Văn hóa – Di sản

Trần Văn Vi – người góp công chấn hưng văn hóa Thăng Long đầu thế kỷ XIX

Lê Thị Dương 12/11/2023 16:51

Trần Văn Vi (chưa rõ năm sinh, năm mất) tự Thận Tư, hiệu Hoài Đông, người phường Đông Các, huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Kì thi Hương khoa Ất Dậu năm Minh Mạng thứ 6 (1825) tổ chức tại trường Thăng Long, ông và Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Vũ Tông Phan cùng đỗ cử nhân. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông được bổ làm Tri phủ Anh Sơn, Nghệ An. Năm 1856, được cử làm Toản tu sử quán, sau được thăng chức Thái bộc tự khanh.

Bàn về sinh hoạt văn hóa, văn học Thăng Long đầu thế kỉ XIX đương nhiên phải nói đến đóng góp của Văn hội Thọ Xương. Văn hội Thọ Xương do một nhóm sĩ phu Bắc Hà lập nên, nhằm tập hợp đông đảo trí thức của gần hết vùng nội thành có cùng chung chí hướng giúp dân và gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc cùng việc phát huy vai trò trung tâm văn hóa của Thăng Long. Các thành viên của Hội gồm có Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Trần Văn Vi, Vũ Tông Phan…, trong đó Trần Văn Vi tuy ít được biết đến song đã có đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển của Hội.

Trần Văn Vi (chưa rõ năm sinh, năm mất) tự Thận Tư, hiệu Hoài Đông, người phường Đông Các, huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Kì thi Hương khoa Ất Dậu năm Minh Mạng thứ 6 (1825) tổ chức tại trường Thăng Long, ông và Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Vũ Tông Phan cùng đỗ cử nhân. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông được bổ làm Tri phủ Anh Sơn, Nghệ An. Năm 1856, được cử làm Toản tu sử quán, sau được thăng chức Thái bộc tự khanh.

Đầu thế kỉ XIX, Văn Miếu Quốc tử giám không còn được sử dụng vào mục đích giáo dục mà bị Minh Mạng biến thành nơi tế lễ. Nhằm chấn hưng nền văn hóa Thăng Long, Văn hội Thọ Xương đã đứng ra thành lập một loạt trường tư thục như Hồ Đình, Phương Đình..., từ đó hình thành nên một trung tâm văn hóa - giáo dục mới ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, tồn tại bên cạnh khu vực Văn Miếu. Từ đây, hồ Gươm trở thành “điểm hẹn” của các sĩ phu văn thân đất Thăng Long đương thời. Họ lui tới đây để đàm đạo văn chương, trao đổi học thuật, chia sẻ tâm sự cuộc đời và trò chuyện tâm giao bè bạn. Nhờ những hoạt động này, không khí sinh hoạt văn học Thăng Long trở nên sôi động hơn. Bên cạnh đó, Văn hội còn lập Hội Hướng Thiện do Vũ Tông Phan đứng đầu. Dưới sự lãnh đạo của Vũ Tông Phan, sau này là Nguyễn Văn Siêu, Hội đã có tác động rộng hơn trong việc khuyến khích giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, Hội đã tổ chức tôn tạo vùng phía Bắc của hồ Gươm thành quần thể kiến trúc Ngọc Sơn - một di tích lịch sử - văn hóa quý giữa Thăng Long.

Dù không có nhiều tài liệu về Trần Văn Vi, song qua những ghi chép của văn nhân đương thời và qua sáng tác còn lại của ông, có thể phần nào hình dung được chân dung của nhà thơ này. Ông là người có tài năng, đức độ, tính tình quảng giao, cởi mở, rất được bạn bè nể trọng. Trần Văn Vi thường cùng các danh sĩ Hà Thành thời đó như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Diệp Xuân Huyên qua lại xướng họa thơ văn, tạo nên một nếp sinh hoạt văn hóa thú vị.

tran-van-vi.jpg

Tác phẩm hiện còn của Trần Văn Vi là Lê sử toản yếu, soạn từ năm 1843 đến năm 1848. Cuốn sách ban đầu có tên Quốc sử tập biên toản yếu, ghi lại lịch sử nhà Lê từ thời Lê Thái Tổ (1385 - 1433) đến thời Lê Chiêu Thống (1765 - 1793). Về sau con trai Trần Văn Vi là Trần Huy Ích đã biên soạn, hiệu đính và đổi tên sách thành Lê sử toản yếu.

Trần Văn Vi còn có thi tập Hoài ông thảo và khá nhiều thơ ca chép rải rác trong các tập Đại Nam văn tập, Chư gia thi văn tuyển. Thơ ca Trần Văn Vi chính là sự thể hiện con người ông, vừa thâm trầm, uyên bác, vừa phóng khoáng, tự do, lại hồn hậu, trong sáng, tâm hồn chứa đựng nhiều tình cảm dành cho bạn bè, cho cảnh sắc quê hương đất nước. Qua các bài thơ xướng họa của các văn nhân đương thời, cũng dễ thấy được niềm yêu mến, tin cậy của bạn bè đối với ông.

Trần Văn Vi còn mượn thơ ca để gửi gắm tâm sự, mong muốn được vui vầy cùng thiên nhiên, bè bạn, gạt bỏ hết những ràng buộc của vòng lợi danh:

Viễn khách lại hà tảo,

Cô tâm dã tự huyền.

Sinh nhai tri hữu địa,

Phong nguyệt mãi vô tiền.

(Phú xuân lục thủ, kì ngũ)

(Viễn khách sao không sớm đến,

Để lòng này phải cô độc.

Sinh nhai biết có chốn,

Nhưng trăng gió không cần tiền mua)

(Sáu bài thơ vịnh mùa xuân - Bài 5)

Đây cũng là những vần thơ thể hiện cái nhìn lạc quan về cuộc đời của nhà thơ họ Trần.

