Văn hóa – Di sản

Dương Khuê – nhà nho tài tử

Nguyễn Phương Thảo 19/11/2023 15:24

Dương Khuê là nhà thơ cuối thời trung đại, sinh năm Kỷ Hợi (1839), tự Giới Nhu, hiệu Vân Trì. Ông là người làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội). Xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học, Dương Khuê đỗ Tiến sĩ năm 1868, từng giữ chức Tri phủ Bình Giang (Hải Dương) rồi được thăng Bố chánh.

Đương thời ông cùng nhiều sĩ phu yêu nước chủ ý chống lại việc người Pháp sử dụng sông Hồng buôn bán với Trung Quốc nên bị vua Tự Đức qui là người “Bất thức thời vụ” (Không biết thời cuộc) và bị giáng làm Chánh sứ sơn phòng, đi khai khẩn đất hoang. Sau ông được phục chức, thăng làm Án sát Hải Phòng rồi làm Đốc học Nam Định và thăng Bố chánh. Có thời gian Dương Khuê chuyển về làm Tham tán ở Nha Kinh lược Bắc Kỳ, trải Tổng đốc Nam Định - Ninh Bình rồi thăng hàm Thượng thư. Từ năm Đinh Mùi (1897), khi người Pháp thi hành chính sách trực trị “Chính phủ bảo hộ” thì Dương Khuê cáo quan về nghỉ và mất tại quê nhà ngày 6 tháng 3 năm Nhâm Dần (13 - 4 -1902), hưởng thọ 63 tuổi...

khoc-duong-khue.jpg
Tranh minh họa tác phẩm Khóc Dương Khuê.

Dòng họ của Dương Khuê vốn gốc Hà Tĩnh, từ thế kỉ XVIII thì ra định cư ở Vân Đình. Ông có người em ruột là nhà thơ Dương Lâm. Hai nhà thơ Dương Khuê, Dương Lâm đã làm rạng danh cho dòng họ mình, từng giữ những chức vụ chủ chốt trong triều đình nhà Nguyễn. Người em Dương Lâm (1851-1920), từng làm chức Phó Tổng tài Quốc sử quán, rồi được thăng hàm Thái tử Thiếu Bảo (năm 1902). Các thế hệ con cháu cũng tiếp bước hai ông trở thành những danh sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Giáo sư Tiến sĩ Giáo dục học Dương Thiệu Tống, nhà thơ Dương Tuyết Lan (hiện là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ cổ truyền Hà Nội), nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh (hiện đang làm việc tại Bộ Quốc phòng Hoa kỳ)...

Nhà thơ Dương Khuê sống chủ yếu vào cuối thế kỉ XIX nên cũng có những sáng tác về cảnh quan vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Một bài thơ của ông mang tên Hà Nội tức cảnh có tả cảnh hồ Tây (lâu nay nhiều người vẫn tưởng nhầm là bài ca dao cổ). Bài thơ như sau:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà,

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,

Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây hồ.

Đoạn trên là một bài thơ được xác định là của Dương Khuê chứ không phải là sáng tác dân gian truyền miệng. Tiến sĩ Dương Thiệu Tống đã dựa theo Dương gia phả ký của dòng họ Dương và tham khảo thêm Luận đề về Dương Khuê của Nguyễn Duy Diễn (Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1960) và chép lại nguyên văn bài thơ Hà Nội tức cảnh trong thiện khảo luận Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm (1995) kèm nhận xét về câu mở đầu: “Có người đã sửa đổi câu thơ này là Gió đưa cành trúc la đà, nhưng có lẽ là sai vì làm mất đi ý nghĩa ẩn dụ của toàn câu mà chỉ có ý nghĩa tả cảnh mà thôi”. Như vậy, thi phẩm được xác định là sáng tác của nhà thơ Dương Khuê chứ không phải là bài ca dao dân gian nữa... Bài thơ có đề cập đến những địa danh chốn Thăng Long - Hà Nội xưa. Huyện Thọ Xương thuộc khu vực nhà Thờ lớn, thuộc hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng hiện nay. Quang cảnh hồ Tây mờ ảo trong sương sớm, vang vọng tiếng chuông chùa và xung quanh những cành liễu rủ đìu hiu trong bài thơ mang đến cảm giác thanh thản, thơ mộng: “Những buổi sớm tinh sương mùa đông, khách dạn sương đi trên đường Thanh Niên không thấy trời, không nhìn rõ mặt nước, trên đầu cành lá rũ nặng giọt, bên trái lung linh ánh trăng úa hạ huyền; lúc ấy lòng lâng lâng, không ngâm mà cũng như ngâm câu thơ cổ: Phất phơ ngọn trúc trăng tà... Gà xóm bên hồ đã gáy, chuông hồi đã đổ dồn, đồng bào Bưởi đã dậy giã dó từ lâu. Mặt trời mới hé trên đê Yên Phụ mở ra một tấm gương phẳng lặng rắc phấn hồng.” (Hoàng Đạo Thúy, 1969).

