Lý luận - phê bình

Cô giáo ươm mầm văn học thiếu nhi

Nhà LLPB Nguyễn Bích Thu 14/11/2023 06:13

Trong tháng kỷ niệm tri ân các nhà giáo Việt Nam, tôi muốn nói về một cô giáo đã theo đuổi văn chương từ tấm bé. Đó là TS. Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1982, quê gốc Quảng Bình. Chị là tác giả của hai cuốn sách: “Bí mật tuổi trăng non” (2018) và “Dòng chảy lấp lánh” (2023) với bút danh Thanh Tâm Nguyễn đang được giới chuyên môn quan tâm.

Suốt 12 năm liền thời phổ thông, Nguyễn Thanh Tâm không chỉ là học sinh giỏi mà còn đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh, hai lần đạt giải văn quốc gia. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Huế năm 2004 với tấm bằng giỏi, chị được trường giữ lại làm giảng viên Khoa giáo dục tiểu học. Rồi sau đó, năm 2012, chị bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam tại Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Hai mươi năm đứng trên giảng đường hay một mình một bóng đọc và viết “trước đèn”, mọi nghiên cứu chuyên sâu của Nguyễn Thanh Tâm đều “đổ vào văn học thiếu nhi”. Cứ thế, chị lặng lẽ dấn thân và lặng lẽ góp phần làm tỏa sáng “bộ phận văn học rất dễ thương” nhưng đôi lúc còn “lép vế” so với dòng văn học dành cho người lớn với mong muốn xã hội và công chúng thay đổi cách nhìn về văn học thiếu nhi. Và với riêng chị, như đã chia sẻ trong “Dòng chảy lấp lánh”: “Đó cũng là điểm tựa để lối vào văn học thiếu nhi không theo thời gian mà thành cũ kỹ, mòn vẹt”.

co-giao.jpg

Từ năm 2009 đến nay, Nguyễn Thanh Tâm giảng dạy và làm công tác quản lý tại khoa Giáo dục Mầm non với cương vị Phó Trưởng khoa, quản lý hai ngành đào tạo: ngành giáo dục Mầm non và ngành Sư phạm âm nhạc. Số lượng sinh viên ngành Giáo dục Mầm non hệ chính quy của khoa hiện nay là 900 sinh viên. Thế mới thấy, ngoài tình yêu văn chương, chị còn gánh trên vai mình trọng trách “trồng người”, không chỉ truyền tải kiến thức mà còn truyền tải cảm hứng cho các lứa sinh viên, bằng tình yêu và trách nhiệm đối với văn học thiếu nhi.

Trước Nguyễn Thanh Tâm, đội ngũ giảng dạy văn học thiếu nhi cả nước đã có PGS.TS. Lã Thị Bắc Lý, TS. Lê Nhật Ký, PGS.TS. Bùi Thanh Truyền nối tiếp những người đi trước. Song với một người ở khá xa trung tâm như chị, thực sự là một khó khăn nếu không muốn nói là một thách thức. Nhưng cô giáo trẻ ở khoa giáo dục Mầm non trường Đại học Sư phạm Huế vẫn không ngại những khó khăn, thử thách ấy. Nguyễn Thanh Tâm vẫn dịu dàng và kiêu hãnh bước tới. Chị cùng các giảng viên trẻ của khoa thể hiện tốt vai trò lắng nghe, định hướng, hỗ trợ, chia sẻ với sinh viên về mọi mặt để các em nỗ lực và kiên định với lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.

Trong môi trường giảng dạy của mình, chị thường chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp đại học Huế và cấp Bộ. Những đề tài đựơc đề xuất và thực hiện của chị và khoa thường cố gắng tiếp cận với cái mới, phải là những đề tài hữu ích và thiết thực cho/ vì văn học thiếu nhi. Có thể kể tới các đề tài chị đã chủ trì như: Xúc cảm giới tính trong văn học thiếu nhi, Giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Khai thác văn học địa phương hỗ trợ quá trình chăm sóc và giáo dục ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; hay phối hợp cùng đồng nghiệp tổ chức đề tài: Thi pháp thể loại của văn học thiếu nhi Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

co-giao-1.jpg

Từ các đề tài thực hiện trong phạm vi nhà trường, Nguyễn Thanh Tâm đã nới rộng tầm nhìn, bao quát không gian văn học quốc gia, mạnh dạn và bản lĩnh tham gia các hội thảo Trung ương. Có nhiều cuộc hội thảo do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh chị đều tham dự. Điều đáng nói ở đây là khi phần lớn các bản tham luận tập trung vào những vấn đề của “người lớn” thì chị điềm nhiên và tự tin bàn về chuyện của trẻ em, của thiếu nhi, một vấn đề tưởng nhỏ bé mà lại đánh động người dự, hướng sự chú ý tới một gương mặt trẻ “nhất dáng nhì da” duyên dáng trong tà áo dài rất Huế. Gần như năm nào Hội đồng cũng tổ chức hội thảo và Nguyễn Thanh Tâm đều đặn có mặt với những tham luận đầy tâm huyết về văn học thiếu nhi không chỉ của một giảng viên trẻ buổi đầu mà ngả theo thời gian, càng về sau các ý kiến về văn học trẻ thơ càng chuyên sâu mang tính đối thoại của một chuyên gia văn học thiếu nhi.

