Ẩm thực

Cốm Tú Lệ, món quà của người Thái ở núi rừng Tây Bắc

KT (T/h) 20:55 13/11/2023

Mỗi năm chỉ có một vụ Nếp Tú Lệ duy nhất phù hợp làm cốm. Cốm là loại lúa nếp non, phải được canh đúng thời gian để có vị dẻo và thơm nhất. Hương cốm Tú Lệ ngày mùa là cả một quá trình được người nông dân chăm bón tỉ mỉ, tích tụ phù sa tươi tốt của con suối Mường Lùng và những tinh hoa của đất trời Mù Cang Chải.

photo-1-15675744535881804919924.jpg

Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nổi tiếng với giống lúa nếp tan đặc trưng. Vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 lúa bắt đầu chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang. Trong thôn bản, tiếng chày cối nhịp nhàng đang chuẩn bị cho ra lò những mẻ cốm Tú Lệ nức tiếng gần xa.

Cốm Tú Lệ không chỉ là tinh hoa của đất trời, mà còn có cả tình yêu, hồn đất, hồn người gửi gắm vào trong đó. Vì vậy cốm ở nơi đây là đặc sản có một không hai của núi rừng Tây Bắc.

efa0af60-8e70-47a9-9a75-5603f67523e7.jpeg

Người dân tộc Thái ở Yên Bái vẫn làm cốm theo cách truyền thống. Lúa được gặt vào sáng sớm, sau đó đem về ngâm trong nước lạnh để loại bỏ những hạt lép. Lúa làm cốm phải đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt gạo chưa chín hết.

Lúa gặt về phải chế biến ngay trong ngày. Sau khi loại bỏ hạt lép, lúa được đem rang trong chảo lớn. Lửa phải được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm. Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ bị mất đi độ dẻo.

1.jpg

Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ mang nét đặc trưng của vùng cao Yên Bái, bà con người dân tộc Thái dành nhiều thời gian, công sức, kỹ thuật để có thể tạo ra những mẻ cốm thơm, dẻo.

Chảo rang cốm bằng gang đúc, nhờ thế mà từng hạt cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon.

Công đoạn giã cốm được thực hiện đồng thời bởi hai người. Một người nhịp chày, một người dùng đũa cả lớn đảo liên tiếp. Người giã phải nhịp đều chân, không được dùng lực quá mạnh hoặc quá nhẹ, người đảo phải phối hợp nhịp nhàng để cốm được giã đều. Trung bình khoảng 10 lần giã mới hoàn tất mẻ cốm.

452b776a-eaca-4c27-bab9-564133539fb3.jpeg

Khi trấu đã nứt vỏ, cốm sẽ được múc ra khỏi cối để sảy vỏ. Công đoạn này được lặp đi lặp lại cho đến khi hạt cốm dẹt đều, tròn và không còn vỏ trấu. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của sữa lúa.

Cốm Tú Lệ có màu xanh mướt mắt đặc biệt, không thể lẫn với những loại cốm khác. Đưa vài hạt lên miệng, hạt cốm dẻo quyện, thơm hương, khiến bất cứ ai cũng phải say lòng.

Cốm Tú Lệ ăn cùng chuối chín trứng cuốc, trái hồng đỏ chín cây là ngon nhất. Cốm còn được dùng để nấu cháo vịt, xôi cốm, chè cốm, chả cốm và chế biến cùng nhiều món khác như nem rán, tôm rán, thịt chiên…

Cốm Tú Lệ từ lâu đã trở thành một món quà độc đáo được nhiều thực khách xa gần ưa chuộng, trở thành món quà quê tinh tuý để mọi người gửi biếu bạn bè, người thân. Cốm được đóng gói, hút chân không bảo quản cẩn thận cho các chuyến đi xa.

Cốm Tú Lệ cùng với ruộng lúa chín vàng bậc thang... đã trở thành biểu tượng văn hóa Yên Bái, làm nên thương hiệu đặc sắc của mảnh đất vùng cao này./.

KT (T/h)