Về sáng tác, Dương Khuê có tập Vân Trì thi thảo và một số thơ văn, câu đối... Nội dung trong các sáng tác của ông có xu hướng “thoát ly, hưởng lạc”. Điều này có lẽ do ông thất vọng về thời cuộc, đặc biệt là thất vọng về triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, ông còn có hàng loạt sáng tác ca trù đạt đến trình độ cổ điển, mẫu mực và điêu luyện như bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Cô đào Cần, Ái Cúc... Đây được coi là những đóng góp đáng kể cho việc xây dựng, định hình thể hát nói - một thể thơ gắn với lối hát ca trù; tên gọi của thể thơ cũng gắn với lối hát này, ở chỗ nghệ nhân ca trù khi diễn phải vừa hát vừa nói lối. Dương Khuê gửi gắm tâm sự mình về thời cuộc trong những nhân vật cô đầu ở các bài ca trù. Xét trên phương diện nghệ thuật, bài hát nói Hồng Hồng Tuyết Tuyết có một cấu trúc chặt chẽ với khổ mưỡu thứ nhất:

Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông,

Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì.

Bây giờ Tuyết đã đến thì,

Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.

Từ hình ảnh cụ thể, thi nhân mở rộng đến cái tình của không gian đất trời với nước biếc non xanh và số đo của thời gian năm tháng đời người trong đoạn mưỡu thứ hai:

Nước, nước biếc, non, non xanh,

Sớm, tình tình sớm, trưa, tình tình trưa.

Nhớ ai tháng đợi năm chờ,

Nhớ người độ ấy, bây giờ là đây.

Cuối cùng là lời nói lối vang hưởng khẩu khí của bậc tài tử gặp giai nhân, niềm cảm khái buồn thương trước dòng thời gian đang biến đổi. Trên tất cả là khát vọng nhân văn và tình người đồng điệu:

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết,

Mới ngày nào chửa biết cái chi.

Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì,

Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu.

Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,

Kim quân hứa giá, ngã thành ông.

Cười cười, nói nói, sượng sùng,

Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.

Riêng một thủ thanh sơn đi lại,

Khéo ngây ngây, dại dại với tình.

Đàn ai? một tiếng dương tranh...

Sau khi Dương Khuê qua đời, thi hào Nguyễn Khuyến có bài thơ Khóc Dương Khuê. Qua bài thơ này chúng ta có dịp hiểu thêm tính cách và con người nhà thơ Dương Khuê thông qua lời kể của bạn thơ Nguyễn Khuyến. Hai ông vốn là đôi bạn tri âm tri kỉ. Họ cùng thi đỗ làm quan, cùng chung “điểm nhìn” về thời cuộc nên gắn bó sâu sắc với nhau. Nguyễn Khuyến bàng hoàng khi nghe tin bạn ra đi: Bác Dương thôi đã thôi rồi/ Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta... Nhà thơ Nguyễn Khuyến bày tỏ lòng thương tiếc về người bạn tâm giao, tri kỉ của mình bằng điệp từ “thôi”, ông tránh nói đến cái chết để tiếp nhận sự thực một cách bình thản, nhẹ nhàng hơn. Vị Tam nguyên này nhớ về những kỉ niệm với bạn. Năm 1864, ông thi Hương đậu Giải nguyên cùng khoa với bạn thân Dương Khuê. Nguyễn Khuyến cho đó là “duyên trời” với Dương Khuê và lại càng tâm đắc khi bồi hồi nhớ lại những tháng ngày cùng bạn làm thơ:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời.

Với Dương Khuê, Nguyễn Khuyến tỏ lòng trân trọng bằng hai thứ tình cảm “kính trọng” và “yêu mến”. Nhà thơ nhớ lại thật nhiều kỉ niệm: cùng đi chơi nơi dặm khách, nơi suối đèo; cùng nhau uống rượu ngâm thơ và ca hát; lại cùng nhau chia ngọt sẻ bùi những tháng ngày sống khó khăn của buổi “dương cửu” (lúc vận hạn, phải chịu cảnh nô lệ, nước mất nhà tan). Nguyễn Khuyến buồn vì sự ra đi của bạn thơ Dương Khuê, nhưng ông cũng tự an ủi lòng mình rằng đó là số phận, là vận mệnh. Tuổi già thì ai rồi cũng phải ra đi như vậy thôi!. Ông tâm sự:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

Phận đẩu thăng chẳng dám tham trời.

Bác già tôi cũng già rồi,

Biết thôi thôi thế thì thôi mới là!...

Trong lịch sử văn học nước nhà hiếm có bài thơ nào viết về tình bạn lại sâu sắc đến như vậy. Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã trải lòng mình kể về những kỉ niệm đẹp đẽ với bạn Dương Khuê. Ông coi Dương Khuê là người bạn lớn và luôn tỏ tấm lòng kính yêu với bạn. Con người và cốt cách Dương Khuê trong bài thơ hiện lên thực sống động và cao đẹp.

Nhà thơ Dương Khuê của thế kỉ XIX là một nhà văn hóa, nhà thơ, nhà trí sĩ ưu thời mẫn thế... Khi sống, ông thể hiện là con người cương nghị, chính trực và tài hoa. Khi mất, người đời, bạn bè tiếc thương ông như một bậc tài tử, một nhân cách cao sang. Dương Khuê đã mang đến và để lại cho đời thực nhiều cống hiến nghệ thuật, đặc biệt là những sáng tác ca trù để đời như Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Cô đào Cần, Ái Cúc, Gửi đào Ngọ... Đây chính là những sáng tác văn nghệ độc đáo của đất nước nói chung và tinh hoa của nghệ thuật ca trù - di sản văn hóa phi vật thể của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến nói riêng./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Phương Thảo