Là người đứng trên bục giảng, ngoài sự truyền cảm còn biết ghi dấu ấn như Nguyễn Thanh Tâm, theo tôi biết không nhiều. Sự lôi cuốn của chị đến từ tâm huyết, tri thức, nhiệt tình và khéo léo trong tương tác từ giảng đường đến các buổi sinh hoạt ngoại khóa hay là cả trong những đợt thuyết trình khi đi tập huấn. Giọng nói của người xứ Huế gốc Quảng Bình nhẹ êm mà rành rẽ đã hút hồn người nghe cùng những động tác nương theo ngôn ngữ cử chỉ gây ấn tượng thị giác làm cho bài thuyết trình thấu cảm tới người dự bằng tai, bằng mắt. Không chỉ giảng dạy, lên lớp cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế, chị còn được mời giảng dạy ở các trường đại học phía Nam. Đặc biệt Nguyễn Thanh Tâm còn tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ các giáo viên, cán bộ quản lý bậc mầm non và tiểu học các tỉnh miền Trung và miền Nam. Trang cá nhân trên mạng xã hội cũng là một phương tiện để chị gửi gắm những điều luôn tâm huyết.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, Nguyễn Thanh Tâm luôn có ý thức tự học, tích lũy kiến thức văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng cả lý thuyết và thực hành, cả văn học trong nước và nước ngoài, cả giảng dạy và nghiên cứu. Chính sự kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu đã giúp những giờ đứng trên bục giảng truyền cảm hứng tới sinh viên bằng những tác phẩm cụ thể mang tính thời sự, kích thích năng lực đọc và viết của sinh viên, tạo sự đồng cảm, đồng sáng tạo nơi các em. Trong nghiên cứu phê bình, Nguyễn Thanh Tâm không xô bồ, ăn xổi mà luôn có ý thức lưa chọn những tác giả, tác phẩm thích ứng với “tầm đón đợi” của chị: “Đọc nhiều nhưng cũng chỉ viết về những cái có thể làm cho mình rung động. Xu hướng nghiên cứu có phần cá nhân cực đoan ấy không làm tôi “sang lên” với tư cách là một nhà phê bình nhưng đã làm thanh tân cuộc đời và giúp tâm hồn tôi thêm phần nhân hậu” (trích trong “Dòng chảy lấp lánh”).

co-giao-2.png

Như trên đã nói, trong những đề tài khoa học mà Nguyễn Thanh Tâm dự phần, chị đã chọn lọc thành những công trình, chuyên luận và tiểu luận phê bình in chung hoặc in riêng mang dấu ấn của một người luôn “đánh thức quyền năng văn học thiếu nhi”, có thể kể đến: “Thi pháp văn học thiếu nhi” (Giáo trình, in chung cùng Bùi Thanh Truyền, Trần Thị Quỳnh Nga, 2009); “Văn học thiếu nhi” (giáo trình in chung cùng Bùi Thanh Truyền, Chu Thị Hà Thanh, 2019) và các công trình, chuyên luận, tiểu luận phê bình in riêng: “Bí mật tuổi trăng non” (2018); “Giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”(2022) và “Dòng chảy lấp lánh” (2023).

Mảng nghiên cứu phê bình của Nguyễn Thanh Tâm cho thấy cái nhìn của nhà nghiên cứu đã mở rộng từ địa phương tới Trung ương, từ một nhánh trong văn học thiếu nhi là những rung động giới tính đầu đời của lứa tuổi “thích ô mai” trong “Bí ẩn tuổi trăng non” đã tỏa nhánh sum suê đến các vấn đề nghiên cứu văn học thiếu nhi đương đại trong “Dòng chảy lấp lánh”. Có thể nói, Nguyễn Thanh Tâm có sự hòa quyện hai trong một: nhà giáo và nhà nghiên cứu phê bình, đó chính là điều kiện cần và đủ để quá trình gieo hạt và ươm mầm văn học thiếu nhi của chị thêm lâu dài và bền vững hơn./.

Nhà LLPB Nguyễn Bích Thu