Sự kiện & Bình luận

Hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và logistics thông minh

Hải Truyền 14/11/2023 06:08

Trong phiên thảo luận chuyên đề về giao thông vận tải và logistics thuộc khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X diễn ra chiều 13/11, tại Hà Nội, các đại biểu đã nêu bật tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với gao thông vận tải gắn liền với phát triển dịch vụ logistics thông minh trong hợp tác kết nối các địa phương.

dsc02098.jpg
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội và đại diện tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đồng chủ trì Hội nghị.

Vân Nam là tỉnh có đường biên giới chung trên bộ với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang của Việt Nam, do vậy mà hoạt động giao thông vận tải và phát triển dịch vụ logistics có vai trò quan trọng hàng đầu trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa tỉnh Vân Nam và các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X tại Hà Nội, chiều ngày 13/11, Sở Giao thông vận tải Hà Nội chủ trì phiên thảo luận chuyên đề “Giao thông vận tải, logistics”. Phiên thảo luận có sự tham gia của các đại biểu đến từ các sở, ngành, viện nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, logistics thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế Việt - Trung tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất ý kiến để phát triển các lĩnh vực như chủ đề phiên thảo luận chuyên đề đặt ra.

dsc02049.jpg
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội đọc tham luận tại Hội nghị.

Mở đầu cho phiên thảo luận, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội đã có tham luận với chủ đề “Thực trạng và định hướng phát triển logistics của Thủ đô Hà Nội”. Bài tham luận đã khái quát về dư địa để phát triển hệ thống logistics cũng như kết cấu hạ tầng logistics và đặc biệt là mục tiêu ứng dụng Công nghệ thông tin để phát triển logistics thông minh trong thời gian tới. Đây là nhu cầu cấp thiết và Hà Nội cam kết sẽ là địa phương đi đầu để góp phần nâng cao hiệu quả trong vận tải hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong đó có tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Vân Nam, ông Trần Nhạc, cho biết, kể từ Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế Trung Quốc - Việt Nam lần thứ IX, với nỗ lực chung của Trung Quốc, Việt Nam và các tỉnh, thành, hợp tác vận tải Vân Nam - Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, việc xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn tuyến Hà Khẩu - Việt Nam Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được ghi vào "Tuyên bố chung" giữa hai quốc gia, được đưa vào thư viện dự án trọng điểm.

Hợp tác vận tải đường bộ quốc tế đã có bước đột phá, số tuyến vận tải hành khách và hàng hóa đường bộ quốc tế giữa Vân Nam và Việt Nam tăng lên 13 tuyến, phạm vi hợp tác bao phủ 7 tỉnh, TP ở Vân Nam và Việt Nam.

dsc02055.jpg
Ông Nhậm Hiểu Quang, Chính ủy Tổng Trạm kiểm tra Biên phòng xuất nhập cảnh tỉnh Vân Nam phát biểu tại Hội nghị.

Trong phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nhậm Hiểu Quang, Chính ủy Tổng Trạm kiểm tra Biên phòng xuất nhập cảnh tỉnh Vân Nam cho biết, sau Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Trung Quốc -Việt Nam lần thứ IX, các bên đã tăng cường nghiên cứu các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy kết nối, cải thiện môi trường và nâng cao hiệu quả năng lực thông quan...

Trạm cũng tăng cường cải cách dịch vụ, tạo các kênh đặc biệt như “luồng xanh” cho nông sản; xây dựng “luồng khẩn cấp” cho nhân viên cứu hộ khẩn cấp và công nhân sửa chữa khẩn cấp xuyên biên giới thực hiện các dự án lớn; “luồng nhanh” kiểm tra xuất nhập cảnh đối với hàng hóa số lượng lớn được mở; thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ khai báo trực tuyến cho đoàn du lịch… đảm bảo hiệu quả sự phát triển bền vững và lành mạnh của thương mại song phương Trung Quốc - Việt Nam.

Ông Đặng Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai nhấn mạnh, là địa phương có 3 cầu biên giới kết nối giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, tỉnh luôn đặc biệt chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ các địa phương khác xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc.

3 công trình: Cầu đường sắt Hồ Kiều I; cầu đường bộ qua sông Nậm Thi (cầu Hồ Kiều II); cầu đường bộ qua sông Hồng (cầu Kim Thành) đã và đang phát huy hiệu quả kết nối giao thông tuy nhiên, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, thương mại ngày càng cao giữa hai nước.

Hiện nay, 2 tỉnh đang tích cực phối hợp, thúc đẩy triển khai xây dựng mới cầu qua biên giới tại Bản Vược - Bá Sái để tiến tới thúc đẩy phát triển thành cửa khẩu quốc tế; thúc đẩy xây dựng mới đường sắt 1.435mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và kết nối đường sắt giữa hai nước giúp tăng nhanh thời gian lưu thông, giảm chi phí vận tải, đồng thời tạo thuận lợi trong việc nâng cao giá trị kim ngạch hai chiều, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Ông Chu Dân Hân, Phó Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Vân Nam, hiện tại, hàng hóa xuyên biên giới ở đoạn Hà Khẩu - Lào Cai đi qua đường sắt tiêu chuẩn đến Hà Khẩu để bốc hàng chưa phát huy hiệu quả, làm tăng chi phí hậu cần vận chuyển hàng hóa.

Việc xây dựng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Trung Quốc - Việt Nam có lợi cho việc thúc đẩy chiến lược “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, góp phần phát triển và thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong tương lai, Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh sẽ tăng cường báo cáo với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và phối hợp với cơ quan điều phối quốc gia đẩy nhanh tiến độ rà soát quy hoạch đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ông Hân cũng đề xuất với các tỉnh của Việt Nam tích cực báo cáo cấp quốc gia và hai bên sẽ thành lập Tổ công tác chung để cùng nhau đẩy nhanh các công việc sơ bộ của dự án.

dsc02105(1).jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Tại phiên thảo luận, đã có 9 tham luận được đại diện các sở, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp vận tải lớn của hai nước đóng góp, chia sẻ. Nội dung các tham luận đều hướng đến mục tiêu ưu tiên là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải gắn với phát triển dịch vụ logistics, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hợp tác, triển khai các dự án hạ tầng giao thông, kết nối các địa phương trong hành lang kinh tế qua biên giới gắn liền với phát triển hạ tầng logistics hướng tới liên kết vùng. Thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ đổi mới, sáng tạo cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 và 4, hướng tới mức độ 5; logistics điện tửu trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả và chuyên nghiệp. Đồng thời, hai bên cần tăng cường phối hợp, hợp tác, hướng dẫn hai hãng hàng không khôi phục các đường bay ban đầu từ Vân Nam đến Việt Nam. Mặt khác hai bên tích cực mở các đường bay mới theo nhu cầu thị trường; xây dựng mạng lưới hàng không Vân Nam - Việt Nam dày đặc, tăng cường hàng không dân dụng Vân Nam - Việt Nam./.

Hải Truyền