Chuyển động Hà Nội

Quy hoạch để phát triển bền vững làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Hải Truyền 13/11/2023 10:37

Xuyên suốt lịch sử nghìn năm văn hiến cùng với kho tàng di sản văn hóa giàu giá trị, Thủ đô Hà Nội còn là cái nôi của nghề thủ công, làng nghề, phố nghề truyền thống với những sản phẩm nổi tiếng đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Hà Nội nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm qua sự phát triển của các nghề và làng nghề cũng mang đến những tác động tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng đối với môi trường.

z4865977198385_db7cc574cda1becda5abce47987d2a8d-1-.jpg

Cần có những giải pháp thiết thực khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2022 Hà Nội có trên 1.350 làng nghề, làng có nghề, chiếm 1/3 số lượng làng nghề trong cả nước. Sự phát triển của các nghề và làng nghề đã có vai trò, ý nghĩa quan trọng và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Đây được coi là nguồn tài nguyên phong phú và cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đặc sắc phục vụ cho xuất khẩu, làm quà tặng hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chung của các mô hình kinh tế khác, quá trình phát triển các làng nghề ở Hà Nội cũng đã bộc lộ rất nhiều những bất cập, những hệ quả của sự phát triển nóng, đặc biệt là công tác quản lý, quy hoạch, vệ sinh môi trường.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề so với giai đoạn trước, nhìn chung vẫn chưa được kiểm soát, tại một số làng nghề còn có xu hướng gia tăng.

Chỉ tính riêng Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát 315 làng nghề; tiến hành đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề đang hoạt động. Kết quả cho thấy có đến 139 làng nghề đang bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng (chiếm 47,5%), gần 100 làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm (chiếm 31%), chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản - thực phẩm, dệt, may mặc... Trong đó, khoảng 36% số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải, hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nguồn nước thải tại nhiều làng nghề vượt giới hạn nhiều lần.

z4865682186811_712bd6c3561d3e8b3dce8eb8c379df1f.jpg
Người thợ của làng nghề mộc Ngọc Than (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội)

Theo Đề án bảo vệ môi trường đối với làng nghề trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến hết năm 2023, Hà Nội phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá, phân loại mức độ, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận và bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo quy định.

Mục tiêu trước mắt là đến hết năm 2025 Hà Nội sẽ hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được công nhận, đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Sự ô nhiễm đang là vấn đề nổi cộm đối với hầu hết các làng nghề nói chung và các làng nghề của Hà Nội nói riêng, có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến tình trạng này như chưa có sự đánh giá sát thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm, chưa đồng bộ giữa lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm,… nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự bất hợp lý trong công tác quản lý, đặc biệt là vấn đề quy hoạch đối với làng nghề.

Quy hoạch để phát triển làng nghề bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày một lớn, với mục tiêu phát triển làng nghề bền vững, đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, nhiều giải pháp đã được các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức xã hội đề xuất và thực hiện.

Đối với Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thành phố xây dựng Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2040; tham mưu xây dựng dự thảo “Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2023”.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, làng nghề đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế tại các địa phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, các làng nghề đã mang lại việc làm ổn định cho hàng triệu lao động và tổng doanh thu của các làng nghề lên tới 22 - 25 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển làng nghề hiện nay là ô nhiễm môi trường.

Cũng theo ông Đại: “Số lượng làng nghề của Hà Nội khá lớn, với nhiều nhóm nghề khác nhau. Hơn nữa, còn tình trạng sản xuất tại hộ gia đình, khu dân cư, nên không thể đầu tư để đổi mới công nghệ và đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Trong khi đó, số lượng điểm, cụm, khu công nghiệp tại các địa phương chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất ở các làng nghề”.

Lời giải tối ưu cho bài toán ô nhiễm môi trường đối với làng nghề được Hà Nôi xác định là chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề, hướng tới tổ chức quy hoạch, xây dựng điểm, cụm công nghiệp làng nghề, kết hợp xây dựng đồng bộ từ địa điểm tập kết, trung chuyển chất thải, hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước đến quy trình xử lý các chất thải độc hại tại các làng nghề. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong xử lý, khắc phục sự cố môi trường kịp thời, hiệu quả.

z4865965577567_4706aa5f8e07219dcc237dfcbe15a804.jpg
Những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao của làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín, TP Hà Nội).

Cùng với công tác quy hoạch, xây dựng đồng bộ và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì hoạt động thường xuyên tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề cũng cần được đảm bảo. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm phải được thực hiện nghiêm túc với những chế tài đủ sức răn đe, đảm bảo các hộ sản xuất trong làng nghề đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường đến các làng nghề cần được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó, cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội trong việc vận động các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề thực hiện đầy đủ các nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hiện nay, nhiệm vụ phát triển làng nghề bền vững gắn với bảo vệ môi trường càng trở nên cấp thiết khi Thủ đô Hà Nội định hướng phát triển du lịch làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo” được xác định là một hướng ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, giải quyết nguồn lao động địa phương, mà hơn thế, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của Thủ đô, góp phần xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần thực hiện đồng bộ mọi giải pháp để khắc phục tận gốc những hệ quả xấu mà làng nghề gây ra đối với môi trường. Trong đó, trước hết là đẩy nhanh công tác quy hoạch và xây dựng những điểm, cụm công nghiệp làng nghề tập trung theo đúng chủ trương của Thành phố./.

Hải Truyền