chuốt, có hơi hướng chịu ảnh hưởng của Đoạn trường tân thanh (Nguyễn Du) và Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự). Vì vậy, trong tác phẩm có những câu thơ lục bát rất hay viết về khung cảnh Thăng Long - Hà Nội “phồn hoa đô hội” xưa kia (mà nguyên bản Hán văn không có, hoặc rất mờ nhạt), chẳng hạn:

Thành tây có cảnh Bích Câu,

Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao.

Đua chen thu cúc, xuân đào,

Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông.

Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông,

Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều.

Một vùng non nước quỳnh giao,

Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa.

Hay:

Ngọc Hồ có đám chay tăng,

Nức nô cảnh Phật, tưng bừng hội xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngổn ngang mã tích xa trần thiếu ai...

Dĩ nhiên, những câu thơ như vậy vẫn chưa gột bỏ hết tính ước lệ, khuôn sáo của ngôn ngữ thi ca trung đại nhưng cái chất phong lưu, nền nã, tấp nập, sôi động của đất kinh kì thì có thể cảm nhận được phần nào. Viết được những câu như vậy có lẽ phải là người gắn bó thân thiết với Thăng Long, Hà Nội như Vũ Quốc Trân./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Thanh Tùng