Văn hóa – Di sản

Chương trình nghệ thuật “Đường trường”: Bảo tồn, lan tỏa di sản hát Xẩm và Chèo

Phạm Hoa 19/11/2023 20:16

Chương trình nghệ thuật “Đường trường” tại Phân xưởng nóng, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Thành phố Hà Nội) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách, góp phần bảo lưu, lan tỏa di sản hát Xẩm và nghệ thuật Chèo Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Đường trường” nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, diễn ra sáng 19/11. “Đường trường” do Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản Văn hoá Phi vật thể Việt Nam VICH thực hiện. Theo Ban tổ chức, sở dĩ chọn tên gọi “Đường trường” bởi chương trình biểu diễn nghệ thuật này gợi nhắc một hành trình bảo lưu, sáng tạo văn hoá vừa gian truân mà cũng vừa tự hào của ông cha ta.

duong-truong-3-.jpg
Đông đảo người dân và du khách xem chương trình “Đường trường” thuộc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội tại Phân xưởng nóng, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, sáng ngày 19/11.

Trong văn chương cổ, “Đường trường” thường nhắc tới con đường dài và xa xôi, ẩn dụ cho nỗi vất vả nhưng đôi khi cũng ngầm thể hiện sự trì chí và bền bỉ của con người. Chương trình đã khai thác hai chất liệu là hát Xẩm và Chèo – những di sản văn hóa phi vật thể đã, đang được bảo tồn, phát triển tại Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đặc biệt, nghệ thuật hát Xẩm độc đáo của Hà Nội dù xuất hiện muộn hơn các địa phương trên cả nước nhưng có dấu ấn sáng tạo, trở thành một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Xẩm Hà Nội theo thời gian đã đứng trước nguy cơ mai một nhưng bằng những nỗ lực, cố gắng của các cấp ngành, nghệ nhân, nghệ sĩ đã phục hồi được di sản văn hóa phi vật thể quý báu này. Xẩm Hà Nội giờ không còn ở những bến sông, bãi chợ nhưng vẫn hiện diện ở sân đình của các làng quê, thậm chí có được “bến đỗ” mới bền lâu hơn khi được các nghệ sĩ Nhóm xẩm Hà Thành biểu diễn thường xuyên tại buổi tối cuối tuần tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong nhiều năm trở lại đây. Thậm chí, nghệ thuật Xẩm Hà Nội còn được đưa lên “thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn Hà Nội như một liveshow ca nhạc hiện đại. Chính vì thế, nghệ thuật hát xẩm Hà Nội nói riêng đã được hồi sinh, từng bước phát triển và đóng góp vào sự phát triển của loại hình nghệ thuật này tại Việt Nam nói chung.

duong-truong-6-.jpg
Nghệ sĩ trẻ diễn chèo trong chương trình.
duong-truong-1-.jpg
Khán giả trải nghiệm với nghệ sĩ về các động tác trong biểu diễn chèo.

Trong khi đó, nghệ thuật Chèo của Hà Nội trải qua thăng trầm thời gian, có lúc thịnh suy nhưng đến nay Thủ đô cũng phát triển không ngừng loại hình nghệ thuật truyền thống này. Nhiều địa phương của Hà Nội vẫn có các đội, Câu lạc bộ chèo hoạt động thường xuyên. Thậm chí có nơi đưa nghệ thuật chèo vào trong nhà trường như xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ) để giới thiệu, truyền dạy, tìm kiếm những tài năng tương lai cho chèo Hà Nội.

Đặc biệt Nhà hát Chèo Hà Nội nhiều năm qua đã đem tới cho công chúng nhiều vở diễn đặc sắc, khai thác từ đề tài lịch sử đến hiện đại đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người xem. Tham gia các Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc, Nhà hát Chèo Hà Nội thường gặt “mưa giải thưởng”. Đặc biệt, nghệ thuật chèo còn tham gia phát triển du lịch Thủ đô với các chương trình “Hà Nội đêm thứ 7”, xây dựng chương trình diễn riêng cho du khách quốc tế bằng cách dịch nội dung chính của vở diễn ra tiếng Anh từ các vở chèo lịch sử: Thái úy Lý Thường Kiệt, Ngọc Hân công chúa; chèo cổ có các vở và trích đoạn: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa...; chèo dân gian là: Tấm Cám, Lọ nước thần, Nàng Sita...

duong-truong-2-.jpg
Buổi trình diễn “Đường trường” mang đến cho khán giả cơ hội cảm thụ những giá trị nguyên bản của âm nhạc dân gian vùng châu thổ sông Hồng gồm hát Xẩm và nghệ thuật Chèo truyền thống.

Có thể nói, Chèo và Xẩm là hai loại hình diễn xướng Bắc Bộ có lịch sử lâu đời, bởi vậy đã chứng kiến, thu nhận và góp phần làm nên những đặc trưng văn hoá của vùng Châu thổ sông Hồng. Hai loại hình vừa có những nét chung và riêng đan quyện cùng nhau. Bởi vậy, các tiết mục chèo tại chương trình nghệ thuật “Đường trường” gợi nhắc lại ký ức châu thổ trong quá khứ. Cùng đó, những bài Xẩm ra đời trong bối cảnh công nghiệp hiện diện và phát triển tại Việt Nam kể những câu chuyện của thời hiện đại.

Buổi trình diễn “Đường trường” đã thực sự biến không gian nhà máy thành một sân khấu chuyên nghiệp, mang đến cho khán giả cơ hội cảm thụ những giá trị nguyên bản của âm nhạc dân gian vùng châu thổ sông Hồng, tiếp thêm chất liệu và cảm hứng để bắt đầu một hành trình sáng tạo mới, thoát khỏi những giới hạn thông thường: thời gian, khoảng cách địa lý, bối cảnh chính trị, thị hiếu thời đại… của di sản thông qua cảm thụ và trải nghiệm tương tác.

duongtruong4.jpg
“Đường trường” đã đưa các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đến gần hơn với công chúng.

Đặc biệt, nhằm giúp khán giả có thêm cơ hội tiếp cận di sản, chương trình “Đường trường” đã dành ra một phần thời lượng cho việc trải nghiệm 5 mô hình nhân vật Chèo, trải nghiệm các động tác múa cơ bản có sử dụng quạt Chèo, trải nghiệm chơi trống Chèo và bộ gõ trong Xẩm. Hoạt động giao lưu tương tác, trải nghiệm của chương trình nghệ thuật “Đường trường” đã đưa các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đến gần hơn với công chúng, đồng thời khơi thông “Dòng chảy di sản” – chủ đề của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, lan tỏa thông điệp rằng mọi người đều có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

“Thông qua chương trình, tôi thấy nghệ thuật hát Xẩm và Chèo rất đặc biệt. Chúng ta cần hơn những hoạt động như thế này để bảo tồn cũng như phát huy các giá trị, lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể tới người dân”- chị Bùi Hòa (quận Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ.

Phạm Hoa