Theo tài liệu ghi chép còn lại, Trần Văn Vi thường cùng Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan đi chơi xa, cùng nhau làm thơ, xướng họa. Gặp gỡ bạn bè, ngao du sơn thủy, hoặc ngồi quay quần bên ấm trà trong quang cảnh trăng thanh gió mát là niềm vui sống của Trần Văn Vi. Cũng chính từ trong niềm vui giản dị, thanh khiết ấy, ông tìm thấy lẽ sống:

Tĩnh tư thành hữu phú,

Tế vị cửu thuần di.

Lạc xứ ninh tri phú,

Nhàn trung bất yếm bần.

(Họa Phương Đình thi lục vận)

(Tĩnh tư trở thành niềm vui,

Niềm hứng thú nhỏ vốn thuần hậu

Chốn vui màng chi phú quý,

Trong nhàn không chán thanh bần)

(Họa thơ sáu vần của Phương Đình)

Với triết lí nhân sinh đó và với tâm hồn thuần hậu, tính cách cởi mở, phóng khoáng, dễ hiểu vì sao Trần Văn Vi được nhiều bạn bè yêu mến và dành những lời tốt đẹp nhất để ngợi ca: “Hết lòng lo học. Sớm dự hiền danh. Phong tư chất cổ mà từ điệu thanh tân, lòng dạ chân thành mà xử việc tinh tế. Đương khi nhà nghèo mẹ yếu, chăm nuôi yên phận ở nhà, hết sức tấm lòng con một; tới khi xuất sĩ giao du, quan nhỏ tỏ tài chấp chính, ung dung kì vọng đại nhân. Ở phủ huyện thì phủ huyện được sửa sang, ở học chính thì việc học được thi hành. Tiếng làm quan giỏi được truyền rộng khắp... Khuôn phép dựng nhà theo xưa, một nhà gia phong thuần cẩn, đứng đầu thi Hội một vùng” (Nguyễn Văn Siêu - Viết thay người Hà Nội viếng Thái bộc Tự khanh Trần Hoài Đông tiên sinh). Riêng Cao Bá Quát đã có tới 11 bài thơ ngũ ngôn bát cú tặng Trần Văn Vi và Nguyễn Văn Siêu dưới một nhan đề chung Đề Trần Thận Tư học quán, thứ Phương Đình vận (Thập nhất thủ), 4 bài thơ tứ tuyệt tặng Trần Văn Vi và Phạm Hòa Phủ (?) với nhan đề Thận Tư tự Hòa Phủ Ái Liên đình qui hữu thi yêu họa, thứ vận (Thơ họa vần theo Thận Tư từ Ái Liên đình của Hòa Phủ về, có thơ mời họa), một bài thất ngôn bát cú họa thơ Trần Văn Vi: Thứ vận Thận Tư phóng quan Nhị Hà đồng Di Xuân, Hòa Phủ (Họa vần bài Phóng tầm mắt xem cảnh Nhị Hà của Thận Tư, cùng làm với Di Xuân và Hòa Phủ)... Đặc biệt Cao Bá Quát còn có bài thơ trực tiếp đề tặng Trần Văn Vi và coi ông như người đóng vai trò chủ trò, tập hợp bạn bè:

Tạc dạ đông phong trận trận thôi,

Thôi xuân thôi khách nhật đê hồi.

Khởi khan hoa liễu tam thiên giới,

Tọa ỷ giang sơn thập nhị hồi.

Hồ thủy định thiêm tân tuế lục,

Cung mai ưng đới cựu niên khai.

Tạ An vị tất qui nhân vọng,

Thả hướng Đông Sơn lý tửu bôi.

(Thận Tư dĩ thi ước dữ chư hữu du hồ thượng thứ vận họa đáp)

Ngô Linh Ngọc dịch thơ:

Từng trận gió đông đêm trước giục,

Giục xuân, giục khách mãi đôi hồi.

Dậy xem hoa liễu ba nghìn giới,

Ngồi ngắm non sông chục lẻ vời.

Hồ đợi xuân sang thêm biếc mới,

Mai từ năm cũ nở hoa tươi.

Tạ An chưa chắc quay về vội,

Còn hướng Đông Sơn chén rượu mời...

(Thận Tư làm thơ hẹn với các bạn đi chơi hồ theo vần họa lại)

Trong bài thơ, Cao Bá Quát nhân chuyện Trần Văn Vi làm thơ hẹn các bạn đi chơi hồ mà ví ông như Tạ An, một người đa tài đa tình. Tạ An sống đời Tấn, người đất Dương Hạ, nhà ở Cối Kê thuộc vùng Đông Sơn, vốn có tài năng, phong độ, thông minh tuấn nhã, tri thức sâu rộng, nhạy bén. Tạ An thời trẻ thường lấy thanh sắc làm vui, sau được Hoàn Ôn trọng dụng làm tư mã, rồi được cử làm Đại Đô đốc cầm quân đi đánh Phù Kiên. Thắng lợi trở về, ông được phong Thái bảo rồi Thái phó. Điều này cho thấy uy tín của Trần Văn Vi trong tầm nhìn của Cao Bá Quát cũng như với giới trí thức Hà thành khi đó.

Con người “đứng đầu thi Hội một vùng” ấy tuy so với các danh sĩ đương thời (như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát...) tiếng tăm không lừng lẫy bằng song luôn giữ một hình ảnh đẹp trong lòng bạn bè và hậu thế. Không chỉ vậy, cùng với những hoạt động của Văn hội Thọ Xương, Trần Văn Vi đã góp nhiều công sức để chấn hưng, làm thức dậy nền văn hóa Thăng Long một thuở một thời./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Lê Thị Dương