Tác giả - tác phẩm

Văn Cao - mùa chữ, mùa người

Yến Ly 15/11/2023 13:18

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023), Ban Văn học nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam đã ra mắt cuốn sách “Văn Cao - mùa chữ, mùa người”.

Cố nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao (1923 - 1995) là một nghệ sĩ tài hoa, có nhiều đóng góp lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhất là ở mảng âm nhạc, ông là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn của Tân nhạc Việt Nam. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bên cạnh Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, Văn Cao là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Sự yêu thích mà đông đảo công chúng dành cho tác phẩm của ông tới ngày nay là một minh chứng.

van-cao.jpg
Cố nhạc sĩ Văn Cao.

Âm nhạc của Văn Cao được giới chuyên môn chia làm 2 mảng chính là tình ca và hùng ca. Ngoài ca khúc, ông còn sáng tác các tác phẩm khí nhạc dành cho piano, nhạc phim, tổ khúc giao hưởng cho phim Anh bộ đội cụ Hồ của Xưởng phim Quân đội Nhân dân. Trong sự nghiệp âm nhạc với nhiều đóng góp và thành tựu của Văn Cao, phải kể đến các ca khúc: Tiến quân ca (quốc ca Việt Nam), Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội, Cùng đàn xưa, Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi, Mùa xuân đầu tiên...

Văn Cao - mùa chữ, mùa người (Nxb Hội Nhà văn) là ấn bản kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao. Cuốn sách gồm 31 bài viết của các văn nghệ sĩ viết về Văn Cao và tác phẩm của ông cùng phần phụ bản là những khúc tưởng niệm của văn hữu và những minh họa bìa sách mà Văn Cao đã thực hiện.

Văn Cao - mùa chữ, mùa người quy tụ những góc nhìn, chia sẻ, tưởng niệm về Văn Cao của các văn nghệ sĩ: Nguyễn Việt Chiến, Lê Thiết Cương, Đào Bá Đoàn, Văn Giá, Lê Anh Hoài, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thành Phong, Lê Huy Quang, Thiên Sơn, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thanh Tâm, Phạm Xuân Thạch, Văn Thao, Cao Ngọc Thắng, Bùi Việt Thắng, Phùng Gia Thế, Trần Xuân Toàn, Trịnh Thu Tuyết, Đỗ Anh Vũ, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Hưng, Đỗ Bạch Mai, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Đức Quang, Lê Kim Giao, Trần Mai Hưởng.

cuon-sach.jpg
Cuốn sách "Văn Cao - mùa chữ, mùa người".

Trong Văn Cao - mùa chữ, mùa người, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng: “Theo tôi, trong thế hệ sáng tạo đầu tiên của thi ca cách tân Việt Nam, nhà thơ Văn Cao là một tên tuổi lớn và rất độc đáo. Thơ tự do của Văn Cao mang phong cách độc lập của riêng ông, của cái nhìn Văn Cao, của cảm xúc và suy tưởng Văn Cao. Ông đã đạt tới độ giản dị độc đáo và tinh khiết lạ thường trong ngôn ngữ thi ca khi khắc họa đời sống quanh mình và tâm thế riêng mình”.

“Cũng có thể, sinh ra ông đã là nghệ sỹ. Nghệ sỹ Văn Cao như một quẻ, gồm có 3 hào: Âm nhạc, thi ca và hội họa. 3 hào này giao hòa với nhau mới thành quẻ. Ông thường ký tên trên tác phẩm của mình là Văn. Tôi gọi quẻ này là Quẻ Văn”, họa sĩ Lê Thiết Cương khẳng định sau những hồi ức về tài năng Văn Cao.

Qua từng chia sẻ, góc nhìn của các văn nghệ sĩ cùng thời và đương thời, chân dung Văn Cao bước ra là một tài năng hiếm có, một bậc thầy của nghệ thuật sử dụng ngôn từ phong phú và biến hóa trong các sáng tác nhạc và thơ. Và không chỉ trong âm nhạc, Văn Cao còn để lại những dấu ấn đặc sắc ở mảng thơ ca và hội họa. Cũng đã có một số ý kiến chuyên môn xem ông là một trong những người khai phá, mở đầu cho sự phát triển của thể loại trường ca thơ hiện đại nước ta. Và thơ ca nhạc họa trong các tác phẩm của ông là một sự kết hợp hài hòa, làm thăng hoa những sáng tạo nghệ thuật của ông.

Trong năm 2023, đã có nhiều sự kiện diễn ra kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nghệ sĩ đa tài Văn Cao. Từ các sự kiện do đơn vị, cơ quan Nhà nước tổ chức đến các cộng đồng là những người yêu quý Văn Cao đều nhắc về ông với tất cả sự tri ân tới người nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Cuộc đời người nghệ sĩ và tác phẩm của họ được yêu thích mãi, nhắc mãi về sau chính là khẳng định khách quan nhất về những giá trị mà người nghệ sĩ mang lại./.

Yến Ly