Chuyển động Hà Nội

Khai mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023: Khơi dòng di sản văn hóa Thủ đô

Yến Ly 18/11/2023 09:32

Tối ngày 17/11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 (Lễ hội). Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội hứa hẹn nhiều hoạt động, chương trình đặc sắc về thiết kế sáng tạo tại nhiều địa điểm cho công chúng trải nghiệm.

Tới dự Lễ khai mạc có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Vụ trưởng phụ trách ngoại giao văn hóa và UNESCO Hoàng Hữu Anh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà; Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi cùng các lãnh đạo, đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tỉnh – thành bạn, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

1.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự Lễ khai mạc.

Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thủ đô sáng tạo của Việt Nam

Lễ hội là hoạt động thường niên do UBND thành phố Hà Nội - Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; với sự thực hiện tổ chức của Sở Văn hóa và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; và sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT), cùng sự phối hợp của các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tổ chức liên quan.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - bà Vũ Thu Hà cho biết, “từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO với danh hiệu “Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế”. Sau gần 4 năm thực hiện, Hà Nội đã có nhiều hoạt động cụ thể hóa cam kết xây dựng thành phố sáng tạo…”

2.-.jpg
Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu tại Lễ khai mạc.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, ưu tiên triển khai hiệu quả các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; các dự án, công trình văn hóa trọng điểm; công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Thành phố cũng đã duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng thiết thực, hiệu quả, tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, thủ đô các nước, các thành phố là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO… và là thành viên tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

3.jpg
Bà Ramla Khalidi - Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc.

Tại Lễ khai mạc, bà Ramla Khalidi - Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam khẳng định, Lễ hội là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam.

“Thông qua quan hệ đối tác công-tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến thành phố thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình”, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

5.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội ấn nút khai mạc.

Khơi dòng kết nối di sản văn hóa Thủ đô

Năm 2023, đánh dấu lần thứ 3 diễn ra, với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo. Nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô, tuyến trải nghiệm của Lễ hội nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

Lễ hội sẽ mang đến hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc, hơn 20 trưng bày và triển lãm, hơn 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của Lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân; Ga Long Biên và Ga Gia Lâm; và các hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận huyện thị xã tại Hà Nội.

4.jpg
Một cảnh tiết mục "Vọng âm" trong chương trình nghệ thuật đêm khai mạc.

Trong khuôn khổ Lễ hội, các pavilion và triển lãm kiến trúc vừa đóng vai trò là công trình điểm nhấn mang tính biểu tượng cho Lễ hội, vừa truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - Đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.

Trong đêm khai mạc, công chúng đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Dòng chảy” đi qua hai chương từ “Qua miền ký ức" đến “Ước vọng". Chương trình như một lời kêu gọi, nhắn nhủ và gợi cảm hứng sáng tạo từ quá khứ và bước tới tương lai với điểm tựa từ di sản bản địa./.

Một số hình ảnh khác về trưng bày, triển lãm trong khuôn khổ Lễ hội:

6.jpg
Một khu trưng bày tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
7.jpg
Một khu trưng bày tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
8.jpg
Một khu trưng bày tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
9.jpg
Một góc triển lãm tại Vườn hoa Vạn Xuân.
10.jpg
Một góc trưng bày bên trong Tháp nước Hàng Đậu.

Yến Ly